Indonesia bắt giữ tàu chở dầu Trung Quốc nghi mua lậu dầu của tàu Iran trên biển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chính phủ Indonesia cho biết Cảnh sát biển nước này đã bắt giữ 2 siêu tàu chở dầu của Trung Quốc và Iran cuối tuần trước đưa về đảo Batam để điều tra vì nghi ngờ mua bán dầu trái phép trên biển Indonesia.
Hai siêu tàu chở dầu của Trung Quốc và Iran bị Indonesia bắt giữ (Ảnh: Dongfang).
Hai siêu tàu chở dầu của Trung Quốc và Iran bị Indonesia bắt giữ (Ảnh: Dongfang).

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 27/1, hôm Chủ nhật (24/1), cơ quan quản lý biển Indonesia đã bắt giữ hai tàu chở dầu treo cờ Iran và Panama ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Tây Kalimantan, cáo buộc họ trao đổi dầu trái phép trên biển và bắt giữ tổng cộng 61 thành viên thủy thủ đoàn. Các quan chức Indonesia hôm thứ Ba (26/1) cho biết, thủy thủ đoàn bị bắt giữ bao gồm 36 người Iran và 25 người Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Iran kêu gọi các nhà chức trách Indonesia cung cấp thêm thông tin.

Hai con tàu chở dầu liên quan đến vụ việc là MT Freya treo cờ Panama của một công ty ở Thượng Hải (Trung Quốc) và MT Horse treo cờ Iran của Công ty tàu chở dầu quốc gia Iran). Tàu chở dầu Freya (IMO 9180164), trọng tải 306.397 tấn, được đóng vào năm 2000, nó treo cờ Panama nhưng theo dữ liệu của EQUASIS, chủ tàu là một công ty Thượng Hải. Người phát ngôn Cảnh sát biển Indonesia, Wisnu Pramandita cho biết, hai tàu này ban đầu được phát hiện lúc 0 giờ 30 phút sáng theo giờ địa phương.

Siêu tàu chở dầu MT Freya của Trung Quốc trọng tải 306.397 tấn (Ảnh: Sohu).

Siêu tàu chở dầu MT Freya của Trung Quốc trọng tải 306.397 tấn (Ảnh: Sohu).

Ông Wisnu Pramadita nói thêm các thủy thủ đoàn đã “bị bắt tại trận” khi tàu chở dầu của Iran đang chuyển dầu sang chiếc tàu chở dầu của Trung Quốc treo cờ Panama, khi đó có những vết dầu loang quanh tàu chở dầu mang cờ Panama. Cảnh sát biển Indonesia buộc tội hai tàu chở dầu có ý định che giấu danh tính, không treo quốc kỳ, tắt hệ thống nhận dạng tàu AIS, buông neo trái phép và không trả lời các cuộc liên lạc vô tuyến.

Ông Wisnu Pramandita nói, các tàu chở dầu liên quan đang được đưa về đảo Batam, tỉnh Riau, Indonesia, nhà chức trách Indonesia đã tạm giữ toàn bộ thủy thủ đoàn và thu giữ các tài liệu trên tàu để điều tra thêm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, nhà chức trách vẫn đang điều tra hành động của các tàu chở dầu liên quan.

Ông Saeed Khatibzadeh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran, cho biết đã yêu cầu Indonesia cung cấp thêm thông tin chi tiết về tàu chở dầu của Iran và nói, do xuất hiện các vấn đề kỹ thuật, Bộ Giao thông và Bộ Ngoại giao Iran đang bám sát vụ việc.

Theo hãng tin Anh Reuters, 61 thành viên thủy thủ đoàn của hai con tàu đều đã bị tạm giữ, những người trên tàu chủ yếu là công dân Trung Quốc và Iran. Ông Wisnu Pramadita nói rằng việc bắt giữ tàu và nhân viên không liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo dữ liệu vận chuyển hàng hải của Refinitiv Eikon, hai siêu tàu chở dầu này đã được phát hiện ở vùng biển Singapore vào đầu tháng này. Con tàu MT Horse thuộc sở hữu Công ty Tàu chở dầu Quốc gia Iran (NITC) gần như chứa đầy dầu thô, nhưng tàu Freya thì không tải. Chủ sở hữu của Freya là một công ty Trung Quốc có tên là Shanghai Future Ship Management Co., Ltd (Công ty TNHH Quản lý Tàu Tương lai Thượng Hải).

Trong danh bạ công ty Trung Quốc, địa chỉ văn phòng đăng ký của Shanghai Future Ship Management Co., Ltd lại là một công ty khác có tên Shanghai Chengda Ship Management (Công ty Quản lý tàu Thành Đạt Thượng Hải).

Emma Li, nhà phân tích dầu thô cấp cao của Refinitiv, cho biết mỗi siêu tàu này có thể chở 2 triệu thùng dầu. Gần đây, tàu MT Freya đã hai lần giao dầu thô đến cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông bên bờ biển Hoa Đông và cảng Doanh Khẩu ở Đông Bắc Trung Quốc. Tổng lượng hàng hóa khoảng 4 triệu thùng dầu.

Theo quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (OMI), tàu của tất cả các nước phải sử dụng thiết bị phát đáp để đảm bảo an toàn và minh bạch hàng hải. Iran trước đó đã bị cộng đồng quốc tế cáo buộc tắt hệ thống nhận dạng và không sử dụng hệ thống theo dõi nhằm trốn tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thông tin về vụ bắt giữ (Ảnh: sofreight).

Thông tin về vụ bắt giữ (Ảnh: sofreight).

Vụ bắt giữ của Indonesia vào Chủ nhật xảy ra sau khi cộng đồng quốc tế tiến hành nhiều cuộc điều tra về Trung Quốc. Có thông tin cho rằng Trung Quốc vẫn là khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran còn lại.

Trang web S&P Global dẫn các nguồn tin cho biết những tàu chở dầu này đã tham gia vào quá trình vận chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác một cách bí mật.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện vào năm 2018, xuất khẩu dầu của Iran đã phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và nguồn ngoại hối chính bị cắt đứt.

Hồi năm 2019 Nhà Trắng từng cảnh báo các công ty vận tải biển Trung Quốc không được tắt thiết bị phát tín hiệu của họ để che đậy việc mua bán dầu với Iran. Năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran với mục đích giảm chúng xuống mức bằng “0”. Ngành này là doanh thu xuất khẩu chính của Iran.

Hãng thông tấn AP dẫn lời các nhà phân tích cho biết đội tàu chở dầu của nhà nước Iran thường tắt hệ thống nhận dạng tự động của tàu và chuyển dầu cho các tàu khác trên biển để che đậy điểm đến vận chuyển, lách lệnh trừng phạt của Mỹ và thực hiện hoạt động xuất khẩu dầu bí mật.