Quan tâm đặc biệt
Trong lịch sử quan hệ hai nước đã có không ít cuộc thượng đỉnh, diễn ra ở Trung Quốc, ở Mỹ và các nơi khác. Lần gặp nào cũng được dư luận quan tâm đặc biệt. Điều đó là hoàn toàn bình thường bởi vì đó là những sự kiện đặt dấu ấn cho mối quan hệ của hai quốc gia hàng đầu thế giới trong nhiều năm liền. Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Mỹ - Trung lại càng có vai trò nổi bật trên chính trường thế giới, ảnh hưởng rất sâu rộng đến tất cả các khía cạnh của đời sống quốc tế.
Cuộc thượng đỉnh lần này tại Mar-a-Lago (bang Florida, Hoa Kỳ) lại càng có ý nghĩa quan trọng. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump, người giương cao khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” sẽ giáp mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người khởi xướng “Giấc mơ Trung Hoa”.
Có thể thấy tầm quan trọng của cuộc thượng đỉnh qua quá trình chuẩn bị. Như đã biết, trong thời gian tranh cử tổng thống, ông Trump thể hiện thái độ chống Trung Quốc rất mạnh mẽ và ồn ào, khi đó, ít ai dám nghĩ tới một cuộc gặp cấp cao nhất của hai nước diễn ra sớm thế này.
Nhưng rồi, nhờ những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của cả hai bên, trong đó báo chí nêu một loạt các quan chức hàng đầu của hai nước gồm cả Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Vương Nghị từ phía Trung Quốc và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Chiến lược gia Steve Bannon và nhiều người khác từ phía Mỹ, mới thu xếp xong cho cuộc gặp này.
Tầm quan trọng của cuộc thượng đỉnh còn được thể hiện qua hành động kiềm chế của hai bên trước khi tiến hành gặp gỡ. Mặc dù vẫn còn nhiều căng thẳng và bất đồng, nhưng hai bên đều đã “chìa cành ô liu” nhiều hơn. Cụ thể là Mỹ, nhất là Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Tillerson đã không còn nhắc tới những phát ngôn “rắn” của họ đối với Trung Quốc. Về phía Trung Quốc cũng có những hành động cẩn trọng hơn tại một số vấn đề và khu vực nhạy cảm.
Tất nhiên, tầm quan trọng số một của thượng đỉnh chính là ở nội dung mà hai nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo. Hiện chưa thể nói chính xác, đó là những vấn đề gì, tuy nhiên, theo dự báo của các phương tiện truyền thông, ít nhất sẽ có 5 vấn đề sẽ được ưu tiên đề cập đến.
Vấn đề Triều Tiên hiện đang nổi cộm trong quan hệ giữa hai nước. Phía Mỹ có những phản ứng mạnh về việc Trung Quốc - quốc gia có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đối với Triều Tiên - có quá ít hành động để kiềm chế Bình Nhưỡng đang nhanh chóng phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa đạn đạo, đe dọa trực tiếp tới các đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc, thậm chí là chính nước Mỹ. Thậm chí, Tổng thống Trump còn đánh tiếng, nếu Trung Quốc không ủng hộ, Mỹ sẽ tự mình hành động, trong đó không loại trừ sử dụng biện pháp quân sự.
Vấn đề thứ hai, từ lâu đã làm đau đầu các nhà lãnh đạo Mỹ, đó là mối quan hệ kinh tế “bất bình đẳng” mà Mỹ là phía thiệt hại nặng nề, đặc biệt là vấn đề thâm hụt thương mại. Mỹ luôn tố Trung Quốc sử dụng những biện pháp như bảo hộ sản xuất trong nước, thao túng tiền tệ, bán phá giá sản phẩm, dùng lậu bản quyền sở hữu trí tuệ...gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Mỹ.
Vấn đề thứ ba là việc Trung Quốc ngang ngược đòi chủ quyền hầu hết diện tích Biển Đông, tiến hành ồ ạt việc tôn tạo trái phép và quân sự hóa các đá nhân tạo trên Biển Đông, đe dọa tự do hàng hải, hàng không trên tuyến huyết mạch của nền kinh tế thế giới. Cũng cần nói thêm, phần lớn điều đó xảy ra dưới thời chính quyền Obama, giờ đây, ông Trump phải xử lý vấn đề gai góc này.
Hai nội dung ưu tiên khác sẽ là vấn đề Trung Quốc hạn chế báo chí nước ngoài, thắt chặt hoạt động của các tổ chức phí chính phủ, gây khó khăn cho các nhà cung cấp dịch vụ internet Mỹ tại Trung Quốc...và vấn đề chính sách về chống biến đổi khí hậu.
