Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP. HCM đã đưa ra kiến nghị vậy tại Hội nghị Đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp của Bộ Giao thông vận tải, ngày 11/3.
Theo ông Hỷ, mặc dù được cấp phép hoạt động với hai ngành nghề tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường, nhưng Uber đang điều hành mạng lưới vận tải với hàng nghìn lái xe tại TP.HCM.
Bên cạnh đó, mạng lưới do Uber điều hành là taxi dù, mỗi khi thanh tra giao thông kiểm tra thì toàn bộ mạng của hãng ngưng hoạt động. Điều này cho thấy hãng hoạt động không minh bạch, ngoài vòng pháp luật.
“Xe Uber không có đồng hồ, lái xe không qua đào tạo, không chứng minh được xe kinh doanh vận tải. Hãng còn bảo kê cho lái xe vi phạm, cấp tiền nộp phạt cho lái xe nếu xe này bị phạt”, ông Hỷ cho rằng Uber đã tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng với các hãng taxi hoạt động có phép.
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội bày tỏ băn khoăn xung quanh bất cập giữa Luật Hợp tác xã và quy định quản lý doanh nghiệp vận tải.
Theo ông Liên, yêu cầu chủ nhiệm hợp tác xã vận tải phải mua bảo hiểm cho lái phụ xe là không hợp lý khi chủ nhiệm hợp tác xã không là người trực tiếp sử dụng lao động.
Ngoài ra, quy định bắt buộc các hợp tác xã vận tải phải có bãi đỗ xe cũng không phù hợp khi hợp tác xã vận tải có thể ở Hà Nội nhưng các thành viên hợp tác xã có thể ở các tỉnh khác như Nghệ An, Thái Bình…
Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp vận tải tại cả nước đều đưa ra nhiều ý kiến về vấn đề siết chặt kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý nghiêm các trường hợp xe chở quá tải trọng
Theo đó họ kiến nghị, mức phạt mới xe quá khổ quá tải cần thống nhất, không thể cùng là vi phạm chở quá khổ quá tải mà mức phạt đối với tổ chức lại gấp đôi mức phạt đối với cá nhân.
Theo Bizlive