Indonesia đổ tiền nâng cấp Natuna đối phó tham vọng bành trướng của Trung Quốc

VietTimes -- Ngân sách quốc phòng năm nay được Quốc hội Indonesia phê chuẩn tăng đến 8,25 tỷ USD, tăng gần 10% so với chi tiêu quân sự của phương án ngân sách sơ bộ thông qua vào tháng 1/2016.
Máy bay trực thăng trên tàu vận tải Hải quân Indonesia. Ảnh: Tin tức Tham khảo.
Máy bay trực thăng trên tàu vận tải Hải quân Indonesia. Ảnh: Tin tức Tham khảo.

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 30/6 dẫn đài VOA Mỹ ngày 29/6 cho biết Quốc hội Indonesia ngày 28/6 đã phê chuẩn tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng năm tài khóa 2016, các chương trình mới được cấp phát kinh phí bao gồm nâng cấp và mở rộng cơ sở quân sự trên quần đảo Natuna ở Biển Đông.

Trước khi Quốc hội Indonesia phê chuẩn tăng chi tiêu quốc phòng vài ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thị sát quần đảo Natuna và tuyên bố chủ quyền.

Hãng tin Reuters dẫn lời một nghị sĩ thuộc Ủy ban Ngân sách Quốc hội Indonesia cho biết quần đảo Natuna cần được bảo vệ, vì vậy quân đội cần có các công trình thích hợp, do đó phải bổ sung kinh phí. 

Ngân sách quốc phòng năm nay được Quốc hội Indonesia phê chuẩn tăng đến 8,25 tỷ USD, tăng gần 10% so với chi tiêu quân sự của phương án ngân sách sơ bộ thông qua vào tháng 1/2016.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết, phần ngân sách tăng mới sẽ dùng để xây dựng một quân cảng ở quần đảo Natuna - quân cảng này có thể chứa nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu hơn; đồng thời nâng cấp, cải tạo sân bay hiện có.

Quân đội Indonesia muốn tăng cường tập trận định kỳ với Mỹ và tăng cường sức mạnh quân sự ở quần đảo Natuna. Ảnh: Tin tức Tham khảo.
Quân đội Indonesia muốn tăng cường tập trận định kỳ với Mỹ và tăng cường sức mạnh quân sự ở quần đảo Natuna. Ảnh: Tin tức Tham khảo.

Ngày 17/6, Hải quân Indonesia đã nổ súng đối với tàu cá Trung Quốc khi đang hoạt động gần quần đảo Natuna của Indonesia. Trung Quốc tham lam áp đặt yêu sách "đường chín đoạn" ở Biển Đông, lấn cả vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông trong đó có Indonesia.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna, nhưng xuyên tạc Trung Quốc và Indonesia có vùng biển "chồng lấn". Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia đã cứng rắn tuyên bố, Indonesia và Trung Quốc không có vùng biển chồng lấn chủ quyền.

Đáng chú ý, trước đó, tờ Yomiuri Shimbun Nhật Bản ngày 16/5 cho biết Indonesia đang có kế hoạch xây dựng căn cứ tàu ngầm ở quần đảo Natuna để tăng cường phòng thủ, đối phó Trung Quốc. 

Hiện nay Indonesia sở hữu tổng cộng 2 tàu ngầm và 2 căn cứ tàu ngầm. Indonesia có kế hoạch sở hữu 12 tàu ngầm trở lên vào năm 2024, trong đó có 3 tàu ngầm nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến thị sát quần đảo Natuna trên Biển Đông. Ảnh: Washington Post.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến thị sát quần đảo Natuna trên Biển Đông. Ảnh: Washington Post.

Nếu kế hoạch xây dựng căn cứ tàu ngầm này được thực hiện, năng lực cảnh giới của Indonesia đối với tuyến đường giao thông trên biển từ Biển Đông đến eo biển Malacca sẽ được tăng cường. Đằng sau hành động này là sự đề phòng, cảnh giác với Trung Quốc. 

Cũng trong ngày 30/6, tờ Đa Chiều của người Hoa hải ngoại tại Mỹ dự đoán, sau khi Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với khả năng gây bất lợi cho Trung Quốc, các nước xung quanh Biển Đông sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, trong đó có Indonesia.