Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 7/6 dẫn một số nhận định của tờ Học Giả Ngoại giao của Nhật Bản ngày 6/6 đăng bài viết "Phân tích quân sự về việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam", trong đó, báo Trung Quốc nhấn mạnh rằng các vũ khí Mỹ mà Việt Nam sẽ mua ảnh hưởng hành vi Trung Quốc trên Biển Đông.
Bài viết cho rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama gần đây đến thăm Việt Nam và đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, sau đó Việt-Mỹ sẽ có thỏa thuận mua bán vũ khí gì để tạo ra cân bằng quân sự khu vực, nhất là cân bằng quân sự Biển Đông.
Việt Nam cho biết có ý định mua một số trang bị quân sự cũ của Mỹ, bao gồm máy bay chiến đấu F-16A/B, máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion phiên bản cải tiến trang bị ngư lôi và máy bay không người lái phi vũ trang.
Việt Nam muốn sử dụng những loại vũ khí này để theo dõi lãnh hải và Biển Đông rộng lớn hơn. Việt Nam cũng từng nghiên cứu thiết bị theo dõi radar của Mỹ, đã thảo luận cách thức tăng cường khả năng tác chiến điện tử của Việt Nam.
Nếu Việt Nam thực sự lựa chọn mua sắm trang bị quân sự của Mỹ thì việc này sẽ không ảnh hưởng nhanh chóng đến sức chiến đấu của Quân đội Việt Nam, mà sẽ ảnh hưởng dần dần vì:
Trước hết, phải chuẩn bị hệ thống hỗ trợ cần thiết cho máy bay Mỹ, bao gồm xây dựng cơ sở bảo trì để sửa chữa máy bay. Nhiều công việc hơn vẫn sẽ tiến hành ở Mỹ.
Ngoài ra còn cần đào tạo phi công, nhân viên hậu cần và nhân viên kỹ thuật – dạy họ sử dụng máy bay mới và hệ thống vũ khí mới. Mỹ phải điều cố vấn và giáo viên đến Việt Nam. Tất cả các công việc này đều không thể sớm hoàn thành, cần được Mỹ nỗ lực trong nhiều năm.
Tuy nhập khẩu trang bị quân sự Mỹ sẽ tăng cường khả năng răn đe cho Việt Nam, nhưng ở mức độ nào thì còn phải chờ quan sát. Điều này tùy thuộc vào 2 nhân tố: Một là, trình độ sử dụng vũ khí trang bị mới của binh sĩ Quân đội Việt Nam.
Hai là, khả năng Quân đội Việt Nam tích hợp được trang bị mua của Mỹ với các trang bị quân sự khác. Dù sao, vũ khí trang bị của Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Nga/Liên Xô.
Bài báo cho rằng, về bản chất, chiến lược quân sự của Việt Nam với những đối thủ tiềm tàng là chiến lược phòng ngự, nội dung chủ yếu là “chống can thiệp và chống tiếp cận”, sử dụng ưu thế phi đối xứng, chẳng hạn triển khai tàu ngầm diesel-điện mới, tận dụng điểm yếu rõ rệt về săn ngầm của đối phương.
Bài báo cho rằng, thực hiện chiến lược này cần tăng cường khả năng nhận biết vùng biển, trang bị hệ thống cảnh báo sớm, kết hợp giữa do thám với tấn công, xây dựng được chuỗi sát thương.
Hòa Cầu Thời báo cho rằng "mục tiêu cuối cùng của Việt Nam là ngăn chặn tình trạng sức ép cao “vùng xám” do tàu chiến Hải quân Trung Quốc tạo ra. Tình trạng này có nghĩa là Trung Quốc sử dụng tàu cảnh sát biển và tàu dân quân trên biển tiến hành phong tỏa đối với các thực thể trên Biển Đông do Việt Nam kiểm soát, nhưng đồng thời tránh gây ra xung đột quân sự công khai".
Các trang bị quân sự như máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion phiên bản cải tiến trang bị ngư lôi sẽ nâng cao rất lớn khả năng răn đe nêu trên cho Quân đội Việt Nam.
Cụ thể, những trang bị này có thể bổ sung sức chiến đấu cho lực lượng tàu ngầm Việt Nam, nâng cao khả năng tác chiến mặt nước và săn ngầm của Quân đội Việt Nam. Hiện nay, hạm đội tàu ngầm Việt Nam đã biên chế 5 tàu ngầm lớp Kilo.
Việt Nam cũng đã đặt mua một số tên lửa hành trình đối đất và săn ngầm, chẳng hạn tên lửa hành trình siêu thanh 3M-14E Klub, đã tiếp tục tăng cường khả năng răn đe cho Việt Nam.
Việt Nam nhập khẩu các trang bị quân sự Mỹ có thể làm thay đổi cân bằng quân sự Biển Đông hay không tùy thuộc vào khả năng đào tạo có hiệu quả hay không, có hòa nhập thành công vũ khí mới vào hệ thống vũ khí trang bị hiện có hay không.
Mặc dù Việt Nam thực sự có thể tìm được phương pháp có hiệu quả, hòa nhập hệ thống vũ khí mua của Mỹ vào các lực lượng hiện có chủ yếu sử dụng trang bị của Nga, nhưng, trường hợp của Malaysia (sử dụng đồng thời hệ thống của Nga và NATO) cho thấy, hiệu suất sử dụng lâu dài hai hệ thống chưa cao, hơn nữa chi phí đắt đỏ.
Tóm lại, theo Hòa Cầu Thời Báo, nếu thực hiện thành công công tác đào tạo và tích hợp vũ khí mua mới của Mỹ, sẽ nâng cao sức chiến đấu của Quân đội Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng đến hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhưng, bổ sung thêm máy bay chiến đấu F-16, máy bay tuần tra săn ngầm P-3C, máy bay không người lái và thiết bị tình báo, giám sát và trinh sát trên biển đều không thể làm thay đổi căn bản sự cân bằng quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam.
"Trong tương lai không xa, xét tới Trung Quốc và Việt Nam không có nhiều khả năng nổ ra chiến tranh toàn diện, Việt Nam chỉ cần điều tàu ngầm ra Biển Đông sẽ đủ răn đe các hành động (bành trướng hung hăng hăm dọa) trên biển của Bắc Kinh, bất kể những tàu ngầm này có thuộc một phần chuỗi sát thương tích hợp hay không" - Hoàn Cầu Thời báo nhấn mạnh.
Trên đây là toàn bộ bài viết trên tờ Thời báo Hoàn Cầu trong đó có trích dẫn các thông tin từ một tờ báo danh tiếng của Nhật Bản, Viettimes xin lược dịch, giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Xin được nhắc lại, những thông tin trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo. Việt Nam thực hiện đường lối quốc phòng mang tính tự vệ, chính sách ngoại giao "muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới" nhưng luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù nếu lãnh thổ bị xâm phạm.