Trước đây, không ai mô tả các nhà lãnh đạo của Hồng Kông hay Singapore như Robin Hoods "lấy của người giàu chia cho người nghèo". Cả hai thành phố đã giành được danh tiếng về điều hành kinh tế hiệu quả cao với mức thuế thu nhập là 15% tại Hồng Kông và 20% tại Singapore.
Nhiều thập niên thịnh vượng bền vững của hai nền kinh tế này là bằng chứng về nền kinh tế "hài hòa" các lợi ích của đa số người dân. Nhưng cả hai nền kinh tế giàu có này đang diễn ra những thay đổi. Lo lắng về bất bình đẳng gia tăng, chính phủ Singapore lần đầu tiên đã phải tăng tỷ lệ thuế thu nhập, buộc 5% những người giàu nhất quốc đảo phải đóng góp thêm để có tiền chi cho các chương trình trợ cấp xã hội cho người nghèo và người già.
Nguồn thu ngân sách hiện tại của Singapore vào khoảng 49 tỷ USD. Với việc tăng thuế thu nhập cá nhân, chính quyền Singapore hy vọng sẽ có thêm 320 triệu USD. Giáo sư luật Eugene Tan thuộc Đại học Quản trị Singapore nhận định: "Nhóm nhà giàu đã được hưởng lợi rất nhiều từ hệ thống chính trị và hạ tầng ổn định của Singapore trong nhiều năm qua. Do đó, đã đến lúc giới nhà giàu phải đóng góp cho xã hội". Hồi năm ngoái, Chính phủ Singapore công bố gói 9 tỷ đôla Singapore (7,2 tỷ USD) để hỗ trợ y tế cho công dân cao tuổi.
Hồng Kông là một trong những nơi có khoản cách biệt thu nhập cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Đây là một trong những nơi có giá bất động sản đắt nhất thế giới, trong khi lương bổng không tăng đủ nhanh để bắt kịp đà tăng giá.
Mặc dù chiếm đa số trong danh sách 10 tỷ phú giàu nhất châu Á nhưng giới chức trách Hồng Kông lại không ủng hộ việc nâng thuế thu nhập của người giàu. Hồng Kông muốn tạo ra một lợi thế cạnh tranh bằng chế độ thuế hào phóng, thu hút các doanh nghiệp và tài năng từ khắp nơi trên thế giới. Điều này buộc cá nhân các tỷ phú phải có những hành động riêng lẻ.
Tỷ phú huyền thoại của Hồng Kông Lý Gia Thành cũng công khai bày tỏ những lo ngại về khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo, khiến bùng nổ cuộc biểu tình tại Hồng Kông vào năm ngoái. Một tỷ phú khác của Hồng Kông là Lý Triệu Cơ đã "mở lòng" hiến đất cho các tổ chức phi lợi nhuận để xây dựng nhà dành cho người già và ký túc xá thanh niên.
Hồi đầu tháng này, nhóm G20 lần đầu tiên cảnh báo về sự bất bình đẳng giữa các nền kinh tế thế giới. Như nhà kinh tế Pháp Thomas Piketty lập luận trong cuốn sách bán chạy nhất của mình "Tư bản trong thế kỷ XXI," lợi nhuận đã tăng nhanh hơn GDP trong 30-40 năm qua. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nói rằng khoảng cách giàu nghèo ở hầu hết các nước thành viên đã lên đến mức nghiêm trọng nhất trong ba thập niên qua. Tổ chức Oxfam dự đoán 1% người giàu sẽ kiểm soát hầu hết của cải của thế giới vào năm 2016.
Tăng trưởng ở châu Á đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo, nhưng cũng có những mặt khuất chưa được lưu ý. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, 4% dân số khu vực, gần 3 tỷ người, sống tại các quốc gia có sự sự bất bình đẳng gia tăng từ 20 năm qua. Điều này giảm đi những lợi ích của tăng trưởng nhanh, sản lượng của châu Á có xu hướng thiên về số lượng hơn chất lượng. Sự nổi lên của Trung Quốc mang lại cả lợi ích và bất lợi.
Trong khi đại lục cung cấp tiêu thụ và sản xuất khổng lồ cho Singapore và Hồng Kông, thì áp lực cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường lao động 1,4 tỷ dân đã kéo mức lương người châu Á xuống mức thấp nhất. Đồng thời, giới tài phiệt ở Trung Quốc đang săn mua bất động sản ở Hồng Kông và Singapore, đẩy giá đất ở đây vượt khỏi tầm tay của đa số người dân.
Đề tìm câu trả lời cho nghịch lý này, các nhà kinh tế đề xuất các chính phủ phải nâng cao năng suất, hạn chế tham nhũng, đầu tư cho giáo dục và thiết lập mạng lưới an sinh. Trong một báo cáo năm ngoái, ADB khuyến cáo bốn bước để giảm bất bình đẳng: thực hiện chính sách tài chính hiệu quả hơn, đầu tư vào giáo dục và hỗ trợ các gia đình nghèo, phát triển các ngành công nghiệp mới, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để lan rộng những lợi ích của tăng trưởng. Singapore cố gắng để giải quyết tất cả những điểm này.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng chính phủ cần phải thu thuế nhiều hơn nếu xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội kiểu phương Tây để hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất. Ngược lại, chính quyền Hồng Kông vẫn dường như tập trung vào tăng trưởng như là một thuốc chữa bách bệnh.
Câu chuyện về tỷ phú Lý Gia Thành lâu nay vẫn được xem là tiêu biểu của một người khố rách áo ôm trở nên giàu có nhờ hưởng lợi những chính sách đặc biệt. Hồng Kông vẫn nuôi giấc mơ có được nhiều tỷ phú cự phách như thế dù có phải đánh đổi quyền lợi của đa số người nghèo. Nhưng cuộc biểu tình bùng phát tại xứ "cảng thơm" đã cho thấy những lo ngại về tình trạng bất ổn xã hội cần phải được nhìn nhận lại cùng với chính sách thuế.
Theo DNSG