Không chủ quan với cúm mùa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo WHO, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó có 3 - 5 triệu người diễn biến nặng và khoảng 250 - 500 nghìn người tử vong.

Các phụ huynh đưa con đi tiêm phòng
Các phụ huynh đưa con đi tiêm phòng

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hàng năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc cúm và nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Số ca mắc bệnh tăng đáng kể vào mùa đông xuân vì thời tiết thích hợp cho các bệnh truyền nhiễm liên quan đến hô hấp “trỗi dậy”.

Thế nhưng nhiều người luôn chủ quan cho rằng cúm là căn bệnh khá nhẹ và không ảnh hưởng trầm trọng tới sức khoẻ. Tuy nhiên, theo WHO, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 -5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 - 500 nghìn người tử vong.

Các chuyên gia y tế dự phòng cho biết, trẻ dưới 5 tuổi và người trên 65 tuổi là những đối tượng dễ bị cúm tấn công. Bên cạnh đó là nhóm người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, bệnh mạn tính như hen suyễn hoặc nhóm phụ nữ có thai cũng là hay gặp các biến chứng nặng do bệnh cúm gây ra.

Một căn bệnh tưởng chừng đơn giản nhưng cúm mùa đã để lại hậu quả nặng nề cho cá nhân, cộng đồng. Thống kê “mùa cúm” năm 2016 cho thấy, Việt Nam có tới gần 300.000 trường hợp phải nhập viện do nhiễm trùng hô hấp vì mắc cúm. Các cơ sở y tế dễ bị quá tải khi số bệnh nhân cần chăm sóc đột ngột tăng cao. Nhiều công sở, nhà máy thiếu nhân lực do nhiều người phải nghỉ do cúm mùa, hoặc cha mẹ phải nghỉ ở nhà chăm con ốm do mắc cúm.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Sử dụng vắc xin cúm mùa là biện pháp đem lại hiệu quả cao trong việc dự phòng chủ động bệnh cúm và nhiều lợi ích, hiệu quả đầu tư kinh tế, phát triển và bảo vệ sức khỏe giống nòi... Vắc xin cúm là an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ của vắc xin là tương đối cao 70-90%. Vắc xin cúm mùa được khuyến cáo sử dụng rộng rãi cho nhóm đối tượng cảm nhiễm, đặc biệt là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao (phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người mắc bệnh mạn tính và nhân viên y tế).

Bệnh cúm mùa do vi rút cúm (thường là 4 chủng từ H1N1, H3N2 và 2 chủng nhóm B) gây ra và lan truyền trong cộng đồng với khả năng biến đổi kháng nguyên liên tục. Mỗi năm chủng vi rút cúm lưu hành khác nhau nên cần tiêm vắc xin cúm mùa nhắc lại hàng năm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từ lâu thiết lập các trạm “quan trắc” vi rút cúm mùa trên khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam, để phân lập, xác định vi rút cúm mùa lưu hành ở các khu vực. Từ đó dự đoán, xác định chủng vi rút cúm sẽ xuất hiện vào mùa đông xuân khu vực Bắc bán cầu (từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau) và vào mùa đông xuân khu vực Nam bán cầu (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm).

Từ việc xác lập được khả năng chủng vi rút cúm nào sẽ hoành hành ở Bắc và Nam bán cầu, WHO sẽ đưa ra các hướng dẫn về chủng vi rút cúm để sản xuất vắc xin phòng cúm mùa cho các nhà sản xuất vắc xin tuân theo và cung cấp cho thị trường theo thời gian tốt nhất: Bắc bán cầu là vào tháng 8-9, còn Nam bán cầu là vào tháng 4-5 hàng năm.

Theo khuyến cáo của WHO, người dân nên tiêm đúng chủng loại vắc xin Bắc bán cầu theo mùa, tức là bao trùm từ mùa đông năm nay tới hết mùa xuân năm sau./.