Iraq lo IS sở hữu chất phóng xạ bị mất cắp

Theo tài liệu và nguồn tin của chính quyền Iraq, nước này đang tìm kiếm chất phóng xạ “rất nguy hiểm” bị đánh cắp hồi năm ngoái.
Mỹ nói chưa có dấu hiệu cho thấy IS hay nhóm chiến binh nào khác có được chất phóng xạ bị đánh cắp. Ảnh: REUTERS
Mỹ nói chưa có dấu hiệu cho thấy IS hay nhóm chiến binh nào khác có được chất phóng xạ bị đánh cắp. Ảnh: REUTERS

Họ lo ngại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể sử dụng như vũ khí nếu có được, như sử dụng các chất phóng xạ để chế tạo bom bẩn.

Chất phóng xạ được cất giữ trong một hộp bảo vệ có kích thước bằng một chiếc máy tính xách tay, biến mất khỏi nơi lưu trữ của công ty dịch vụ mỏ dầu Weatherford WFT.N (Mỹ) gần TP Basra hồi tháng 11-2015.

Nguồn phóng xạ này được sử dụng để kiểm tra những chỗ rò rỉ trong các đường ống dẫn khí và dầu.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phân loại nguồn trên vào loại 2, nghĩa là nếu không được quản lý đúng cách thì nó có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho một người tiếp xúc gần trong vài phút hoặc vài giờ, có thể gây tử vong cho người tiếp xúc trong vài giờ đến vài ngày.

Bộ Môi trường Iraq cho biết chất này đặt ra có thể gây hại cho môi trường, cơ thể người cũng như đe dọa đến an ninh quốc gia. 

Giới chức Iraq cho biết chiếc hộp chứa 10 gram chất phóng xạ Iridium-192 trong một bình chứa hình con nhộng. Nó thuộc sở hữu của Công ty SGS Turkey, có trụ sở tại TP Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ. Một người phát ngôn Bộ Môi trường Iraq cho biết ông chưa thể bàn về vấn đề này vì lý do an ninh quốc gia. Tương tự, đại diện của SGS Turkey tại Iraq cũng từ chối bình luận về vụ việc.

Theo Bộ ngoại giao Mỹ, cơ quan này biết về thông tin đó nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy IS hay nhóm chiến binh nào khác có được chất này.

Một quan chức Mỹ cho biết Iraq báo cáo về vụ việc lên IAEA hồi tháng 11-2015. “Từ đó họ vẫn tìm kiếm. Không rõ là chất phóng xạ chỉ bị thất lạc hay thực sự bị đánh cắp” - quan chức này nói thêm.

Trong khi đó, một quan chức an ninh Iraq tiết lộ rằng không có dấu hiệu bẻ khóa, phá cửa hay ép buộc người phải mở cửa.

Theo Reuters/NLĐ