Năm 2015 chứng kiến trái tim châu Âu là Paris lần đầu tiên bị khủng bố tấn công, nhưng nó cũng chứng kiến một hiệp định được đánh giá có thể trở thành biểu tượng cho cả thế kỷ 21 – Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhưng trên thực tế, đây mới chỉ là phân nửa chặng đường trong việc thiết lập một hệ thống thương mại vĩ đại nhất trong lịch sử, một khu vực thương mại trải dài từ Thái Bình Dương qua Đại Tây Dương. Và đây mới là con đường tơ lụa thực sự của thế kỷ 21, và ông chủ của nó lại không phải là Trung Quốc, mà là Mỹ.
Trong một khoảng thời gian rất dài, thế giới quen với cách nhìn nhận rằng: Nước Mỹ nỗ lực thúc đẩy đàm phán TPP như một chiến lược mang tính chính trị, trong đó cố gắng làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước láng giềng ở châu Á Thái Bình Dương như Việt Nam, Malaysia hay Singapore. Thậm chí cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu còn cho rằng việc chậm trễ hình thành một khu vực thương mại như TPP là một sai lầm của Mỹ khi đã để cho ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc lan ra khắp Đông Nam Á, và lẽ ra cần hình thành từ trước đó một thập kỷ. Tất cả đã khiến cho thế giới có xu hướng nhìn TPP như một ván bài chính trị giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc, trong đó bên này cố gắng làm giảm ảnh hưởng của bên kia.
Thực tế lại hoàn toàn khác. Đúng là TPP một khi đi vào thực hiện, sẽ khiến ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc với các nước trong khu vực giảm đi do sự gia tăng thương mại giữa các nước này với Mỹ. Nhưng tầm nhìn của người Mỹ thì xa hơn thế rất nhiều. Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt các nền kinh tế lớn ở hai bờ Thái Bình Dương không chịu nhiều ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc gia nhập quá trình đàm phán TPP.
Lần lượt Canada, Australia hay Nhật Bản cũng tỏ ý muốn gia nhập khu vực thương mại mà Mỹ muốn thiết lập. Mục đích lớn nhất của Washington là thiết lập một khu vực thương mại khổng lồ giữa hai bờ Thái Bình Dương, hội tụ các nền kinh tế lớn nhất và năng động nhất trên thế giới, một khu vực thương mại chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Một khi khu vực thương mại lớn nhất thế giới này được hình thành, đó sẽ là một chiến thắng kép: vừa thúc đẩy kinh tế thế giới, lại vừa làm giảm ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc với các nước trong khu vực.
Nhưng, đó mới chỉ là phần đầu của câu chuyện. Khi mà cả thế giới vẫn đang say sưa với việc khu vực thương mại lớn nhất thế giới ra đời sau khi TPP được hoàn tất, thì một khu vực thương mại còn lớn hơn bắt đầu được định hình. Các vòng đàm phán giữa Mỹ và châu Âu về một Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được khởi động. Động thái này hứa hẹn sẽ tạo ra một khu vực thương mại còn lớn hơn TPP. Một khi Mỹ và châu Âu được kết nối bởi TTIP, nó sẽ tạo ra một khu vực thương mại chiếm tới 50% GDP và khoảng 35% tổng giá trị thương mại toàn cầu. Cũng giống như phần lớn các nước trong TPP, Liên minh châu Âu (EU) hiện cũng đang coi Mỹ là đối tác trao đổi thương mại và kinh tế lớn nhất.
Ráp hai mảnh ghép khổng lồ là TPP và TTIP này lại, thế giới mới bắt đầu nhận ra kế hoạch mà nước Mỹ đang hướng đến. Đó là tạo lập một tuyến thương mại khổng lồ lớn nhất thế giới, được tạo thành từ hai khu vực thương mại lớn nhất và lớn thứ hai thế giới, trải dài từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương, trong đó nước Mỹ giữ vai trò trung tâm. Thậm chí tầm nhìn về một khu vực thương mại thống nhất bởi hai hiệp định khổng lồ này cũng bắt đầu được hình thành. Khi mà một số nước trong TPP trên thực tế đã ký kết hiệp định thương mại tự do với EU, như Việt Nam, Mexico và Singapore.
