Theo HoREA, tranh chấp chủ yếu xoay quanh 06 nội dung, bao gồm: Việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, quỹ thu phí quản lý vận hành chung cư; Về sở hữu chung, sở hữu riêng; Về chất lượng công trình; Về quản lý, khai thác, kinh doanh bãi giữ xe, các không gian có thể sinh lợi, phòng sinh hoạt cộng đồng; Về an toàn phòng cháy chữa cháy; Về đại hội chung cư, hội nghị chung cư bầu ban quản trị chung cư và chất lượng hoạt động của ban quản trị...
Tranh chấp chung cư có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp, gay gắt hơn do tốc độ đô thị hóa ngày càng cao càng đòi hỏi phát triển nhiều chung cư cao tầng và một bộ phận lớn cư dân lựa chọn sống trong chung cư.
Bên cạnh đó, có những phần tử xấu trong xã hội tìm cách chui vào các Ban quản trị chung cư nhằm mục đích trục lợi. Do vậy, cần hết sức quan tâm xử lý không để tranh chấp chung cư trở thành điểm nóng năm 2019.
Theo HoREA, đa số chủ đầu tư có uy tín thương hiệu đều thể hiện trách nhiệm trong công tác quản lý chung cư sau khi bàn giao nhà cho khách hàng. Nhiều chủ đầu tư phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng/ tháng để duy tu, bảo dưỡng, bảo trì, vận hành, phòng cháy chữa cháy chung cư.
Các chủ đầu tư này đều mong muốn khẳng định vai trò của mình trong công tác quản lý, vận hành chung cư sau khi đưa vào sử dụng. Nhưng cá biệt cũng có những chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, kém năng lực đã làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cư dân chung cư.
Do vậy, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 và Thông tư 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 của Bộ Xây dựng về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, nhằm hoàn thiện các cơ chế về: Tổ chức đại hội chung cư, hội nghị chung cư bầu Ban quản trị có năng lực, có trách nhiệm đối với cư dân chung cư; Cần quy định chủ tài khoản của Ban quản trị chung cư phải có tối thiểu 02 người trong Ban quản trị; Kiên quyết thực hiện cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì chung cư theo quy định của pháp luật.
Bổ sung quy định Ủy ban nhân dân cấp phường tham gia hội nghị nhà chung cư thường niên, và có trách nhiệm hòa giải hoặc giải quyết ban đầu các tranh chấp xảy ra tại chung cư, để nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp phường trên địa bàn.
Ngoài việc đảm bảo chất lượng các trang thiết bị PCCC, cần coi trọng huấn luyện, diễn tập các thao tác, kỹ năng thoát hiểm, cứu hộ, sử dụng các trang thiết bị PCCC cho cư dân chung cư, có sự hướng dẫn của Cơ quan PCCC và sự tham gia của Ủy ban nhân dân cấp Phường. Đồng thời, cần triển khai giáo dục kỹ năng thoát hiểm, cứu hộ trong các chương trình ngoại khóa ở các cấp học.
Theo HoREA, việc hoàn thiện Quy chế quản lý chung cư theo quy định của Bộ Xây dựng là hết sức cần thiết để góp phần giải quyết tranh chấp tại chung cư và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1.000 chung cư. Khoảng hơn 100 chung cư có phát sinh tranh chấp. Có 34 chung cư có tranh chấp đến mức Sở Xây dựng phải thụ lý giải quyết, trong đó, có hơn 10 chung cư có tranh chấp gay gắt./. |
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu