Phát biểu khai mạc, TS Phùng Danh Thắng – Chủ nhiệm IFI đánh giá, chuyển đổi xanh đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, cả ở Việt Nam.
Các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh đều phải tiến tới giảm thiểu tới mức tối đa việc phát thải khí nhà kính. Các hãng hàng không, vận tải biển, gang thép… sẽ phải mua tín chỉ carbon với những khoản tiền không nhỏ tương ứng với khối lượng phát thải của họ.
Ngược lại, những địa phương có diện tích rừng bao phủ lớn, nhận được những khoản tiền tương ứng với năng lực cung cấp ôxy của họ.
Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam), để có thể chuyển đổi xanh, vấn đề dữ liệu về phát thải khí nhà kính phải được số hoá rõ ràng.
Một thị trường giao dịch tín chỉ carbon đã và đang hình thành, thông qua đó, mọi đối tượng đều có thể mua bán tín chỉ cho mình. Chắc chắn, nếu không có chuyển đổi số, không có chuyển đổi xanh - ông Lê Nguyễn Trường Giang nhận định.
Chuyên gia đánh giá, nhiều người chưa thực sự hiểu chính xác về chuyển đổi số. Trong đó, vấn đề chính là chuyển đổi tư duy để ứng dụng CNTT một cách có hiệu quả, mà yếu tố quyết định chính là con người, quan trọng nhất là lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức.
Kết thúc hội thảo, thay mặt Ban tổ chức, TS Phùng Danh Thắng một lần nữa khẳng định, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là quá trình chuyển đổi kép không thể thiếu nhau. IFI sẽ cùng các đối tác tiếp tục tổ chức nhiều diễn đàn về chủ đề này, để nhiều đối tượng có nhu cầu tham gia.