Kho bạc hết tiền, chính phủ Mỹ có thể bị vỡ nợ

The Wall Street Journal nêu vì kho bạc hết tiền, chính phủ Mỹ sẽ bị vỡ nợ, nếu trước ngày 3.11 Quốc hội không tăng trần nợ công, chính phủ sẽ hoàn toàn không còn tiền để chi trả cho các dịch vụ công của quốc gia.
Chính phủ Mỹ từng đóng cửa hồi năm 2013 vì Quốc hội không thông qua ngân sách
Chính phủ Mỹ từng đóng cửa hồi năm 2013 vì Quốc hội không thông qua ngân sách

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết như trên vào ngày 15.10. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã đặt thời hạn cho việc nâng trần nợ công của Mỹ là trước ngày 5.11, nếu không chính phủ Mỹ sẽ bị vỡ nợ vì kho bạc hết tiền. 

"Đúng ngày 3.11, Mỹ sẽ không còn khả năng vay tiền nữa... điều đó đưa Mỹ vào nguy cơ thật sự. Lần đầu tiên trong lịch sử của chúng ta, chúng tôi không có khả năng chi trả cho các hóa đơn của quốc gia", ông Earnest nói.

Chính phủ Mỹ hết tiền

Ngày 14.10, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết Ngân khố Quốc gia Mỹ (kho bạc) sẽ phải đối mặt với nguy cơ số dư tiền mặt thấp, Ngân khố sẽ nhanh chóng hết sạch tiền vào giữa tháng 11 nếu Quốc hội không nâng trần nợ công của nước này.

Ông Jacob Lew, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo trong một bức thư gửi Quốc hội Mỹ rằng vào ngày 3.11 Ngân khố Quốc gia Mỹ sẽ chỉ còn một số lượng tiền mặt tương đương với 30 tỉ USD, con số này "sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt".

"Trong thực tế, chúng tôi không lường trước được bất kỳ một kịch bản nào hợp lý, trong đó sẽ kéo dài một thời gian dài (chính phủ vẫn hoạt động nhưng không có tiền)", ông Lew cho biết.

Nhiều năm qua, Chính phủ Mỹ luôn rơi vào tình trạng "thu không bù nổi chi" vì thế nước này luôn rơi vào tình trạng sẽ vỡ nợ nếu không nâng trần nợ công (mức nợ cao nhất mà Chính phủ Mỹ được vay do Quốc hội Mỹ cho phép).

Việc không được tiếp tục vay nợ, nhưng vẫn phải chi tiền sẽ khiến chính phủ Mỹ bị vỡ nợ.

Quốc hội Mỹ làm khó chính phủ

Vấn đề cố hữu của chính quyền Mỹ là không đủ tiền chi ngân sách, buộc phải vay tiền để chi trả các chi tiêu công.

Nhưng đảng Cộng hòa (chiếm đa số tại Quốc hội Mỹ) và phe bảo thủ tài chính trong Quốc hội Mỹ, cơ quan duy nhất có khả năng nâng trần nợ công, đe dọa sẽ không thông qua quyết định này nếu Nhà Trắng không đồng ý cắt giảm chi tiêu ngân sách nhiều hơn nữa.

Đây không phải là lần đầu tiên đảng Cộng hòa dùng "chiêu bài tiền bạc" để ép chính phủ của ông Obama nhượng bộ trong các chính sách đối nội và đối ngoại.

Hồi năm 2013, Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa một phần vào từ ngày 1.10 đến ngày 17.10 vì lý do Quốc hội Mỹ không thông qua ngân sách tài khóa cho năm 2014.

Hiện nay, tổng cộng nợ công của Mỹ ở mức khoảng 18.400 tỉ USD, tức 101% GDP chính thức của Mỹ năm 2014.

Chính phủ Mỹ sẽ phải chi gì trong tháng 11?

Việc nâng trần nợ công không có nghĩa là sẽ nâng mức chi tiêu của chính phủ Mỹ (vốn được duyệt chi theo năm tài khóa). Thay vào đó, nó cho phép chính phủ nước này tiếp tục vay thêm tiền để trả các khoản nợ phát sinh lâu nay, và trả tiền hoạt động của chính quyền.

Vào ngày 3.11, khi mà ngân khố quốc gia Mỹ chỉ còn 30 tỉ USD, dự tính sẽ phải chi 25 tỉ USD cho người nhận tiền an sinh xã hội, ngoài ra trong tháng 11 còn hai đợt chi tiền cho Quỹ an sinh xã hội khác vào ngày 10 và 18.11 mỗi đợt chi 14 tỉ USD. 

Ngày 16.11, chính quyền Mỹ phải huy động 30 tỉ USD để trả tiền lãi suất ngân hàng, cùng với 3 tỉ USD để trả tiền lương cho quân đội.

Thống kê trên, chưa bao gồm các khoản chi không công khai của chính quyền liên bang Mỹ, nhưng con số này đã đủ để chính phủ Mỹ mất khả năng cân đối và chi ngân sách dẫn đến vỡ nợ.

Thiên Hà - Theo WSJ, Sputnik News, Một thế giới