Ngoại trưởng nhóm G7 khai mạc hai ngày họp tại Hiroshima, Nhật Bản vào hôm qua 10/4. Một ngày trước lúc hội nghị ngoại trưởng G7, hôm 9/4, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Mark Toner đã nhắc lại quan điểm xuyên suốt của Washington là thảo luận về các vấn đề an ninh tại bất kỳ cuộc họp nào với các đối tác quan trọng ở châu Á. Hồ sơ Biển Đông là một trong những vấn đề an ninh đó.
Theo ông Toner, diễn biến tình hình Biển Đông là điều quan trọng đối với khu vực, đối với sự ổn định của khu vực, do đó Mỹ cho rằng chủ đề này cần được đặt lên bàn thảo luận.
Quan điểm của Mỹ cũng được Nhật Bản tán đồng. Ngay từ đầu tuần này, một số nguồn thạo tin tại Tokyo cho biết Tokyo sẽ phối hợp với 6 đối tác còn lại trong nhóm G7 để đưa vấn đề Biển Đông, Biển Hoa Đông và Bắc Triều Tiên vào trong bản tuyên bố chung lần này của hội nghị các ngoại trưởng G7, cũng như hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5/2016.
Nhóm G7 bao gồm 7 nước: Nhật Bản, Canada, Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Ý. Dù không phải là thành viên G7, nhưng Trung Quốc đã lớn tiếng đòi hỏi G7 không được nói đến Biển Đông.
Ngày 9/4, Bắc Kinh đã tìm cách tác động lên Anh Quốc, một thành viên G7. Nhân cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ở Bắc Kinh. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cho rằng G7 không nên «thổi phồng» vấn đề Biển Đông và không ngần ngại khuyên nhủ Luân Đôn nên duy trì «lập trường khách quan và công bằng» trong vấn đề Biển Đông và không nên «thiên vị».
Tuy nhiên, Biển Đông không phải là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của nhóm G7. Trong hai ngày họp 10 và 11/4 ngoại trưởng các nước sẽ thảo luận về mọi vấn đề nóng bỏng hiện nay trên thế giới, từ nạn khủng bố hoành hành, tình hình Syria, Libya… cho đến mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu