Không muốn trở thành bãi rác của thế giới, Malaysia trả lại hàng tấn rác cho các nước phát triển

VietTimes -- Chính phủ Malaysia cho hay họ sẽ trả lại 450 tấn rác thải nhựa độc hại về các quốc gia đã vận chuyển chúng tới đất nước họ, một thông điệp mạnh mẽ rằng đất nước này sẽ không trở thành một bãi rác của các nước phát triển trên thế giới.
Malaysia tuyên bố gửi trả hàng tấn rác thải cho các nước chuyển rác tới nước họ (Ảnh: CNN)
Malaysia tuyên bố gửi trả hàng tấn rác thải cho các nước chuyển rác tới nước họ (Ảnh: CNN)

Trước đó, trong hôm 28/5, 9 container ở cảng Klang, phía Tây thủ đô Kuala Lumpur, được phát hiện có chứa rác thải nhựa không dán nhãn cùng nhiều loại rác thải không thể tái chế - trong đó trộn lẫn rác thải hộ gia đình và rác thải điện tử. Bà Yeo Bee Yin - Bộ trưởng Năng lượng, Khoa học, Công nghê, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia - nói rằng lượng rác thải nhựa nói trên được vận chuyển từ các nước gồm Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Arab Saudi, Bangladesh, Hà Lan và Singapore.

Hồi tháng trước, chính quyền Malaysia đã gửi trả lại 5 container rác thải về Tây Ban Nha.

Ngày 24/4 vừa qua, Malaysia đã triển khai một lực lượng phối hợp chuyên triệt phá hoạt động nhập rác thải nhựa phi pháp vào các cảng của nước này. Chính quyền Malaysia kể từ đó đã thực hiện được 10 chiến dịch tương tự.

Năm ngoái, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa như một phần trong sáng kiến bảo vệ môi trường của họ. Động thái này đã tạo nên hiệu ứng lan rộng khắp chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến cho những bên trung gian phải đi tìm những địa điểm mới để đổ rác - và một trong những địa điểm mới đó chính là Malaysia.

Một bản báo cáo mà Tổ chức Hòa bình Xanh (Green Peace) công bố mới đây cho thấy, chỉ trong khoảng 7 tháng đầu năm 2018, lượng rác thải nhựa được vận chuyển từ Mỹ tới Malaysia đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước đó.

Bộ trưởng Yeo Bee Yin cầm trên tay mẫu rác thải nhựa nhập trái phép từ Australia (Ảnh: CNN)
Bộ trưởng Yeo Bee Yin cầm trên tay mẫu rác thải nhựa nhập trái phép từ Australia (Ảnh: CNN)

Trong một cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Yeo cho biết, chính quyền Malaysia phát hiện ra một công ty tái chế của Anh đã xuất khẩu hơn 50.000 tấn rác thải nhựa chứa trong 1.000 container chỉ trong vòng 2 năm qua. "Chúng tôi kêu gọi các nước phát triển xem xét lại việc quản lý rác thải nhựa của họ và ngừng vận chuyển rác sang các nước đang phát triển" - Bộ trưởng Yeo nhấn mạnh.

Tranh chấp xung quanh việc nhập khẩu rác thải nhựa không chỉ đang diễn ra ở Malaysia mà còn ở Philippines. Canada đã bỏ lỡ mất thời hạn chót 15/5 mà chính quyền Philippines đặt ra để họ tiếp nhận lại hàng tấn rác thải. Sự việc gây nên tình trạng căng thẳng ngoại giao giữa hai nước. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thậm chí đã triệu hồi Đại sứ Philippines ở Ottawa về nước để phản đối Canada.

Sau khi ông Duterte nói rằng ông sẵn sàng "tuyên chiến" với Canada liên quan tới vấn đề này, Chính phủ Canada mới nói rằng họ sẽ trang trải toàn bộ chi phí vận chuyển lượng rác thải trên về nước đồng thời cam kết rằng việc vận chuyển sẽ hoàn tất vào cuối tháng 6 năm nay.

Năm ngoái, Chính phủ của 187 quốc gia, bao gồm cả Malaysia, đã nhất trí thêm nhựa vào Công ước Basel. Đây là một hiệp ước nhằm quản lý việc vận chuyển các chất liệu độc hại từ một quốc gia sang một quốc gia khác, với mục đích ngăn chặn ảnh hưởng của ô nhiễm rác thải nhựa trên toàn thế giới.