​IS tăng cường tuyển quân ở Đông Nam Á

Quân đội Mỹ vừa lên tiếng cảnh báo nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tăng cường chiến dịch tuyển mộ cực đoan từ các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia.
Phiến quân IS diễu hành ở Raqa, "thủ đô" IS ở Syria. Những kẻ ủng hộ IS đang có tham vọng lập một tỉnh của "nhà nước Hồi giáo" tại Đông Nam Á - Ảnh: Huffington Post
Phiến quân IS diễu hành ở Raqa, "thủ đô" IS ở Syria. Những kẻ ủng hộ IS đang có tham vọng lập một tỉnh của "nhà nước Hồi giáo" tại Đông Nam Á - Ảnh: Huffington Post

Theo báo Washington Times, báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu quân sự nước ngoài (FMSO) của quân đội Mỹ cho biết việc IS thu hút những kẻ cực đoan từ châu Âu, đặc biệt là Pháp và Bỉ, đang gây xôn xao dư luận, đặc biệt sau vụ tắm máu Paris đêm 13-11. Nhưng Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới, cũng là một điểm nóng lớn.

Các nhà nghiên cứu FMSO mô tả Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, là “điểm mù” trong chiến dịch tuyển quân của IS. Có nghĩa là dòng cực đoan chảy từ Đông Nam Á vào Syria diễn ra âm thầm lặng lẽ và rất khó thống kê.

Thách thức an ninh nghiêm trọng

Ước tính năm ngoái có khoảng 50 kẻ cực đoan từ Indonesia đã tới Syria gia nhập IS. Tuy nhiên FMSO khẳng định: “Ít nhất 300 - 500 người Indonesia đã đến Syria gia nhập IS và được đào tạo khủng bố. Có một vụ đánh bom ở Jakarta có dấu ấn của IS. Sự hiện diện của IS tại Indonesia là rất rõ ràng và đang mở rộng”.

Như vậy, Indoesia cũng phải đối mặt với mối đe dọa tương tự như Pháp hay Bỉ. Đó là công dân nước mình gia nhập IS ở Syria, tay dính máu, có kinh nghiệm khủng bố rồi trở về nước tổ chức các cuộc tấn công. “Người Indonesia gia nhập IS là một mối đe dọa khủng bố  nội địa lớn đối với Jakarta” - FMSO cho biết.

Ước tính đã có 76 người Indonesia trở về nước từ Syria. Khoảng 52 người Indonesia đã chết tại Syria, trên chiến trường, bao gồm bốn kẻ đánh bom tự sát.

“Đây là thách thức an ninh lớn đối với Indonesia. Nhiều kẻ cực đoan đã trở về Indonesia và muốn gây thánh chiến” - báo Wall Street Journal dẫn lời ông Andy Rachmianto, giám đốc an ninh quốc tế Bộ Ngoại giao Indonesia.

Con số 500 công dân Indonesia chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số 30.000 tay súng nước ngoài của IS. Tuy nhiên sức mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội cộng với việc sử dụng hiệu quả các ứng dụng tin nhắn có thể giúp IS tăng nhanh dòng binh sĩ đến từ quốc gia Hồi giáo lớn nhất tại Đông Nam Á.

Hồi đầu thập niên 2000 Indonesia từng hứng chịu nhiều đợt tấn công khủng bố do các chi nhánh của Al-Qaeda thực hiện, bao gồm vụ đánh bom Bali năm 2002 khiến 202 người chết, đa phần là du khách nước ngoài. Với việc hàng trăm người Indonesia gia nhập IS, các vụ tấn công đẫm máu tương tự có thể sẽ tái diễn.

Ông Saud Usman Nasution, người đứng đầu Cơ quan Chống khủng bố Indonesia, cho biết quốc gia láng giềng Malaysia cũng là điểm nóng để IS thu hút cực đoan. Và có thể ở Malaysia đã có hàng nghìn kẻ cực đoan liên hệ với IS.

Một tỉnh của IS ở Đông Nam Á

Báo Star Online dẫn lời ông Nasution cho biết IS đang hợp tác với các băng đảng buôn người trong khu vực để đưa những kẻ cực đoan tới Đông Nam Á. “Chúng ta cần phải cẩn trọng tối đa. Theo những thông tin đã có được, ở Malaysia đã có hàng nghìn kẻ cực đoan cấu kết với IS” - ông Nasution nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamed thừa nhận vụ tấn công đẫm máu Paris hoàn toàn có thể tái diễn ở Malaysia hay những khu vực khác trong Đông Nam Á. Trên thực tế, hồi tháng 9 cảnh sát Malaysia đã phá vỡ một âm mưu đánh bom tại khu du lịch Bukit Bintang ở thủ đô Kuala Lumpur.

Ông Mohamed cho rằng IS muốn tấn công khủng bố ở Đông Nam Á để quảng bá thương hiệu trong khu vực và thu hút các phần tử cực đoan tại đây. Ước tính cũng đã có 40 người Malaysia và một số người Singapore sang Syria gia nhập IS.

Chính quyền Malaysia xác định các trung tâm giải trí và du lịch ở nước này là những mục tiêu dễ bị tấn công nhất. Ngoài ra nhà chức trách cũng rất lo ngại nguy cơ phiến quân Malaysia trốn ở miền nam Philippines đang có ý đồ tập hợp các nhóm cực đoan tại Malaysia, Indonesia và Philippines thành chi nhánh của IS ở Đông Nam Á.

Nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah (JI) từng tổ chức vụ đánh bom Bali có thể sẽ thực hiện âm mưu này. JI hoạt động mạnh nhất ở Indonesia nhưng cũng có chân rết ở các quốc gia Đông Nam Á khác.

Chuyên gia Sidney Jones thuộc Viện Phân tích chính sách xung đột ở Indonesia khẳng định trên mạng Internet, những kẻ ủng hộ IS ở Philippines và Indonesia đang hô hào thành lập một tỉnh của “nhà nước Hồi giáo” tại Đông Nam Á, bao trùm Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore. 

Theo Tuổi trẻ