Indonesia đặt tham vọng biến thủ đô mới thành "trung tâm tăng trưởng kinh tế"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo giới chức chính phủ Indonesia, việc xây dựng thủ đô mới vẫn đúng tiến độ và dự kiến sẽ có 60.000 người đến ở trong năm 2024.

1.png
Phủ Tổng thống mới đang được xây dựng ở Nusantara (Ảnh: Nikkei)

Hơn 2 giờ đồng hồ di chuyển bằng đường hàng không từ Jakarta, thêm 2 giờ lái xe từ sân bay Balikpapan, một thành phố mới đang dần thành hình ở giữa khu rừng nhiệt đới rộng lớn của đảo Borneo.

Tháng 8 năm sau, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ chuyển dịch một số cơ quan chính phủ tới thủ đô mới, Nusantara. Ông Widodo cũng có kế hoạch tổ chức Ngày Độc lập 17/8 năm sau ở bên ngoài phủ Tổng thống mới, trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 10/2024.

Chỉ còn một năm nữa là đến thời điểm di dời, một quan chức cấp cao trong chính phủ Indonesia mới đây đã đưa ra nhiều tham vọng lớn cho kế hoạch này: biến thủ đô mới thành một trung tâm kinh tế bằng cách thu hút các doanh nghiệp hạt nhân từ nhiều ngành khác nhau, bao gồm năng lượng tái tạo và chăm sóc sức khoẻ.

“Đây không chỉ là việc di dời thủ đô. Chúng tôi không chỉ muốn một nơi để dành cho các cơ quan chức năng của chính phủ”, Danis H. Sumadilgaga, nói. “Chúng tôi muốn tạo ra một trung tâm tăng trưởng kinh tế mới”.

Ông Sumadilaga đứng đầu một nhóm được giao trọng trách quản lý quá trình phát triển cơ sở hạ tầng thuộc Bộ Công trình công cộng và Nhà ở. Cuối tháng 7, trong một chuyến tham quan công trường xây dựng của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), bên phụ trách tư vấn kỹ thuật trong kế hoạch xây dựng thành phố Nusantara, ông đã có cuộc trò chuyện với các phóng viên.

Ông Sumadilaga cho hay chính phủ đang cố gắng thu hút các doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và nông nghiệp, mặc dù ông nhấn mạnh rằng thủ đô hiện tại - Jakarta vẫn sẽ tiếp tục phát triển.

Siêu dự án đầy tham vọng

Sau khi đắc cử Tổng thống vào năm 2019, ông Widodo đã công bố kế hoạch di dời thủ đô, chỉ ra rằng Jakarta quá đông đúc và ô nhiễm, ngoài ra đất nước cần có một cỗ máy tăng trưởng ở nửa phía Đông của họ. Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia tháng 11 năm ngoái, ông Widodo tuyên bố sẽ xây dựng một “trung tâm fintech” ở Nusantara, thêm rằng chính phủ sẽ đưa ra “những khuyến khích đầu tư rất cạnh tranh ở đó”.

Kế hoạch di dời dự kiến sẽ được thực hiện theo 5 giai đoạn, từ nay đến năm 2045. Sumadilaga cho hay trong giai đoạn đầu tiên – bao gồm khu vực cốt lõi của chính phủ với diện tích 66,71 km vuông – 36% công tác xây dựng sẽ được hoàn thành, trong đó bao gồm một số tuyến đường thu phí và phủ Tổng thống. Ông nói rằng công tác xây dựng sẽ hoàn thiện khoảng 70% vào cuối năm nay.

Mặc dù ông Sumadilaga thừa nhận có nhiều thách thức do chi phí nguyên vật liệu xây dựng tăng cao do chiến sự ở Ukraine, nhưng khẳng định rằng dự án này “vẫn đúng tiến độ”.

2.png
Ông Danis H. Sumadilaga, trưởng nhóm quản lý phát triển cơ sở hạ tầng (Ảnh: Nikkei)

Chính phủ Indonesia ước tính rằng dân số của Nusantara sẽ đạt 60.000 người trong năm tới, tăng lên 2 triệu người vào năm 2040 và hơn 4 triệu người vào năm 2060. Thành phố này sẽ có diện tích khoảng 2.561 km vuông.

Dự kiến trở thành một “thành phố toàn cầu xanh và thông minh”, siêu dự án này là tâm điểm trong tầm nhìn của ông Widodo nhằm đưa Indonesia vào hàng ngũ các quốc gia phát triển và hoàn thành cam kết phi carbon vào năm 2060. Một đoạn phim ngắn được công chiếu nhân chuyến tham quan của giới truyền thông trong tháng 7 đem đến những hình ảnh về một thành phố tương lai, được kết nối với những cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, bao quanh bởi khu rừng nhiệt đới.

3.png
Quốc kỳ Indonesia ở khu vực mà ông Widodo dự định sẽ tổ chức kỷ niệm Ngày Độc lập trong năm tới (Ảnh: Nikkei)

Kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài

Để biến kế hoạch này thành hiện thực, Indonesia đã kêu gọi chính phủ các nước khác và doanh nghiệp đầu tư xây dựng thành phố mới, và cung cấp các gói khuyến khích để thu hút. Trong số 466 nghìn tỉ rupiah (30,8 tỉ USD) kinh phí xây dựng dự trù, dự án này kêu gọi khu vực tư nhân và chính phủ các nước giàu rót vốn khoảng 80%.

Tính đến nay, vẫn chưa có cam kết vững chắc về các khoản đầu tư nước ngoài. Nhưng ông Sumadilaga nói rằng Indonesia đã nhận được khoảng 300 bức thư đề nghị, trong đó có 30 có ý định đầu tư. Nhiều công ty nước ngoài đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản đã bày tỏ ý định tham gia dự án, theo ông Sumadilaga.

4.png
Một quan chức cầm trên tay bản vẽ thiết kế phủ Tổng thống ở Nusantara (Ảnh: Nikkei)

Gần đây, ông Widodo và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc gặp song phương tổ chức ở Trung Quốc, đã nhất trí hợp tác xây dựng thủ đô mới. Trung Quốc cũng sẵn sàng mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực như xe điện và thành phố thông minh, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trong khi đó, Takehiro Yasui, giám đốc văn phòng JICA Indonesia, nói với các phóng viên nhân chuyến tham quan trong tháng 7 rằng “Nhật Bản có lợi thế về hỗ trợ” xây dựng thành phố thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, công nghệ của Hàn Quốc sẽ được áp dụng cho dự án đập Sepaku Semoi, hiện đang được xây dựng ở giữa các đồn điền dầu cọ và nhằm mục đích cung cấp nước sạch cho Nusantara và các vùng lân cận. Theo giới chức địa phương, các khu vực này sẽ nơi đầu tiên cung cấp nước máy có thể uống được./.

Theo Nikkei Asia