Indonesia đặt mua 8 khu trục hạm của Italy, quyết đối phó với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Gần 2 tháng sau khi một tàu ngầm của họ bị chìm ngoài khơi Bali, Indonesia đã bắt đầu hiện đại hóa quân đội bằng cách đặt mua 8 khu trục hạm từ Italy.
Indonesia đặt mua 8 khu trục hạm từ một công ty đóng tàu của Italy (Ảnh: AFP)
Indonesia đặt mua 8 khu trục hạm từ một công ty đóng tàu của Italy (Ảnh: AFP)

Giới phân tích cho rằng thỏa thuận này cho thấy mối quan ngại của Indonesia trước những hành động xâm phạm lãnh thổ của các tàu Trung Quốc và khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia của họ với hạm đội tàu đang dần xuống cấp.

SCMP dẫn một tài liệu bị rò rỉ cho hay Bộ Quốc phòng Indonesia sẽ đề xuất ngân sách quốc phòng lên tới 124 tỉ USD trong vòng 5 năm tới, đây là mức tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất của Indonesia. Trong giai đoạn 5 năm trước đó, ngân sách quốc phòng nước này chỉ là 38,8 tỉ USD.

Thông tin về thỏa thuận mới xuất hiện trong lúc mà Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tham gia các cuộc thảo luận trực tuyến trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư tập trung vào vấn đề an ninh khu vực. Ngoài 10 nước thành viên ASEAN, 8 đối tác khác – Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ - cũng tham gia hội nghị.

Theo website của hãng đóng tàu Fincantieri của Italy, Indonesia đã ký một bản hợp đồng mua 6 khu trục hạm đa dụng FREMM mới và 2 khu trục hạm lớp Maestrle đã qua sử dụng. 2 khu trục hạm lớp Maestrale sẽ được chuyển giao sau khi chúng ra khỏi biên chế Hải quân Italy.

Công ty này cho hay thỏa thuận trên “có tầm quan trọng lớn” trong việc tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia trong “khu vực chiến lược của Thái Bình Dương”. Tuy nhiên giá trị của thỏa thuận không được công bố.

Muhamad Haripin, chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính trị, Viện Khoa học Indonesia, nói rằng thỏa thuận mua tàu khu trục đã phản ánh rõ cam kết của các nước châu Âu đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

“Các nước châu Âu ngày càng đồng lòng với các chính sách nước ngoài của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, trong đó nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực” – ông Muhamad nói, thêm rằng Indonesia rất cần có thêm nhiều tàu tuần tra để kiểm soát đường bờ biển dài 54.000 km và vùng biển rộng lớn của họ.

“Indonesia đang quan ngại về những hành động áp đặt ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, và họ tiếp tục theo dõi hành động của Trung Quốc ở Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Indonesia nhận thức rõ về sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, có thể gây ảnh hưởng tới sự ổn định khu vực, nhưng lại không muốn trực tiếp tham gia vào” – ông Muhamad nói thêm.

Indonesia tự coi mình không phải một bên tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp ở Biển Đong, tuy nhiên lực lượng hải quân của họ lại thường xuyên va chạm với các tàu Trung Quốc gần quần đảo Natuna. Một phần của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, mở rộng qua quần đảo này, nằm bên trong cái gọi là “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đánh bắt cá lịch sử ở vùng biển Bắc Natuna, khiến nhiều tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên lui tới khu vực này.

Vấn đề này có thể thành phép thử đối với mối quan hệ kinh tế đang phát triển giữa Indonesia và Trung Quốc.

Jakarta và Bắc Kinh gần đây đã thiết lập một kênh đối thoại mới nhằm xúc tiến khoản đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Indonesia và cũng liên tục xếp vị trí thứ hai trong số những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Indonesia, chỉ sau Singapore.

Indonesia cũng có quan hệ mật thiết với Mỹ, mặc dù Mỹ đầu tư ở nước này ít hơn so với Trung Quốc. Mỹ mới đây thông qua việc gia hạn Điều kiện ưu đãi thuế quan (GSP), một thỏa thuận cho phép hàng xuất khẩu của Indonesia tới Mỹ được hưởng ưu đãi thuế. Indonesia cũng nhắm mục tiêu tăng gấp đôi giá trị thương mại với Mỹ lên 60 tỉ USD/năm vào năm 2025. Tổng giá trị thương mại giữa Indonesia với Trung Quốc trong năm ngoái là 71,4 tỉ USD.

Thỏa thuận mua khu trục hạm mới được công bố sau một vụ rò rỉ tài liệu mới đây cho thấy Bộ Quốc phòng Indonesia có kế hoạch chi 1.700 nghìn tỉ rupiah (124,9 tỉ USD) trong giai đoạn 2020 – 2024 để hiện đại hóa quân sự. Nỗ lực này được rót vốn hoàn toàn bằng tiền nợ từ nước ngoài, cần phải được hoàn trả vào năm 2044 và chỉ chịu mức lãi suất rất nhỏ.

Sức ép phải hiện đại hóa hạm đội tàu cũ kỹ đè nặng lên Indonesia kể từ sau khi 1 trong số 5 tàu ngầm của họ, KRI Nanggala, bị chìm hồi tháng 4 năm nay trong một cuộc tập trận, khiến toàn bộ 53 người có mặt trong khoang thiệt mạng. Đây được xem là một trong số những vụ tai nạn tàu ngầm thảm khốc nhất trong lịch sử.

Mặc dù vậy, đề xuất ngân sách này đã làm dấy lên tranh cãi do nền kinh tế Indonesia vẫn đang phục hồi từ đại dịch COVID-19. Tháng 11/2020, nước này đã ghi nhận tình trạng suy thoái đầu tiên sau hơn 20 năm. Nền kinh tế thu hẹp 2,07% trong năm 2020, so với năm 2019. Trong quý đầu năm nay, mặc dù tăng trưởng 0,96% so với quý 4 năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn 0,74% so với quý đầu năm 2020.

Theo SCMP