Indonesia sắp áp thuế 200% với một số mặt hàng nhập khẩu, truyền thông Trung Quốc phản ứng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc Indonesia chuẩn bị áp thuế lên tới 200% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu đang thu hút sự chú ý lớn và phản ứng mạnh từ thị trường lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Hasan tuyên bố sẽ tăng thuế với một số sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu (Ảnh: ANTARA)
Bộ trưởng Thương mại Indonesia Hasan tuyên bố sẽ tăng thuế với một số sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu (Ảnh: ANTARA)

Áp thuế 200%

Ngày 28/6, ông Zulkifli Hasan Bộ trưởng Thương mại Indonesia tuyên bố sẽ áp mức thuế từ 100% đến 200% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc như giày dép đến đồ gốm sứ và khởi động lại kế hoạch bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

Bài viết trên trang Sohu ngày 1/7 giải thích: điều này có nghĩa là, sản phẩm tương đương 10 USD từ Trung Quốc xuất khẩu sang Indonesia sau khi bị áp dụng mức thuế 200% sẽ trở thành 30 USD. Điều này dường như sẽ làm giá hàng hóa Trung Quốc tăng lên, lợi nhuận của các công ty Trung Quốc tưởng như cũng tăng lên đáng kể, nhưng thực tế không phải vậy.

Một khi giá hàng hóa Trung Quốc tăng mạnh, khả năng cạnh tranh trên thị trường sẽ yếu đi rất nhiều, sẽ không thể cạnh tranh được với hàng hóa của Indonesia và các nước khác, thậm chí không thể bán được chứ đừng nói đến việc kiếm được lợi nhuận.

Vì sao Indonesia bất ngờ “nổi dậy”, áp thuế 200% lên hàng hóa Trung Quốc? Nhiều người có thể không hiểu vấn đề này vì thương mại giữa Trung Quốc và Indonesia vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Từ năm 2020 đến 2023, tổng khối lượng xuất nhập khẩu ngoại thương giữa Trung Quốc và Indonesia lần lượt là 542,58 tỉ NDT (2020), 803,84 tỉ (2021), 995,69 tỉ (2022) và 980,461 tỉ NDT (2023).

Mặc dù xuất nhập khẩu ngoại thương của hai nước giảm nhẹ vào năm 2023 nhưng quy mô tổng thể vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy quan hệ ngoại thương Trung Quốc với Indonesia hiện tương đối tốt. Vậy tại sao Indonesia bất ngờ áp thuế?

San pham det may bi anh hương manh.jpg
Hàng dệt may Trung Quốc là một trong những loại sản phẩm bị tăng thuế
(Ảnh: Sohu)

Lý do được Indonesia đưa ra là chiến tranh thương mại đã dẫn đến tình trạng dư cung hàng hóa Trung Quốc khi sản phẩm của Trung Quốc bị các nước phương Tây từ chối, buộc các công ty Trung Quốc phải chuyển sang các thị trường khác như Indonesia.

Để bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của mình, Indonesia chỉ có thể bắt chước bước đi của các nước khác như Mỹ và tăng thêm mức thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, mức thuế bổ sung được Bộ trưởng Thương mại Indonesia đề cập chỉ nhắm vào một số mặt hàng chứ không phải toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này rất khác với những tin đồn thất thiệt của một số trang mạng truyền thông xã hội.

Về việc những hàng hóa Trung Quốc nào sẽ bị áp thuế bổ sung, Indonesia vẫn chưa xác định, nhưng theo thông tin được Bộ trưởng Thương mại nước này, các hàng hóa nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng bao gồm quần áo, giày dép, dệt may, mỹ phẩm và gốm sứ.

Tong muc xuat nhap khau hai beb.jpg
Kim ngạch xuất nhập khẩu Trung Quốc -Indonesia các năm và 4 tháng đầu 2024. (Đơn vị tính: trăm triệu USD) Nguồn: Tổng cục Hải quan Trung Quốc .

Tác động hạn chế

Như vậy, mặc dù Indonesia áp dụng thuế bổ sung, nhưng tác động đối với Trung Quốc cũng sẽ rất hạn chế.

Theo dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, tổng lượng sản phẩm của Trung Quốc xuất khẩu sang Indonesia năm 2023 là 458,638 tỉ NDT. Trong đó, sản lượng xuất khẩu nguyên liệu dệt và sản phẩm dệt may khoảng 37,09 tỉ NDT; tổng sản lượng xuất khẩu giày dép, mũ nón khoảng 7,95 tỉ NDT; sản lượng xuất khẩu khoáng vật, trong đó có sản phẩm gốm sứ khoảng 10,44 tỉ; tinh dầu, sáp thơm và một số mỹ phẩm là 2,5 tỉ. Tổng giá trị của các mặt hàng này là khoảng 58 tỉ NDT, tác động tổng thể là có hạn.

Trong trường hợp Indonesia áp mức thuế tương tự đối với nhiều loại hàng hoá khác, Trung Quốc có thể thực hiện một số biện pháp đối phó với hàng hóa nhập khẩu từ Indonesia.

Hiện tại lượng xuất khẩu của Indonesia sang Trung Quốc tương đối lớn và xuất khẩu của họ sang Trung Quốc luôn thặng dư trong 3 năm qua.

Từ năm 2021 đến năm 2023, xuất khẩu của Indonesia sang Trung Quốc lần lượt là 411,781 tỉ NDT (năm 2021), 520,12 tỉ (2022) và 5218,21 tỉ NDT (2023) và đang có dấu hiệu tăng thêm. Tương ứng, thặng dư thương mại của Indonesia với Trung Quốc lần lượt là 19,725 tỉ NDT (năm 2021), 44,55 tỉ (2022) và 63,19 tỉ NDT (2023), đang tăng dần qua từng năm.

Indonesia co ke hoach tang thue.jpg
Truyền thông Hoa ngữ đưa nổi bật tin Indonesia sẽ tăng thuế
với hàng hóa Trung Quốc.

Cảnh báo thận trọng khi làm ăn với Indonesia

Trong một bài viết khác đăng ngày 2/7, trang Sohu nhấn mạnh: Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia cần đầu tư nước ngoài để thúc đẩy phát triển. Hiện nay, thủ đô Jakarta của Indonesia đông đúc, ô nhiễm và dễ xảy ra động đất.

Theo Sohu, hiện nay, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Indonesia và đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia chủ yếu tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghiệp. Ví dụ, dự án đường sắt cao tốc Bandung trị giá 7,3 tỉ USD và dự án Nhà máy thủy điện Mengtarangyin.

Đối với dự án thủ đô mới, Indonesia hy vọng rằng một liên minh do Tập đoàn CITIC đứng đầu có thể xây dựng 60 tòa tháp dân cư. Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc cũng quan tâm đến việc phát triển hệ thống giao thông của thủ đô mới. Hiện tại, chỉ có Trung Quốc mới có đủ nguồn lực tài chính và khả năng giúp Indonesia hiện thực hóa kế hoạch này. Việc triển khai dự án này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Tuy nhiên, động thái áp đặt tăng thuế hiện nay của Indonesia có thể làm tăng thêm lo ngại của Trung Quốc về an ninh đầu tư. Hiện nay Philippines đã đình chỉ các dự án hợp tác với Trung Quốc vì một số vấn đề tranh chấp. Nếu mối quan hệ giữa Trung Quốc và Indonesia xấu đi, cũng sẽ xuất hiện nguy cơ đình trệ dự án.

Theo Sohu