Iran là một quốc gia thường xuyên lọt vào và bị loại khỏi tâm điểm chú ý của giới truyền thông mỗi khi xuất hiện những vụ bê bối đáng chú ý khác, nhưng thực tế không thể chối bỏ rằng đằng sau hậu trường, sức ép nhằm vào Tehran đang được hâm nóng trên nhiều mặt trận.
Đơn cử, Mỹ mới đây tung ra hàng loạt lệnh trừng phạt mới nhằm vào giới doanh nghiệp của Iran, trong đó có hãng hàng không lớn nhất của nước này, với cáo buộc rằng chính quyền Tehran “phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt” cũng như chuyển hàng viện trợ sát thương tới Yemen. Động thái này dường như đang vắt kiệt nền kinh tế của Iran đến điểm gần như sụp đổ, bởi hãng hàng không của nước này chắc chắn sẽ bị cấm sử dụng sân bay ở nhiều quốc gia – những nước vốn lo sợ đối mặt với sự phẫn nộ của chính quyền Washington nếu họ không tuân thủ lệnh trừng phạt.
Quốc hội Mỹ cũng dự kiến thông qua một dự thảo nghị quyết được đề xuất từ 3 năm trước, trong đó cho phép Mỹ áp lệnh trừng phạt với “chính quyền Syria, Nga và Iran vì những tội ác chiến tranh trong quá khứ và trong thời điểm hiện tại” vì những hành động của các nước này trong cuộc chiến ở Syria. Bất chấp nhiều lời cáo buộc cho rằng ông Trump là “con rối” của nước Nga, nhiều báo cáo cho thấy chính quyền Trump ủng hộ dự thảo này và có khả năng lớn là sẽ thông qua.
Mặc dù Mỹ từ trước đến nay vẫn do dự trong việc hành động quân sự trực tiếp nhằm vào Iran hay các lực lượng vũ trang của nước này, nhưng có một thế lực khác ở Trung Đông luôn sẵn sàng đại diện cho Washington để tấn công Iran: Israel.
Chỉ mới tháng trước, Israel đưa ra tuyên bố hiếm hoi xác nhận rằng họ đã thực hiện một đòn tấn công “rất nặng nề” nhằm vào lực lượng Iran và các mục tiêu quân đội Syria trên lãnh thổ Syria, khiến ít nhất 21 chiến binh và 2 thường dân thiệt mạng. Trước đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cũng tiêu diệt nhiều kho chứa vũ khí của lực lượng mà Iran hậu thuẫn trên lãnh thổ Iraq và được cho là thực hiện nhiều đòn tấn công bằng drone nhằm vào các cứ điểm của Hezbollah ở Lebanon.
Hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm Sắt” của Israel (Ảnh: National Interest)
|
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng cáo buộc Iran lên kế hoạch tấn công Israel, tuyên bố sẽ làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn âm mưu này. Đương nhiên, thật dễ hiểu khi một vị lãnh đạo đang phải chật vật duy trì quyền lực của mình đưa ra một “kẻ giơ đầu chịu báng” như Iran, để chứng minh rằng đất nước cần có sự bảo vệ của ông.
Thời gian qua, giới chức Mỹ và Israel đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, và Iran chính là tâm điểm trong các vòng họp này.
Vào thời điểm mà ông Netanyahu đưa ra lời cảnh báo mới đây nhất, Tướng Mark Milley – Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - đã tới Israel để gặp gỡ người đồng cấp Israel là Aviv Kohavi để thảo luận về “những vấn đề về hoạt động và diễn biến trong khu vực”. Trước đó 1 tuần lễ, người đứng đầu Không quân Mỹ cũng tới Israel để tham dự cuộc tập trận chung “Blue Flag” (Cờ Xanh). Và trước đó không lâu, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Trung Đông cũng tới Israel để họp hành cùng với quan chức của IDF.
Thêm vào đó, ông Trump cùng ông Netanyahu cũng có cuộc điện đàm tập trung chủ yếu vào vấn đề Iran. Trong cuộc điện đàm đó, ông Netanyahu đã yêu cầu ông Trump tăng cường sức ép với Iran, ngay sau khi quốc gia Hồi giáo này rúng động vì làn sóng biểu tình. Diễn biến ở Iran được xem như “một cơ hội lớn” đối với Israel.
