"Các cụ già và người đi đường đều tập trung nhìn tôi cầm máy ảnh đứng giữa đường tác nghiệp phóng sự. Trên người tôi lúc ấy dán chữ “Phóng viên” thật to phía trước ngực và phía sau lưng. Chỉ vài phút sau, quân Giải Phóng đi bộ tiến vào", nhiếp ảnh gia Nguyễn Đạt cho biết.
Bộ ảnh như thước phim quay chậm lại diễn biến của ngày 30.4.1975 lịch sử, ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Đường phố Sài Gòn, cuộc sống người dân trong khoảnh khắc ấy đã được ghi lại chân thật. Bộ ảnh này đã có mặt trong triển lãm kỷ niệm 35 năm ngày thống nhất miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2010).
Lần đầu tiên nhìn thấy Bộ Đội Giải Phóng. Khoảng 10 giờ sáng ngày 30.4.1975 quân giải phóng từ hướng Hóc Môn tiến vào trung tâm Sài Gòn đang đi ngang qua đường Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ hiện nay) quận 3. Phía trước các anh là lính VNCH cởi áo đi trước. Những anh Bộ Đội năm xưa trong ảnh nếu nhận được ảnh này thì quý biết bao.
Chân dung Nguyễn Đạt ngày 30.4.1975
10 giờ 30 sáng ngày 30.4.1975 những người lính VNCH cởi áo lính nhưng còn đeo thẻ bài trên cổ đang di chuyển về hướng trung tâm Sài Gòn. Tất cả đều là con của những người mẹ Việt Nam sinh ra.
9 giờ sáng ngày 30.4.1975. Quân lính dù VNCH đóng tại Hóc Môn kéo chạy về hướng trung tâm thành phố Sài Gòn.
9 giờ sáng ngày 30.4.1975. Lính dù VNCH từ trại Hoàng Hoa Thám -Tân Bình bỏ chạy về hướng trung tâm Sài Gòn.
Người lính cuối cùng tôi thấy. Lúc 10 giờ 30 ngày 30.4.1975. Quân lính VNCH vứt bỏ quân trang súng đạn nhưng còn sót một anh lính hai tay cầm hai khẩu M16, vai đeo hai khẩu chống tăng M72 đi trên đường nhưng không biết về đâu? Các cụ già và người đi đường đều tập trung nhìn tôi cầm máy ảnh đứng giữa đường tác nghiệp phóng sự (trên người tôi lúc ấy dán chữ “Phóng viên” thật to phía trước ngực và phía sau lưng). Chỉ vài phút sau, quân Giải Phóng đi bộ tiến vào.
Khoảng 11 giờ ngày 30.4.1975 trên đường Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ) quân giải phóng hướng từ Củ Chi tiến vào trung tâm thành phố.
Khoảng 11 giờ ngày 30.4.1975 bộ đội tiến vào trung tâm Sài Gòn đi từ hướng Miền Tây qua đường Trương Minh Giảng nay là Lê Văn Sỹ quận 3.
Quân Giải phóng từ hướng Hóc Môn tiến vào trung tâm Sài Gòn, đi qua đường Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ) lúc khoảng 10 giờ sáng ngày 30.4.1975.
Khoảng 11 giờ ngày 30.4.1975 biệt động thành xuất hiện đồng loạt, quần áo như người dân Sài Gòn nhưng trang bị súng AK và P64
12 giờ ngày 30.4.1975 tại cổng Dinh Độc lập, lần đầu tiên nhìn thấy chiếc xe mà dân miền Nam hay gọi là "Moto va"
9 giờ sáng ngày 30.4.1975, khi hay tin quân giải phóng đã tiến vào Sài Gòn, những gì liên quan đến VNCH được vứt bỏ ra đường.
Người lính cởi bỏ áo, chân đất, tay trái đeo miếng vải (có lẽ đã được đánh dấu) đang đi về đâu đó.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 30.4.1975, trên đường Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ) những người lính cởi bỏ hết quân phục đang đi về hướng trung tâm thành phố, những số phận con người trong thời chiến
Phía sau chiếc jeep là xác người chết đã được trùm chiếu. 12 giờ ngày 30.4.1975 tại ngã tư Phú Nhuận Sài Gòn.
