Kết quả điện đàm Joe Biden – Tập Cận Bình: "Ông nói gà, bà nói vịt"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau cuộc điện đàm hôm 18/3 giữa hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình, Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra thông báo khác nhau. Mỹ cảnh báo Trung Quốc về cuộc chiến Nga-Ukraine, Trung Quốc cảnh báo Mỹ về vấn đề Đài Loan.
Cuộc điện đàm giữa hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình kéo dài 2 giờ kết thúc với thông báo khác nhau của hai bên (Ảnh: Xinhua).
Cuộc điện đàm giữa hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình kéo dài 2 giờ kết thúc với thông báo khác nhau của hai bên (Ảnh: Xinhua).

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức một cuộc điện đàm trong khoảng hai giờ vào tối thứ Sáu (18/3) theo giờ Bắc Kinh, trọng tâm cuộc trao đổi là tình hình ở Ukraine và vấn đề Đài Loan.

Theo trang tin Deutsche Welle ngày 19/3, trong một thông cáo báo chí được đưa ra sau cuộc họp, Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết rằng: “Ông Biden nói, ông muốn nhắc lại rằng Mỹ không tìm cách gây ra một cuộc ‘Chiến tranh Lạnh mới’ với Trung Quốc, không tìm cách thay đổi thể chế của Trung Quốc, không tìm cách chống lại Trung Quốc bằng cách tăng cường liên minh, và không ủng hộ 'Đài Loan độc lập', cũng không có ý định xung đột với Trung Quốc. Mỹ muốn đối thoại thẳng thắn với Trung Quốc, tăng cường hợp tác, kiên trì chính sách một Trung Quốc, quản lý hiệu quả sự cạnh tranh và khác biệt, đồng thời thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung phát triển ổn định."

Trong một thông cáo ngắn hơn rõ rệt được Nhà Trắng đưa ra muộn hơn sau đó cho biết, Tổng thống Biden nhắc lại trong cuộc gặp gỡ qua truyền hình này rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi và nhấn mạnh rằng Mỹ tiếp tục phản đối bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng.

Ông Joe Biden nói chuyện với ông Tập Cận Bình từ Nhà Trắng (Ảnh: AP).

Ông Joe Biden nói chuyện với ông Tập Cận Bình từ Nhà Trắng (Ảnh: AP).

Vấn đề Đài Loan: Cảnh báo của Trung Quốc, mối lo ngại của Mỹ

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng chỉ ra rằng: "Hiện tại, quan hệ Trung - Mỹ vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn do chính quyền Mỹ trước đây tạo ra, mà còn ngày càng gặp thêm nhiều thách thức. Đặc biệt, một số người Mỹ đã gửi tín hiệu sai trái đến thế lực 'Đài Loan độc lập'. Điều này rất nguy hiểm. Nếu vấn đề Đài Loan không được xử lý tốt, nó sẽ có tác động lật nhào mối quan hệ giữa hai nước (Trung – Mỹ)."

Tuy nhiên, thông cáo của Nhà Trắng không đề cập đến phát biểu nêu trên của ông Tập Cận Bình, nhưng trong một đoạn ghi chép khác của cuộc họp báo do các quan chức Nhà Trắng tổ chức về cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, một phóng viên đã đặt câu hỏi: "Khi ông Tập Cận Bình nói ‘một số người Mỹ đã gửi tín hiệu sai trái đến thế lực Đài Loan độc lập, Tổng thống Biden chính xác đã đáp trả như thế nào?”.

Quan chức cấp cao này của Nhà Trắng này trả lời: “Tổng thống Biden nhắc lại rằng, Mỹ sẽ tiếp tục căn cứ theo hướng dẫn của ‘Đạo luật Quan hệ Đài Loan’, ba thông cáo chung Trung-Mỹ và ‘Sáu đảm bảo’ đối với Đài Loan để thực thi chính sách một Trung Quốc. Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh rằng ông lo ngại về các hành động ép buộc và khiêu khích của Bắc Kinh ở eo biển Đài Loan. Tổng thống Biden đã nói rõ rằng chúng ta phản đối bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng ở eo biển Đài Loan. Rõ ràng, bản thân ông Biden đã bỏ phiếu ủng hộ 'Đạo luật Quan hệ Đài Loan'. Ông kiên định cam kết với các nguyên tắc trong đó, chính quyền Biden nhất quán thể hiện sự kiên trì ủng hộ đối với Đài Loan và sẽ tiếp tục làm như vậy."

Cuộc gặp gỡ trực tuyến Joe Biden - Tập Cận Bình ngày 16/11/2021 ở đầu cầu Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).

Cuộc gặp gỡ trực tuyến Joe Biden - Tập Cận Bình ngày 16/11/2021 ở đầu cầu Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).

