Chỉ một ngày sau khi y xuất hiện tại một đám tang ở Istanbul, hôm 28/1 Celik đã có buổi trả lời phỏng vấn hãng tin Dogan News DHA của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi được hỏi về việc có lo lắng gì không khi tên tuổi nằm trong danh sách truy lùng "nóng" của cơ quan tình báo Nga, nhân vật này nói rằng chỉ tin vào Chúa và không sợ người Nga.
Y nói: “Khi tới vùng Turkmen Mountain (một ngọn núi ở phía bắc Latakia) hai năm rưỡi trước đây, tôi đi với niềm tin vào Chúa. Chỉ duy nhất Chúa trời là người cho và lấy đi tâm hồn của chúng tôi. Bọn tôi chiến đấu vì niềm tin đó. Cái chết mỗi người ngày hôm nay đều đã được (Chúa) quyết định từ trước, số mệnh tôi cũng vậy… Vì thế tôi tuyệt nhiên không sợ. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu đến giọt máu và hơi thở cuối cùng, cho đến người cuối cùng”.
Trong buổi trả lời phỏng vấn này, Celik cũng có ý bào chữa cho hành động hôm 24/11 khi tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga, sự cố ngay sau đó châm ngòi cho khủng hoảng trong quan hệ giữa 2 nước.
“Đó là ngày mà khu vực miền núi Kızıldag rơi vào tay quân chính phủ Syria được sự hỗ trợ của Nga. Hôm đó là thứ Sáu và chúng tôi hành động khi vừa làm lễ cầu nguyện buổi sáng. Bọn tôi đang giao chiến thì máy bay Nga tới và ném bom vào đội hình. Chiếc Su-24 bị hai chiếc F-16 bắn hạ khi vừa từ phía Thổ Nhĩ Kỳ bay trở ra”, Celik kể với giọng hào hứng, kèm theo đó là lời “khen ngợi” phi công lái F-16 đã rất “dũng cảm”.
Thủ lĩnh nhóm vũ trang người Turkmen này cũng không quên phàn nàn rằng Ankara đã không hỗ trợ đầy đủ cho người Turkmen ở khu vực, yêu cầu có những trợ giúp về kĩ thuật và vũ trang.
Y trần tình: “Chúng tôi không có được sức mạnh vũ trang để đối phó với vũ khí, kĩ thuật của đối phương. Dĩ nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ có cung cấp vũ khí, nhưng chỉ là thứ đồ dùng cho đấu tranh giáp mặt. Bọn tôi không có các hệ thống (tên lửa) phòng không, hạ tầng kĩ thuật, chỉ có hạ tầng do chúng tôi tự xây dựng lên mà thôi. Điều chúng tôi muốn từ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ là vũ khí phòng không và giúp tạo lập cơ sở kĩ thuật tốt hơn”.
Liên quan đến cục diện mới nhất tại khu vực, Celik nói rằng các lực lượng thân Tổng thống Bashar al-Assad được sự trợ giúp của không quân Nga đã chiếm được gần như hầu hết tất các khu làng ở vùng Bayırbucak, đồng thời tỏ ý thất vọng khi Ankara lại không có bất kì phản ứng gì trước các đợt không kích của Nga.
“Ngày hôm nay, người dân ở nhiều điểm thuộc Bayırbucak đã được lệnh sơ tán do bị máy bay Nga ném bom. Quyền kiểm soát của đa số những làng đã rơi vào tay người Nga. Tất cả các khu vực, ngoại trừ một số ít làng giáp biên giới, đã thuộc về quân chính phủ”.
Y cũng nói rằng, người Turkmen bản địa sẽ “không bao giờ cho phép” hình thành một hành lang của người Kurd ở miền bắc Syria nằm dưới sự quản lý của lực lượng bảo vệ người Kurd (PYD). “Cả châu Âu và Mỹ đều ủng hộ việc tạo lập hành lang người Kurd. Nhưng chúng tôi nói rằng sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và trận chiến ở Turkmen Mountain sẽ là trận Gallipoli (*) của Địa Trung Hải. Chúng tôi không bao giờ cho phép xuất hiện một hành lang như thế theo ý tưởng của PYD và đảng Công nhân người Kurd (PKK) chừng nào mà chúng tôi vẫn còn tồn tại ở đó.
(*) Trận đánh Gallipol là chiến dịch đổ bộ lớn nhất và tham vọng nhất của quân đồng minh trong Thế chiến thứ nhất, nhằm mục đích từ bàn đạp này để đánh chiếm thủ đô của đế chế Otttoman là Constantinople (nay là Istanbul). Cuộc tấn công Gallipoli bắt đầu ngày 25/4/1915, với sự tham dự của đội quân đồng minh lên đến hàng trăm nghìn người, chủ yếu là quân Anh và Pháp, cùng lính của Australia, New Zealand, Ấn Độ. Giao tranh kéo dài trong 8 tháng, với kết cục cuối cùng là quân đồng minh thất bại, buộc phải rút khỏi bán đảo Gallipoli vào tháng 1/1916.
Theo Hurriyetdailynews, Tin tức