Tờ Minh báo Hồng Kông ngày 30/5 cho rằng, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc ở The Hague, Hà Lan sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines. Sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn lên nắm quyền, thái độ của chính phủ mới ở Đài Bắc đối với vấn đề Biển Đông khiến cho Trung Quốc đặc biệt quan ngại.
Doãn Bảo Hổ, tổng thư ký Hội nghiên cứu luật học quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan nói trong một cuộc hội thảo rằng, chính quyền Thái Anh Văn "không giữ lập trường" đối với Okinotori có là "đá ngầm" hay không, đơn thuần là do cân nhắc chính trị, đã thể hiện ý đồ ngầm "Đài Loan độc lập". Trong tương lai, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc và Đài Loan sẽ không thể triển khai hợp tác.
Tờ Vượng báo Đài Loan dẫn lời Doãn Bảo Hổ cho rằng, về pháp lý, hai bờ là "một quốc gia", có yêu sách (bất hợp pháp) chồng lấn về chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông, trong khi đó, biển Hoa Đông và Biển Đông có hiệu ứng tác động lẫn nhau.
Doãn Bảo Hổ suy diễn rằng, Trung Quốc cứng rắn "bảo vệ chủ quyền biển" ở biển Hoa Đông, "bảo vệ quyền lợi ở các đảo đá như đảo Điếu Ngư/Senkaku" có nghĩa là "giúp đỡ Đài Loan".
Trong nhiều năm qua, đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp) được yên bình được Doãn Bảo Hổ tự cho là do có Trung Quốc đứng đằng sau, nên "cộng đồng quốc tế không dám động thủ".
Về chủ quyền ở Biển Đông, theo Doãn Bảo Hổ, Trung quốc là "hậu thuẫn vững chắc" của Đài Loan, cũng là lợi ích lớn nhất của nguyên tắc "một nước Trung Quốc". Vì vậy, muốn "bảo vệ đảo đá", Đài Loan cần đứng về phía Trung Quốc.
Nói chung, thực ra, Doãn Bảo Hổ nói giúp đỡ Đài Loan, nhưng thực chất là Trung Quốc đang lôi kéo Đài Loan để tăng cường quân bài áp đặt yêu sách vô lý, phi pháp của họ ở Biển Đông.
Theo Doãn Bảo Hổ, chính quyền Thái Anh Văn không giữ lập trường về việc đảo Okinotori có là đá ngầm hay không, mục đích là liên kết với Nhật Bản, có sự thụt lùi rất lớn về lập trường so với chính quyền Mã Anh Cửu trước đó, đã để lộ ý đồ tìm cách để Đài Loan "từng bước độc lập, độc lập ngầm".
Người phát ngôn Chính phủ đảo Đài Loan, Đồng Chấn Nguyên vừa cho biết, Đài Loan và Nhật Bản đã tổ chức tham vấn và đạt được đồng thuận, sẽ triển khai đối thoại hợp tác vấn đề biển lần đầu tiên trước tháng 7/2016.
Trong khi đó, đối với việc Okinotori là đảo hay là đá, Đài Loan sẽ tôn trọng quyết định của Ủy ban Ranh giới đảo Liên hợp quốc. Trước khi có quyết định này, Đài Loan sẽ không giữ lập trường cụ thể về pháp lý. Nhưng, chính quyền Mã Anh Cửu trước đó kiên trì Okinotori là đá ngầm.
Doãn Bảo Hổ còn cho rằng, "duy trì hiện trạng" là một câu nói dùng để lừa gạt Trung Quốc của bà Thái Anh Văn. Trong tương lai, hợp tác giữa hai bờ trong vấn đề Biển Đông là "không có khả năng"!