Khi sứ giả lên sóng truyền hình

Việc nhận lời làm khách mời thường xuyên của đài truyền hình cũng khiến các khách mời phải thường xuyên theo dõi thời sự quốc tế. 
TS. Trần Việt Thái. (Nguồn: vtv).
TS. Trần Việt Thái. (Nguồn: vtv).

Thử thách chuyên môn, thử thách bản lĩnh và dễ gặp “tai nạn nghề nghiệp”, nhưng các diễn giả là nhà ngoại giao vẫn luôn sẵn sàng nhận lời “lên sóng” bởi trách nhiệm với công chúng của mình. 

Từ lâu, các học giả luôn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động báo chí, bởi họ giúp đưa độc giả đến với bản chất vấn đề đang được quan tâm một cách nhanh nhất và khoa học nhất. 

Đó cũng chính là lý do trong những talkshow truyền hình liên quan đến tình hình quốc tế, các nhà ngoại giao đang chiếm ưu thế. 

Trong số đó phải kể đến những tên tuổi như Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường, Nguyễn Quang Khai, Hoàng Anh Tuấn, TS. Đỗ Sơn Hải, TS. Trần Việt Thái, TS. Trần Trường Thủy…

Thử thách chuyên môn

Là nhà ngoại giao có gần 20 năm kinh nghiệm hợp tác với truyền hình, TS. Đỗ Sơn Hải (Học viện Ngoại giao) cho biết: “Talkshow là phép thử khá thú vị đối với trình độ chuyên môn của diễn giả bởi những gì mình bình luận, phán đoán sẽ đả động đến lĩnh vực chuyên sâu của rất nhiều người. 

Hơn nữa, đa số các vấn đề thời sự quốc tế đều đặt ra yêu cầu phân tích nhanh. Chính vì vậy, nhiệm vụ của diễn giả là phải cung cấp được cho độc giả bản chất của vấn đề, nhưng phải đảm bảo những bình luận của mình phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Ông kể: “Năm 2013, vũ khí hóa học được sử dụng trong cuộc nội chiến ở Syria. Khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi tối hậu thư yêu cầu Syria giải giáp vũ khí hóa học, nếu không Mỹ sẽ trực tiếp tham chiến tại đây. 

Thời điểm đó, các kênh truyền hình trong nước đều mời các chuyên gia đánh giá về sự kiện này, xem liệu Mỹ có đánh Syria hay không? Câu hỏi có hay không luôn đặt ra thử thách chuyên môn của khách mời rất cao. 

Chính vì vậy, để trả lời câu hỏi này, ngoài những đánh giá  dựa trên hiểu biết chuyên môn cần dựa cả vào sự phán đoán và cảm tính cá nhân. Hồi đó, tôi đã dự đoán là không đánh, và thực tế đã diễn ra như vậy”.

Việc nhận lời làm khách mời thường xuyên của đài truyền hình cũng khiến các khách mời phải thường xuyên theo dõi thời sự quốc tế. 

Ông chia sẻ: Chẳng hạn khi xảy ra đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hay khủng bố đẫm máu ở Nice (Pháp), đó là những tin tức nóng và chưa có bất kỳ căn cứ nào để bình luận. Khi đó, diễn giả sẽ phải đưa ra ý kiến của cá nhân mình. 

TS. Đỗ Sơn Hải. (Nguồn: vtv)
TS. Đỗ Sơn Hải. (Nguồn: vtv)

Ông cho rằng, điều này “khá nguy hiểm” bởi đôi khi, thực tế có thể không diễn ra như những gì mình nhận định và khán giả sẽ lập tức phản hồi.

Trách nhiệm phát ngôn

Cũng là khách mời thường xuyên của các kênh truyền hình lớn như Truyền hình Việt Nam (VTV), Truyền hình Thông tấn hay Truyền hình Quốc phòng, TS. Trần Việt Thái (Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao), chia sẻ rằng:

 “Các nhà ngoại giao, khi nhận lời “lên sóng”  đều xác định cho mình hai nhiệm vụ chính, đầu tiên là cung cấp góc nhìn chuyên sâu cho công chúng về những vấn đề quốc tế đang nổi lên, nhưng mặt khác cũng giúp công chúng hiểu rõ hơn về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, về nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao để từ đó tạo được sự đồng thuận trong nước về vấn đề mà công chúng đang quan tâm”.

Theo kinh nghiệm của TS. Trần Việt Thái, khi hợp tác với truyền thông, mỗi phát ngôn của diễn giả đều phải đảm bảo đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của công chúng. Người dân có quyền được biết về bản chất của các vấn đề quốc tế đang nổi lên, về công việc mà ngành Ngoại giao đang làm.

Đặc biệt, ông cho rằng, một diễn giả ngoại giao, khi trả lời báo chí nước ngoài thì ngoài việc nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cần có cách giải thích bản chất vấn đề trên căn cứ khoa học và từ góc độ khách quan. Có như vậy, những phát ngôn đó mới thuyết phục được công chúng quốc tế về tính đúng đắn của chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.   

Còn nhớ trong lần trả lời phỏng vấn một hãng tin ở Mỹ, TS. Trần Việt Thái nhận được kịch bản và câu hỏi một đằng, nhưng đến khi ghi hình và phát trực tiếp thì họ lại hỏi một nẻo. Ông chia sẻ: “Khi đó, diễn giả phải xử lý tình huống ngay tại chỗ, sao cho cả nhà đài và khán giả đều thấy hài lòng. Chắc chắn sau những lần như vậy, diễn giả sẽ tích lũy được cho mình kinh nghiệm đối phó với những khủng hoảng trong mỗi talkshow”.

Tiêu đề gốc: Khi sứ giả lấn sân truyền hình

Nguồn: Báo Thế Giới và Việt Nam