Theo Kasikornbank (KBank), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chấp thuận cho KBank chi nhánh TP. HCM tăng vốn điều lệ từ 2,7 tỉ Baht lên 9,6 tỉ Baht (6.684 tỉ đồng).
Hậu tăng vốn, KBank chi nhánh TP. HCM sẽ trở thành chi nhánh ngân hàng nước ngoài có vốn điều lệ cao thứ 2 tại Việt Nam, sau Ngân hàng Sumitomo Mitsui chi nhánh Hà Nội (7.514,4 tỉ đồng).
KBank mở chi nhánh TP. HCM vào tháng 8/2022. Tại sự kiện này, bà Kattiya Indaravijaya – CEO KBank – đánh giá Việt Nam là ‘ngôi sao mới nổi’, đồng thời hé lộ tham vọng có 1,2 triệu khách hàng và giải ngân hơn 500 triệu USD (11.625 tỉ đồng) tại đây trước năm 2023.
Đáng chú ý, sự kiện cũng có sự tham dự của bà Madam Pang - người nhận được nhiều sự chú ý trong vai trò trưởng đoàn bóng đá Thái Lan ở Sea Games 31, AFF Cup 2020 - với tư cách là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Muang Thai Insurance.
Gia tộc quyền lực của Madam Pang, nên biết, là chủ sở hữu KBank – 1 trong 3 nhà băng lớn nhất Thái Lan xét về quy mô tổng tài sản.
'Người đàn bà thép' của bóng đá Thái Lan
Bà Madam Pang, tên thật là Nualphan Lamsam, có tình yêu đặc biệt dành cho trái bóng tròn. Năm 2015, bà và công ty bảo hiểm Muang Thai Insurance tiếp quản câu lạc bộ Port Football Club (Port FC).
Với sự bạo chi của Madam Pang, Port FC "đổi đời" và giành quyền thăng hạng lên Thai League 1, hạng đấu cao nhất cấp câu lạc bộ của đất nước này.
Ở cấp độ đội tuyển, Madam Pang từ lâu đã là nhà tài trợ lớn cho bóng đá nam và nữ Thái Lan.
Công ty bảo hiểm Muang Thai là nhà tài trợ chính của giải bóng đá nữ Thái Lan, còn các tuyển thủ nữ Thái Lan được nhận vào làm ở đây với tư cách nhân viên kinh doanh. Điều này giúp họ đảm bảo thu nhập ngay cả khi không thi đấu bóng đá.
Ít năm trở lại đây, bà Madam Pang thường đảm nhận chức danh trưởng đoàn, đồng hành cùng các đội tuyển bóng đá Thái Lan tham dự nhiều giải đấu.
Theo Siam Sport, Madam Pang đã chi gần 3 triệu USD cho bóng đá Thái Lan trong những năm qua. Khát vọng hàng đầu của bà chính là đưa đội bóng nước nhà dự World Cup.
Gắn bó với các cấp độ đội tuyển bóng đá Thái Lan trong nhiều năm, song, vì nhiều lý do, bà Madam Pang không phải là trưởng đoàn của U22 Thái Lan tham dự Sea Games 32. Đảm nhiệm 'ghế nóng' là ông Yuthana Yimkarun - người được cho là có quyền lực không kém Madam Pang tại Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT).
Ngoài những đóng góp cho nền bóng đá xứ chùa Vàng, Madam Pang còn gây ấn tượng với sự nghiệp kinh doanh và gia thế 'khủng'.
Gia tộc 'tỉ đô'
Madam Pang sinh năm 1966, thuộc thế hệ thứ 5 của gia tộc Lamsam, một trong những gia tộc giàu có nhất xứ Chùa Vàng.
Gia tộc của nữ tỉ phú sở hữu khối tài sản đồ sộ, mỗi thành viên đều là những gương mặt có tên tuổi trong ngành ngân hàng, bảo hiểm.
Anh họ của Madam Pang là Banthoon Lamsam, hiện đang là Chủ tịch danh dự của KBank. Gia đình ông được Forbes xếp thứ 29 trong danh sách những gia đình giàu có nhất Thái Lan, với tài sản ròng gộp lên đến 1,19 tỉ USD.
Hai người em của Madam Pang cũng có sự nghiệp thành công. Trong đó, một người sở hữu các dự án về thiết kế và cảnh quan trên khắp châu Á và châu Âu, còn người kia đang điều hành hãng bảo hiểm nhân thọ Muang Thai Insurance.
Madam Pang tốt nghiệp ngành Makerting của ĐH Chulalongkorn danh tiếng, theo học thạc sĩ tại ĐH Boston, Mỹ.
Sau khi lấy bằng thạc sĩ, Madam Pang trở về phát triển kinh doanh của gia tộc. Bà giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Muang Thai Insurance, được mệnh danh là “bông hồng” hay “nữ tướng” Lamsam.
Nữ doanh nhân từng thừa nhận việc nghiện mua sắm và sớm trở thành nhà phân phối các sản phẩm thời trang xa xỉ. Madam Pang sở hữu Saint Honore - công ty phân phối sản phẩm của Hermes ở Bangkok. Bà còn là đồng sở hữu của Meister Technik, nhà phân phối chính thức của thương hiệu xe hơi Audi tại Thái Lan.
Thông minh, xinh đẹp và thành công, bà Madam Pang là mẫu người phụ nữ thành đạt được nhiều người hâm mộ.
Ngoài việc tăng vốn cho chi nhánh Tp. HCM, KBank còn thành lập KBTG Việt Nam, hoạt động như một trung tâm nghiên cứu và phát triển các hệ thống công nghệ thông tin, nhằm hỗ trợ phát triển dịch vụ ngân hàng số trong khu vực./.
Central Retail: Ông lớn Thái Lan thu tỉ USD từ thị trường Việt Nam
Tham vọng bành trướng tại Việt Nam của 'đại gia' Thái Lan Amata
Những thương vụ M&A nổi bật của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam
Nguồn tham khảo: Forbes, SCMP