Khu bến cảng Lạch Huyện được 'chia' cho những doanh nghiệp nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bên cạnh những 'ông lớn' cảng biển Nhà nước, một số nhà đầu tư tư nhân giàu tiềm lực cũng đã có phần tại khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Một sớm đầu hạ. Những chiếc tàu container khổng lồ chầm chậm xuôi theo lạch nước. Thỉnh thoảng, chúng lại ngân lên những tiếng còi hụ. Tiếng còi có thể được nghe thấy cách đó nhiều cây số, mang theo ‘hơi thở’ của một nền kinh tế đang vươn mình ra thế giới.

Nối tiếp nhau, những chiếc tàu đầy ắp container chậm rãi tiến vào khu vực cảng biển lớn nhất miền Bắc: Khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Chỉ trong ít ngày, dự án ‘siêu cảng’ Lạch Huyện đã đón nhận tới 2 sự kiện được dư luận địa phương và truyền thông trong nước quan tâm.

Đó là lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu do CTCP Đầu tư Xuân Cầu – Lạch Huyện (Xuân Cầu Lạch Huyện) làm chủ đầu tư. Dự án này có quy mô 752ha, tổng mức đầu tư lên tới 11.000 tỉ đồng.

Trước đó nữa, hôm 9/5, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 7-8 cho Tổng Công ty TNHH MTV Tân Cảng Sài Gòn (Tân Cảng Sài Gòn). Dự án này bao gồm 2 bến cảng dài 900m (mỗi bến dài 450m), có khả năng tiếp nhận tàu container từ 12.000 – 18.000 Teus, với tổng vốn đầu tư 12.792,6 tỉ đồng.

Sức hấp dẫn của khu cảng Lạch Huyện

Theo danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam công bố ngày 20/4/2022 của Bộ Giao thông vận tải, Hải Phòng có hơn 50 bến cảng. Các cảng này chủ yếu tập trung ở khu cảng sông Cấm và bến cảng Đình Vũ (thuộc thủy lưu sông Cấm), được điều hành bởi nhiều nhà khai thác, kể như: Vinalines, Tân Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, Gemadept, Viconship.

Số lượng nhà khai thác lớn, vị trí các cảng lại gần nhau, dẫn đến áp lực cạnh tranh về giá cước dịch vụ bốc xếp.

Trong khi đó, cảng nước sâu Lạch Huyện được xem như 'của hiếm', cả về vị trí và khả năng đón các tàu lớn.

Khu bến cảng Lạch Huyện có khả năng tiếp nhận các tàu mẹ có trọng tải trên 50.000 DWT (*) – loại tàu mà các khu cảng sông Cấm và bến cảng Đình Vũ khó tiếp nhận do độ sâu mớn nước không thể đáp ứng.

lach huyen 2.png

Cảng Lạch Huyện đóng vai trò 'cửa ngõ', đón các tàu mẹ của các tuyến hàng hải quốc tế.

Bên cạnh dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 7-8 nêu trên, Tân Cảng Sài Gòn cũng chính là chủ đầu tư xây dựng bến số 1 và 2 khu bến cảng Lạch Huyện với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng, đưa vào khai thác từ năm 2018.

Trong khi đó, các bến container số 3 và 4 do CTCP Cảng Hải Phòng – công ty con của Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) – làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỉ đồng.

Dự án được khởi công vào cuối tháng 7/2022 với chiều dài 750m (350m/bến) và 1 bến sà lan dài 250m có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 DWT (tương đương sức chở 8.000 Teus); đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 1,1 triệu Teus/ năm.

Các bến container số 5 và số 6 tại Khu bến cảng Lạch Huyện được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3/2021, với quy mô khoảng 47ha, đầu tư xây dựng 2 bến với chiều dài 750 m (mỗi bến dài 375m) có khả năng tiếp nhận cỡ tàu container đến 100.000 DWT (tương đương sức chở 8.000 Teus) và 1 bến sà lan tiếp nhận tàu sức chở 48 Teus.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 6.425,2 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2020 - 2025) là 6.072,9 tỉ đồng; giai đoạn 2 (từ năm 2030 và sau 2030) là 352,2 tỉ đồng. Chủ đầu tư là CTCP Tập đoàn Hateco (Hateco Group) của doanh nhân Trần Văn Kỳ.

Các bến cảng nước sâu số 9-10 tại khu bến cảng Lạch Huyện cũng đã có nhà đầu tư ‘để mắt’, cụ thể là CTCP Container Việt Nam (Viconship – Mã CK: VSC).

Trước đó, ban lãnh đạo Viconship đã thông qua việc đầu tư xây dựng cầu cảng nước sâu tại Lạch Huyện và xem đây là bước đầu trong kế hoạch dài hạn nhằm mở rộng mảng kinh doanh khai thác cảng, mảng dịch vụ chính.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các cảng của Viconship đã đạt công suất tối đa, doanh thu khó tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó, các mảng kho, bãi, vận chuyển, đại lý, logs cũng khó có khả năng đột biến. Trong khi đó, Viconship có lợi thế về dòng tiền dồi dào, cơ cấu tài sản vững chắc.

Viconship có thể chưa phải là nhà đầu tư cuối cùng tham gia dự án bến cảng Lạch Huyện. Bởi lẽ, theo quy hoạch, khu vực này sẽ có từ 13 - 15 bến cảng.

Mà đâu chỉ các dự án cảng biển, các dự án 'hậu cần' ở khu bến cảng Lạch Huyện cũng rất được quan tâm, chẳng hạn như Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu, với tổng mức 11.000 tỉ đồng, do thành viên của Xuân Cầu Holdings làm chủ đầu tư mà VietTimes đề cập ở đầu bài viết.

Theo quyết định số 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Hải Phòng được phân nhóm cảng biển số 1, loại cảng đặc biệt.

Trong đó, khu bến Lạch Huyện có chức năng là cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế; có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng khách quốc tế, bến công vụ, bến cho các phương tiện thủy nội địa.

Giai đoạn từ năm 2025 định hướng đến năm 2030, Lạch Huyện sẽ có tổng số 13 - 15 bến, trong đó 10 - 12 bến phục vụ tàu container (từ bến 1 về phía hạ lưu) đến 12.000 Teus (hoặc đến 18.000 Teus), 3 bến phía thượng lưu bến số 1 tiếp nhận hàng tổng hợp đến 100.000 tấn.

Tổng lượng hàng hóa thông qua khu từ 76 - 85 triệu tấn/năm (trong đó hàng container từ 5,5 - 6,1 triệu TEU/năm, bằng 60 - 70% so với quy hoạch cũ)./.

(*) Deadweight tonnage, viết tắt: DWT, là đơn vị đo năng lực vận tải an toàn của tàu tính bằng tấn, hay còn gọi là trọng tải toàn phần.