Và nhiều lời cảnh báo tiếp tục được đưa ra. Israel vừa tuyên bố trong đầu tuần này rằng Iran sẽ phải đối mặt với “chiến trường Việt Nam ở Syria” và thề sẽ ngăn chặn Tehran củng cố vị trí của họ ở quốc gia bị tàn phá vì chiến tranh này, thậm chí còn đe dọa “tấn công phủ đầu”.
Iran tung ra nhiều lời đe dọa đáp lại các động thái cứng rắn của Israel (Ảnh: AFP)
|
Về phần mình, Iran đáp trả cũng bằng những lời đe dọa, trong đó nói sẽ “san phẳng” Tel Aviv bằng cách phóng một loạt rocket từ lãnh thổ Lebanon. Hãng tin Fox News của Mỹ sau đó công bố một bản báo cáo cho rằng Iran đã bắt đầu xây dựng nhiều hệ thống đường hầm ở Syria, vị trí gần biên giới Iraq, điều chắc chắn sẽ khiến Israel phải lo lắng (nếu như thông tin này được xác thực).
Cần nhớ thêm, chỉ trong tháng trước, Tổng chưởng lý Israel Avichai Mandelblit tuyên bố rằng ông đã buộc tội Thủ tướng Netanyahu với các tội danh nhận hối lộ, lừa đảo và lợi dụng lòng tin. Bởi vậy, rất dễ hiểu khi ông Netanyahu, trong bối cảnh vị trí lãnh đạo đang lung lay, phải đưa ra hàng loạt động thái cứng rắn ở nước ngoài để tăng sự ủng hộ ở trong nước. Và trong trường hợp cụ thể, lời đe dọa tuyên chiến với Iran sẽ giúp ông chuyển hướng dư luận trong nước.
Trong năm 2017, một tướng lĩnh cấp cao của Israel được giao nhiệm vụ soạn thảo chính sách quốc phòng mới tiết lộ, Israel có thể không tấn công Iran một cách đơn độc và nói rằng đó là một “thực tế của cuộc sống”.
Theo bản Báo cáo về Sức mạnh Quân sự Iran mà Lầu Năm Góc công bố mới đây, thời điểm cuối tháng 11 vừa qua, Iran đã trở thành một thế lực quân sự lớn trong khu vực. Bản báo cáo này cho rằng Iran đã tập trung vào 3 lĩnh vực hoạt động lớn để có được các khả năng quân sự như hiện tại, bao gồm: Tên lửa đạn đạo, lực lượng hải quân và các lực lượng ủy thác nước ngoài như ở Lebanon và Iraq. Bản báo cáo càng khiến nhiều người tin rằng Israel có thể không thực hiện cuộc chiến với Iran một cách đơn độc, mà dựa vào sự hỗ trợ to lớn của Mỹ.
Vấn đề của Israel nằm ở chỗ họ phải quyết định xem liệu Mỹ có thực sự muốn cùng họ tham gia vào cuộc xung đột mới với Iran hay không? Khó khăn của Israel được thể hiện rõ trong một bài bình luận đăng tải trên tờ Haretz mới đây: “Chính sách Trung Đông của Mỹ dưới thời chính quyền Trump vẫn rất khó hiểu, không ổn định và không thể dự đoán…Những sự thay đổi liên tục này tạo nên thách thức kéo dài cho các chính phủ ở Trung Đông, trong đó có Israel, trong lúc họ cố gắng nắm bắt được định hướng của chính quyền Trump”.
Tờ The Hill của Mỹ mới đây dẫn lời một chuyên gia tình báo kỳ cựu nhận định rằng, nếu Iran đang trên đường trở thành một thế lực hạt nhân, Israel chắc chắn sẽ buộc hành động đơn phương.
Dù có tin vào khả năng xảy ra một cuộc chiến hay không, hay Mỹ liệu sẽ có hành động thế nào để đối phó Iran, thì có một thực tế không thể chối cãi rằng chính quyền Trump đang trừng phạt Tehran theo cách nặng nề nhất mà họ có thể. Như bình luận của một quan chức Israel mới đây: “Cứ như thể mỗi tuần, nước Mỹ lại dùng một chiếc búa mới để đánh đập Iran vậy”.
Đáng lo ngại hơn, tuyên bố mới đây về một cuộc tập trận hải quân chung giữa Iran, Trung Quốc và Nga càng khiến người ta đồn đoán rằng bất kỳ cuộc chiến nào có liên quan tới Iran cuối cùng sẽ trở thành một thảm họa khiến toàn thế giới thay đổi theo cách không thể đảo ngược.