Khái niệm Trải nghiệm tổng thể (TX) và xu hướng cải thiện trải nghiệm tổng thể của khách hàng và nhân viên trong doanh nghiệp đã được chuyên gia của akaBot (Tập đoàn FPT), chia sẻ tại hội thảo và triển lãm quốc tế về Smart Banking 2023, chủ đề nâng tầm trải nghiệm số của ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam thông qua tự động hóa.
Dẫn kết quả nghiên cứu của Gartner - nền tảng nghiên cứu, đánh giá giải pháp công nghệ lớn nhất thế giới, khái niệm TX bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn 2021-2022 khi nhiều tổ chức tài chính trên thế giới nhận thức được tầm quan trọng của việc kết hợp cả hai yếu tố trải nghiệm khách hàng (CX) và trải nghiệm nhân viên (EX) trong công cuộc chuyển đổi số doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp với chiến lược TX chặt chẽ được Gartner dự đoán sẽ đạt được độ hài lòng của khách hàng và nhân viên cao hơn 25% so với các đối thủ, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh doanh trong giai đoạn 2023-2025. Để tạo ra sức cạnh tranh này, việc đầu tư vào công nghệ, tối ưu vận hành và tự động hóa quy trình là giải pháp được Gartner nhấn mạnh trong chiến lược của các công ty.
Xoay quanh chủ đề chính của sự kiện “Định hình tương lai ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số", bà Nguyễn Minh Nguyên Thành - Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của FPT akaBot đưa ra những chia sẻ về xu hướng cải thiện TX trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam. Là đơn vị có kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho hơn 20 tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước, bà Nguyên Thành nhấn mạnh công nghệ tự động hóa bằng robot ảo (RPA) có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu nâng cao trải nghiệm của cả nhân viên và khách hàng.
Bắt đầu từ những quy trình đơn giản nhất, các trợ lý ảo của akaBot có thể mô phỏng các thao tác lặp đi lặp lại, hỗ trợ nhân viên thực hiện các tác vụ thủ công và có tính chất nhàm chán.
“Trong akaBot, chúng tôi có khái niệm riêng với tên gọi: Liên minh người và robot. Việc ứng dụng tự động hóa quy trình không phải để robot thay thế con người, mà mục đích chính để giải phóng nhân viên khỏi các nghiệp vụ nhàm chán. Từ đó, các nhân sự trong ngân hàng sẽ có thể triển khai các nghiệp vụ nâng cao hơn liên quan đến đánh giá, phân tích và đóng góp vào chiến lược doanh nghiệp” - Đại diện từ akaBot chia sẻ.
Hướng tới mục tiêu mỗi doanh nghiệp Việt đều có thể triển khai tự động hóa và chuyển đổi số, akaBot đã triển khai công nghệ lõi RPA ở hình thức SaaS để tạo ra giải pháp tự động hóa RPAaaS UBot và UVote trên nền tảng đám mây, góp phần thúc đẩy trải nghiệm của nhân viên thông qua việc giảm thiểu các tác vụ lặp đi lặp lại ở phòng Kế toán - Tài chính hoặc phòng Quan hệ cổ đông trong các doanh nghiệp.
Đại diện từ akaBot chỉ ra, hơn 3,800 doanh nghiệp SMEs Việt Nam chuyển đổi số thành công với robot ảo UBot hỗ trợ trong phòng kế toán - tài chính. Trung bình trợ lý ảo UBot có thể xử lý hóa đơn, giao dịch chỉ trong 2 click với độ chính xác tới 99%, tiết kiệm 90% thời gian đối soát, thẩm định và báo cáo của bộ phận kế toán - tài chính.
Bên cạnh đó, 50% top doanh nghiệp VN30 đã sử dụng nền tảng tự động hóa bình chọn và biểu quyết điện tử của UVote. Giải pháp giúp tiết kiệm tới hơn 80% chi phí và thời gian để chuẩn bị cho một đại hội cổ đông so với hình thức biểu quyết truyền thống.
Với sự tăng trưởng đột phá trong số lượng khách hàng và doanh thu, bộ giải pháp tự động hóa UBot và UVote đã được vinh danh trong hạng mục “Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu” trong lễ trao Giải thưởng Chuyển Đổi Số Việt Nam 2023 diễn ra vào 7/10/2023. Bộ giải pháp đã vượt qua hơn 300 hồ sơ với quá trình xem xét kĩ lưỡng, đánh giá khoa học, khách quan, chuyên nghiệp và công tâm của các giám khảo là những nhà quản lý, chuyên gia công nghệ, chuyển đổi số hàng đầu./.