Tình hình Ukraine: Mỹ cảnh báo, Trung Quốc không nhắc đến

Tuyên bố sau cuộc họp của Nhà Trắng thể hiện, trọng điểm của cuộc trò chuyện tập trung vào "sự xâm lược vô cớ của Nga ở Ukraine". Tổng thống Biden đã khái quát quan điểm của Mỹ và các đồng minh và đối tác về cuộc khủng hoảng này. Tổng thống Biden đã nêu chi tiết các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn và đáp trả “hành vi xâm lược của Nga”, bao gồm cả việc làm tăng cái giá mà Nga phải trả cho “hành động xâm lược của họ”. Ông Biden cũng mô tả "những tác động và hậu quả Trung Quốc sẽ phải nhận nếu hỗ trợ vật chất cho Nga trong cuộc tấn công tàn bạo vào các thành phố và dân thường Ukraine."

Tuyên bố của phía Trung Quốc không hề đề cập đến những cảnh báo này của ông Biden. Những lời lẽ của phía Mỹ về tình hình Ukraine chỉ được Bắc Kinh tóm gọn trong một câu: “Ông Biden đã giới thiệu lập trường của phía Mỹ, bày tỏ muốn giữ liên lạc với phía Trung Quốc để ngăn chặn tình hình leo thang."

Còn tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, khi được hỏi về tác động và hậu quả cụ thể mà Trung Quốc phải đối mặt, quan chức Nhà Trắng đã từ chối làm rõ các lựa chọn của Mỹ và cho biết họ sẽ tiếp tục thảo luận trực tiếp rộng lớn hơn về tình hình với Trung Quốc cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trước đó đã đưa ra cảnh báo tương tự trong cuộc gặp đầu tuần này với ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Rome, Italy: "Chúng ta đang nói rõ với Bắc Kinh một cách trực tiếp và riêng tư rằng các nỗ lực trốn tránh lệnh trừng phạt quy mô lớn hoặc hỗ trợ Nga để bù đắp ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt chắc chắn sẽ gây ra hậu quả."

Cuộc gặp gỡ trực tuyến ngày 16/11/2021 tại đầu cầu Washington có rất nhiều phóng viên theo dõi (Ảnh: Reuters).

Cuộc gặp gỡ trực tuyến ngày 16/11/2021 tại đầu cầu Washington có rất nhiều phóng viên theo dõi (Ảnh: Reuters).

Về lập trường của Trung Quốc trong cuộc chiến Nga-Ukraine, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói ông Tập Cận Bình bày tỏ: "Tình hình Ukraine đã phát triển đến mức này, là điều mà phía Trung Quốc không muốn thấy. Trung Quốc luôn chủ trương hòa bình và phản đối chiến tranh. Đây là truyền thống lịch sử và văn hóa của Trung Quốc."

Ngoài vấn đề Ukraine, tuyên bố sau cuộc đàm thoại của Nhà Trắng cũng lưu ý rằng hai nguyên thủ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì liên lạc nhằm quản lý các động thái cạnh tranh giữa hai nước.

Trong khi đó, thông cáo báo chí của phía Trung Quốc lại kết luận rằng, hai nguyên thủ cho rằng cuộc điện đàm mang tính xây dựng, chỉ đạo các nhóm công tác của hai nước kịp thời làm tiếp và có những hành động thiết thực để phấn đấu đưa quan hệ Trung-Mỹ trở lại quỹ đạo phát triển ổn định; các bên tự đưa ra những nỗ lực của riêng mình để giải quyết ổn thỏa cuộc khủng hoảng Ukraine.

Không giúp tạo ra thay đổi thực chất

Arthur Landwehr, phóng viên ở Washington của Tổng công ty Phát thanh Truyền hình Đức (ARD), chỉ ra rằng lý do chính khiến Mỹ khởi xướng cuộc điện đàm này vì lo ngại Trung Quốc có thể cung cấp hỗ trợ vật chất quân sự hoặc kinh tế cho Nga.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine được Mỹ đặc biệt quan tâm nhưng Trung Quốc không nhắc đến (Ảnh: Bản đồ BQP Anh).

Cuộc xung đột Nga-Ukraine được Mỹ đặc biệt quan tâm nhưng Trung Quốc không nhắc đến (Ảnh: Bản đồ BQP Anh).

Tờ Washington Post sau cuộc hội đàm đã phỏng vấn Danny Russel, Trợ lý ngoại trưởng về Đông Á thời Obama. Ông cho rằng, nếu chính quyền Biden quyết định trừng phạt Bắc Kinh về việc viện trợ Moscow, sẽ gây nên hậu quả địa chính trị và kinh tế rất sâu sắc. Ông Russell chỉ ra rằng Nhà Trắng "nhận thức sâu sắc" về những rủi ro mà các lệnh trừng phạt chống lại Trung Quốc có thể gây ra cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng cũng lưu ý "sức nặng của các lệnh trừng phạt (đang chờ xử lý) vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn."

Russell, hiện là phó chủ tịch của Viện Chính sách Xã hội Châu Á (ASPI), lưu ý thêm: "Cảnh báo về các biện pháp trừng phạt có thể có đối với Trung Quốc là để răn đe Trung Quốc, điều này giống như vũ khí hạt nhân mà không ai thực sự muốn sử dụng. Tuy nhiên, một khi Trung Quốc viện trợ trực tiếp hoặc viện trợ vật chất cho cuộc chiến của Putin thì sẽ không thể tránh được các lệnh trừng phạt”.