Nó sẽ khuyến khích và thúc đẩy xu hướng các nước còn lại trong TPP cũng ký kết các hiệp định thương mại tự do với EU. Một khi quá trình này hoàn tất, nó sẽ hợp nhất cả TPP và TTIP, tạp ra khu vực thương mại chiếm tới 70% GDP và trên 55% thương mại toàn cầu. Và đây mới là tuyến trao đổi thương mại lớn nhất thế giới, một con đường tơ lụa thực sự mang tính kết nối toàn cầu, và con đường được tạo nên bởi nước Mỹ chứ không phải Trung Quốc, vốn chỉ kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, châu Âu và châu Phi, và nhất là mới chỉ đang trong giai đoạn ý tưởng.
Trên thực tế, tầm ảnh hưởng của kế hoạch nối hai bờ Thái Bình Dương với hai bờ Đại Tây Dương của nước Mỹ còn vượt ra ngoài yếu tố kinh tế. Nó còn đang hứa hẹn đem lại cho nước Mỹ địa vị bá chủ trong thế kỷ 21 khi mà rất nhiều người dự đoán ảnh hưởng của Mỹ sẽ suy giảm dần trong thế kỷ này. Việc làm chủ tuyến thương mại lớn nhất thế giới (chiếm 70% GDP và trên 55% thương mại toàn cầu) đang giúp Mỹ gia tăng quyền lực với các nền kinh tế mới nổi gồm 5 nước là Trung Quốc, Nga, Brazil, Nam Phi và Ấn Độ.
Cả 5 nước trên đều bị cho ra rìa trong cả hai hiệp định thương mại khổng lồ mà Mỹ đang thiết lập. Việc thiết lập một khối thương mại tương tự giữa 5 nước này để trả đũa là việc bất khả thi, vì khoảng cách địa lý giữa 5 nước cách nhau quá xa. Và kể cả khi 5 nước này có thiết lập được một khu vực thương mại, thì quy mô của nó cũng quá nhỏ để so sánh với khu vực thương mại nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương của Mỹ.
Bằng cách này, Mỹ có thể gây một sức ép đáng kể lên nhóm 5 nước có nền kinh tế mới nổi vẫn được gọi là BRICS này. Mục tiêu cụ thể có thể là các hàng rào thuế quan và chống bán phá giá. Và nhiều khả năng là các nước BRICS sẽ buộc phải chấp nhận. Kịch bản hình thành một khối thương mại với chính các thành viên của TPP mà Trung Quốc đang muốn thực hiện làm đối trọng, về lý thuyết cũng khó cạnh tranh với khối thương mại của Mỹ. Vì tiềm năng của thị trường Mỹ vượt trội so với Trung Quốc, sức hút và độ liên kết của thị trường Mỹ với thị trường các nước trong TPP là lớn hơn so với Trung Quốc.
Các nước Đông Nam Á là những quốc gia hiểu rõ nhất điều này, khi mà việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đang khiến kinh tế các nước ASEAN rơi vào trì trệ do quá phụ thuộc vào mối quan hệ trao đổi thương mại với nước này. Điểm mấu chốt trong việc hình thành các khối thương mại lớn là sức hút của thị trường quốc gia giữ vai trò chủ đạo, và ở điểm này thì Mỹ có lợi thế hơn so với Trung Quốc. Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh, với một thị trường trên 300 triệu dân có thu nhập đầu người lên tới 51.000 USD. Ngược lại, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn giảm tăng trưởng, dù có thị trường hơn 1 tỷ dân nhưng chỉ có thu nhập đầu người cỡ 6.100 USD.
Với việc làm chủ tuyến thương mại lớn nhất thế giới nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, Mỹ sẽ là người cầm trịch trong cỗ máy kinh tế toàn cầu ít nhất là trong thế kỷ 21, và buộc các cường quốc kinh tế khác như Trung Quốc hay Ấn Độ phải chấp nhận luật chơi do Mỹ thiết lập. Nước Mỹ trở thành siêu cường trong thế kỷ 20 với sự vượt trội về kinh tế, công nghệ, quân sự, với những Microsoft, Apple hay Apolo 13. Giờ đây, Mỹ không còn vượt trội về những vấn đề trên nữa, nhưng họ vẫn là siêu cường số một, nhờ vượt trội về tầm vóc ý tưởng.
Theo Nhàn Đàm - Một thế giới