Trên đường Võ Di Nguy - Phú Nhuận lúc 12 giờ ngày 30.4.1975
Khoảng 13 giờ ngày 30.4.1975 tăng M113 “bỏ của chạy lấy người”. Trên đường Chi Lăng, cửa hông bệnh viện Nguyễn Thái Học (nay là đường Phan Đăng Lưu - bệnh viện Ung Bướu).
15 giờ ngày 30.4.1975 tại khu vực nhà máy xi măng Hà Tiên - Thủ Đức (ngay trạm thu phí xa lộ Hà Nội hiện nay).
Tại ngã tư Hàng Xanh ngày 30.4.1975
Chiếc nón ngày 30.4.1975. Chụp tại cầu Thị Nghè.
Tìm người trong ảnh. Kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, xem lại những hình ảnh ngày lịch sử 30.4.1975. Người lính trong ảnh chụp tại cầu Thị Nghè ngày 1.5.1975 . Bây giờ anh ở đâu? làm gì? Năm nay cũng đã 60 tuổi rồi. Hy vọng qua Facebook anh nhận được hình ảnh của mình ngày ấy.
Buổi sáng ngày 30.4.1975 trên đường Võ Thị Sáu (đường Hiền Vương cũ)
Khoảng 14 giờ ngày 30.4.1975 người dân tập trung vào khu vực dinh Độc lập xem thời sự.
Cuộc hội ngộ sau 21 năm. Chiếc xe "Com măng ca" chở một vị bộ đội lớn tuổi (không có quân Hàm) có 2 cảnh vệ cầm tiểu liên đã làm khu xóm tại Tân Định hết vía. Người tìm đến lúc ấy là Đại tá Lê Thiện - Bộ Quốc Phòng, đi tìm người em kế là nhạc sĩ Lê Đô và.. nước mắt thay cho lời nói. Anh em ruột thịt mỗi người một chiến tuyến nay đã được gặp nhau. Đứa cháu ruột đứng trước đầu xe vừa đi lính VNCH vài tháng thì giải phóng.
Khoảng 15 giờ ngày 30.4.1975 trên xa lộ Biên Hòa, đoạn gần ngã tư Thủ Đức.
Phút thư giãn khi đã làm chủ tình hình. Khoảng 12 giờ ngày 30.4.1975. Cuối đường Yên Đổ (Lý Chính Thắng) là Hai Bà Trưng, lúc ấy có chiếc tăng M113 đậu trước một ngôi nhà là tiệm phở Bình rất nổi tiếng cho tới nay, rất đông người bu quanh nhưng không thấy có sự cố gì nên không chụp ảnh ,bước tới vài chục mét thì chụp ảnh này. Sau đó tôi mới biết, tiệm phở Bình là "Trung tâm chỉ huy biệt động nội thành" sau đó được gắn bản di tích cách mạng cho đến nay.Tiếc quá lúc ấy không chụp một tấm ảnh, mà cũng phải thôi vì phim chụp đếm từng tấm một.
Buổi chiều ngày 30.4.1975 tại ngã tư Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ) và Trần Quốc Thảo. Hai anh bộ đội đi xe máy nhưng không biết sang số, xe cứ chồm lên rồi tắt máy cứ loay hoay mãi
Ngày 304.1975 gặp chiếc xe Jeep chở các phóng viên nước ngoài. Khoảng 12 giờ trên đường Hai Bà Trưng.
Bùng binh chợ Bến Thành nhìn về tòa nhà Quốc Hội của VNCH vài ngày trước 30.4.1975.
Khoảng 14 giờ chiều ngày 30.4.1975 tại ngã tư Phú Nhuận. Chiếc xe tăng M48 của lính VNCH bỏ lại trên đường còn nguyên súng đạn trên xe, một số thanh niên và trẻ em tò mò leo lên nghịch phá. Trên đường xuất hiện những lá cờ Giải Phóng xanh đỏ ngôi sao vàng được gắn trên xe máy của hai người đàn ông đang di chuyển.
Theo Thanh niên