Amanda Hsiao, một chuyên gia phân tích vấn đề Trung Quốc tại International Crisis Group, cho rằng cuộc đối thoại này giữa Biden và Tập Cận Bình "khó có thể dẫn đến bất kỳ thay đổi thực chất nào trong lập trường của Trung Quốc. Bắc Kinh có khả năng sẽ quyết định sau khi tính toán rằng ngay cả khi họ thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine quan hệ Trung-Mỹ cũng sẽ không có sự cải thiện."

Cuộc chiến ở Ukraine đã diễn ra trong hơn ba tuần và Bắc Kinh, vốn tìm cách không làm mất lòng phương Tây cũng như không làm tổn hại đến quan hệ với Nga, hiện đang chịu áp lực ngày càng lớn. Các nước châu Âu và Mỹ ngày càng yêu cầu Trung Quốc sử dụng đòn bẩy kinh tế và thương mại để thúc đẩy Putin ngừng bắn càng sớm càng tốt. Đồng thời, nền kinh tế trong nước của Trung Quốc gần đây cũng đã hạ nhiệt đáng kể, thị trường chứng khoán Trung Quốc tuần này giảm xuống mức thấp nhất trong 21 tháng, giá khí đốt tự nhiên đang tăng vọt, ở một số thành phố lớn bùng phát làn sóng mới của dịch bệnh và tiếp đó là các biện pháp đóng cửa đã tàn phá thêm nền kinh tế. Tờ Washington Post dẫn lời David Shullman, một chuyên gia về Trung Quốc tại Hội đồng Đại Tây Dương, người từng phục vụ trong cơ quan tình báo Mỹ, nói rằng cuộc chiến Ukraine "là một sự phá hoại to lớn đối với Trung Quốc vào thời điểm đáng sợ, Bắc Kinh không biết nó sẽ kết thúc như thế nào.... Họ không nhìn thấy cơ hội lúc này - họ đang ở trong tình cảnh khốn khó và đang cố gắng tìm ra lối thoát."

Đối với Trung Quốc, vấn đề Đài Loan mới là điều đáng quan tâm nhất trong quan hệ Trung - Mỹ (Ảnh: Dwnews).

Đối với Trung Quốc, vấn đề Đài Loan mới là điều đáng quan tâm nhất trong quan hệ Trung - Mỹ (Ảnh: Dwnews).

Trao đổi lợi ích Trung-Mỹ?

Arthur Landwehr, phóng viên ARD cũng lưu ý rằng trong cuộc hội đàm, Tập Cận Bình có ý định bày tỏ "dẫn dắt quan hệ Trung - Mỹ phát triển theo quỹ đạo đúng" và "nỗ lực vì hòa bình và yên ổn thế giới" trong cùng một câu. Ông cho rằng Trung Quốc có thể đang ám chỉ với Mỹ rằng việc cải thiện quan hệ Trung-Mỹ là điều kiện tiên quyết để Trung Quốc gây ảnh hưởng đối với cuộc khủng hoảng Ukraine. "Ví dụ, Mỹ nhượng bộ về thuế quan, và Trung Quốc sẽ hợp tác trong lập trường đối với Nga."

Truyền thông Trung Quốc Guancha (Nhà quan sát) dẫn lời Ngô Tân Bách (Wu Xinbo), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, chỉ ra rằng Mỹ hiện đang "yêu cầu Trung Quốc" về vấn đề Ukraine: hy vọng Trung Quốc có thể phát huy tác dụng trung gian để thuyết phục hòa đàm; hy vọng Trung Quốc sẽ không hỗ trợ Nga, theo Mỹ để trừng phạt Nga.

Ngô Tân Bách cho rằng mục tiêu thứ hai không thể đạt được, vì "các biện pháp trừng phạt đơn phương không có cơ sở luật pháp quốc tế, và quan hệ Trung-Nga có giá trị chiến lược riêng và không bị bên thứ ba gây nhiễu và khích bác". Đối với mục tiêu thứ nhất , "hai bên đã đạt được một mức độ đồng thuận nhất định, tức là thúc đẩy giải quyết ngoại giao các tranh chấp. Nhưng Trung Quốc cũng đang nói với phía Mỹ rằng “ai thắt chuông người đó gỡ”, và vấn đề này là do sự mở rộng về phía đông của NATO gây nên."

Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu, đã chỉ ra trong một bài viết: "Trung Quốc không muốn xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang hơn nữa, cũng không muốn bị cuốn vào. Trung Quốc có quyền lợi và sức mạnh để kiên trì một thái độ như vậy. Mỹ hai ngày qua rêu rao đe dọa nếu Trung Quốc xa rời yêu cầu của Mỹ, sẽ không do dự có hành động trừng phạt. Điều này Trung Quốc thấy thật nực cười”. Ông cho rằng, nếu Trung Quốc nắm được quyền chủ động và tính linh hoạt, thì mối đe dọa hiện nay của Mỹ chỉ là “miệng hùm gan sứa” mà thôi!