Tuy nhiên, Kiev sẽ phải tuyệt vọng và vỡ mộng khi giới chuyên gia tin rằng những phát biểu của Mỹ chỉ là để “khua chiêng gõ trống”, chứ thực sự sẽ không biến thành hành động thực sự. Hơn nữa, ý định cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev của Mỹ đang vấp phải sự phản đối của các đồng minh Châu Âu.
Trong cuộc họp báo ngày hôm qua (9/2), Tổng thống Barack Obama đã công khai tuyên bố, ông này sẽ cân nhắc việc cung cấp vũ khí gây sát thương cho quân đội Ukraine, nếu các biện pháp ngoại giao thất bại. Ông chủ Nhà Trắng còn nói, việc cung cấp vũ khí sát thương đang là một trong những lựa chọn được đội ngũ cố vấn an ninh của ông xem xét, và rằng quyết định này sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán hòa bình ở thủ đô Minsk của Belarus vào ngày mai (11/2).
Đây có lẽ là lần đầu tiên Tổng thống Obama chính thức và công khai nói về việc cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Ukraine . Kiev không thể không cảm thấy có hy vọng. Trước đây, đã rất nhiều lần chính quyền của Tổng thống Poroshenko lên tiếng cầu cứu Mỹ và phương Tây cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội của ông này để thay đổi thế trận trên chiến trường miền đông Ukraine - nơi quân Kiev liên tiếp vấp phải những thất bại trước lực lượng ly khai. Tuy nhiên, trong mọi lần cầu cứu trước đó, câu trả lời mà Kiev nhận được từ các đồng minh phương Tây là sự từ chối thẳng thừng hoặc sự im lặng.
Lần này có vẻ như khác với mọi lần trước đây. Bởi sau khi Kiev lên tiếng cầu cứu, họ đã nhận được câu trả lời tích cực từ phía giới chức Mỹ. Trong mấy ngày gần đây, người ta liên tiếp nghe thấy các quan chức cấp cao của Mỹ nói về khả năng nước này cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Kiev để giúp lực lượng này đảo chiều cuộc chiến ở miền đông Ukraine.
Đáng chú ý nhất là chính bản thân Tổng thống Obama ngày hôm qua đã công khai tuyên bố về lựa chọn cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine - một lựa chọn mà lâu nay ông này kiên quyết bác bỏ. Vì sao Tổng thống Obama và chính quyền Mỹ lại có sự thay đổi bất ngờ này. Người ta cho rằng, sau khi quân đội Kiev thua liểng xiểng trong cuộc chiến ở miền đông, phương Tây lo ngại Kiev sẽ thất bại và vì thế Mỹ muốn can thiệp vào để thay đổi cục diện.
Nếu nhìn bề ngoài, người ta rất dễ nghĩ rằng việc Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Ukraine chỉ còn tính bằng ngày một ngày hai. Bản thân Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng có niềm tin này. Liệu Mỹ có thực sự thay đổi và liệu Ukraine có nên hy vọng?
Hy vọng rồi vỡ mộng?
Xem xét kỹ hơn mọi dấu hiệu, người ta tin rằng việc Mỹ đáp ứng lời cầu cứu của chính quyền Kiev trong vấn đề cung cấp vũ khí sát thương là rất khó.
Trong những phát biểu ngày hôm qua của Tổng thống Obama, ông chủ Nhà Trắng rõ ràng đã không đả động gì đến “lằn ranh đỏ” – một giới hạn mà người ta thường phải đặt ra để đưa ra một quyết định quan trọng nào đó. Tổng thống Obama đã bỏ qua việc tuyên bố “lằn ranh đỏ”, khác hẳn với điều mà ông từng làm ở Syria .
Việc không tuyên bố lằn ranh đỏ sẽ giúp ông Obama có được sự linh hoạt trong việc ra quyết định và ông không phải chịu sức ép để ra một quyết định mà ông không muốn. Giới phân tích tin rằng, việc Tổng thống Obama không nói gì đến lằn ranh đỏ là một dấu hiệu cho thấy ông này vẫn chần chừ, do dự trong vấn đề cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev .
Sự chần chừ của ông Obama là có lý do. Ông chủ Nhà Trắng nhận thức rõ được việc cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev sẽ gây ra rất nhiều nguy cơ. Viễn cảnh nhãn tiền mà giới phân tích liên tục đưa ra trong những ngày gần đây là cuộc chiến ở miền đông Ukraine sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, đẫm máu hơn và khó giải quyết hơn nếu Mỹ cung cấp vũ khí cho Kiev.
Đó chắc chắn sẽ là hành động “đổ thêm dầu vào lửa”. Một khi được cung cấp vũ khí hiện đại, chính quyền Kiev tất nhiên sẽ tiến lên trên chiến trường. Lâu nay, Kiev vẫn có quan điểm cứng rắn với lực lượng ly khai miền đông mà họ gọi là “khủng bố”. Vì thế, nếu có cơ hội, Kiev chắc chắn sẽ tìm cách diệt trừ lực lượng này.
Chưa hết, nếu Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev thì hành động này sẽ được Nga coi là một sự khiêu khích, thách thức ở mức cao nhất. Và tất nhiên, Moscowsẽ có hành động đáp trả tương ứng bằng việc cung cấp, hậu thuẫn mạnh mẽ cho lực lượng ly khai. Cuộc chiến ở Ukrane sẽ thêm nóng bỏng và có nguy cơ leo thang thành cuộc chiến giữa Nga và Mỹ. Đây là điều mà cả hai cường quốc hàng đầu thế giới đều không muốn.
Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến sự phản đối của các đồng minh Châu Âu của Mỹ. Washington muốn cung cấp vũ khí cho Kiev nhưng họ lại không nhận được sự ủng hộ của các đồng minh Châu Âu trong vấn đề này. Thậm chí, Đức phản đối quyết liệt. Mỹ chắc chắn không muốn hành động một mình.
Trong khi chính quyền của Tổng thống Poroshenko vẫn hy vọng vào sự giúp đỡ của đồng minh thì giới phân tích ở Ukraine có vẻ như tỉnh táo hơn. Một chuyên gia phân tích về chính trị của Ukraine hôm qua đã đưa ra nhận định thẳng thừng rằng, những tuyên bố của Mỹ về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine chỉ là những lời dối trá nhằm gây áp lực lên Tổng thống Nga Putin.
Ông Ruslan Bortnik - Giám đốc Viện Phân tích và Quản lý Chính sách Ukraine, khẳng định, ông chắc chắn là người Mỹ sẽ không cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine. "Điều đó chỉ làm châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mà kết thúc cuối cùng của nó là sự thất bại hoàn toàn của quân đội Ukraine ”.
Theo: VnMedia