Thời thế đổi thay
Nếu để ý tới cả quá trình dài từ năm 1973, khi Tổng thống Mỹ khi đó là Nixon đến thăm Trung Quốc thì có thể thấy, lợi thế trong các cuộc thượng đỉnh càng ngày càng nghiêng về phía quốc gia phương Đông.
Cuộc thượng đỉnh lần này là một minh chứng rõ nét nhất. Phải nói rằng, đội “Giấc mơ” đang ở thế thượng phong so với đội “Làm cho”.
Mặc dầu tính theo Tổng sản phẩm quốc nội, hiện Trung Quốc vẫn chưa bằng Mỹ, nhưng nếu xét về tố độ tăng trưởng thì nền kinh tế Trung Quốc, dù có chậm lại, vẫn ở mức rất cao và khá ổn định. Điều đáng nói là Trung Quốc đã hạn chế phát triển theo chiều rộng, đang tăng cường phát triển theo chiều sâu, nhất là các ngành có hàm lượng trí tuệ cao, vì vậy càng thu hẹp khoảng cách với Mỹ.
Về những vấn đề đối nội, trong khi nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều sự bất an, xã hội bị chia rẽ sâu sắc sau cuộc bầu cử Tổng thống thì Trung Quốc hiện vẫn duy trì được trật tự xã hội ổn định.
Về quân sự, tuy Trung Quốc chưa thể sánh ngang với Mỹ, nhưng quá trình hiện đại hóa quân đội đang bắt đầu cho thấy những kết quả cụ thể. Trung Quốc đạt được những thành tựu to lớn trong việc sản xuất, chế tạo nhiều loại vũ khí trang bị tiên tiến, thu hẹp nhanh khoảng cách với Mỹ.
Tình hình chung của hai đội là thế. Nếu so sánh về đội trưởng hai đội thì càng thấy rõ, lợi thế nghiêng về bên nào.
Đó là hai tính cách trái ngược hẳn nhau. Tổng thống Trump - đội trưởng đội “Làm cho” năm nay đã 70 tuổi. Phía bên kia, Chủ tịch Tập Cận Bình, đội trưởng “Giấc mơ” mới có 64. Một người mới hoàn toàn trên chính trường, đang chịu rất nhiều sự phản đối trong xã hội, lại vừa trải qua một số thất bại liên tiếp trong việc thông qua các dự luật, đặc biệt là dự luật về cải cách hệ thống bảo hiểm y tế, người kia đã đứng đầu quốc gia gần hai nhiệm kỳ, vượt qua nhiều thử thách, giờ đây đã trở thành “lãnh đạo nòng cốt”, tập trung quyền lực cao độ về tay mình.
Một người chưa hề có kinh nghiệm trong vấn đề đối ngoại, người kia đã dày dạn trong việc xử lý các vấn đề quốc tế. Một người tính hướng ngoại, phát ngôn ngay và luôn, sử dụng tweeter để truyền thông điệp tới mọi người, người kia chậm rãi, cẩn trọng, luôn toan tính và hầu như không thể hiện gì trên mạng xã hội.
Chính vì các yếu tố trên, có tác giả đã nói đến “thế yếu của Mỹ” trong cuộc thượng đỉnh lần này. Thậm chí báo The Guardian còn giật tít bài báo: “Tập Cận Bình nắm hết các lá bài trước cuộc gặp Trump ở Mar -a- Lago”.
Tất nhiên, nói như vậy cũng là phòng xa chứ thực tế không hoàn toàn như vậy. Nước Mỹ hiện vẫn là đất nước vĩ đại, cường quốc số một thế giới, có thể chế ổn định và có tiềm lực kinh tế, quân sự và đặc biệt là sức mạnh mềm vượt trội đối với các đối thủ khác. Bản thân Tổng thống Trump cũng cho thấy ông không phải là tay vừa. Trong thời gian diễn ra cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, đã có lúc tưởng như ông chỉ còn 1% hy vọng, nhưng cuối cùng ông đã vượt lên giành chiến thắng vang dội trước đối thủ.
Vì thế, ông Tập Cận Bình chắc cũng không mạo hiểm để tỏ ra lấn lướt phía chủ nhà trong cuộc gặp lần này. Một số báo nói tới mục tiêu khiêm tốn của thượng đỉnh: đó chỉ là cơ hội để hai nhà lãnh đạo làm quen với nhau. Ông Tập Cận Bình cần giữ thể diện trước kỳ Đại hội Đảng vào cuối mùa thu năm nay. Ông Trump thì muốn mình không bị yếu thế trước vị khách có dày dạn kinh nghiệm và đang nắm nhiều lợi thế.
Cuộc thượng đỉnh lần này, vì thế, rất có thể không đạt được những điều mà nhiều người kỳ vọng.