Chế tạo “vũ khí hủy diệt” và ứng xử một cách liều lĩnh trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên đã trở thành "cơn đau đầu" đối với thế giới bên ngoài. Bởi chế độ chính trị đặc biệt của đất nước này, vấn đề đàm phán với Triều Tiên xoay quanh việc hiểu được lãnh đạo tối cao của đất nước này muốn gì. Ban đầu, Kim Jong-un xuất hiện như một trong số những nhà lãnh đạo bí ẩn nhất thế giới. Tuy nhiên, hành động của ông ta lại cho thấy một chiến lược chặt chẽ và hợp lý. Ông Kim đang thay đổi đất nước Triều Tiên, và chính sách tốt nhất với Hoa Kỳ là nắm lấy cơ hội này với một cam kết được duy trì và bảo hộ.
Từ 2012-2017, trong 6 năm lãnh đạo, ông Kim Jong-un đã theo đuổi một chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với quy mô lớn. Các cuộc thử nghiệm được tiến hành một cách thường xuyên và tích cực hơn cả dưới thời cha và ông của Kim Jong-un. Vào tháng 3.2018, ông Kim đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi đột ngột thay đổi và phát động "một thế tấn công hấp dẫn" nhắm tới việc gặp gỡ tổng thống Hoa Kỳ.
Sự nhất trí của chúng ta trong vài thập kỷ qua về động cơ đằng sau các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là: các nhà lãnh đạo của đất nước này sợ Mỹ xâm lược và họ chỉ thấy an toàn khi có năng lực để ngăn chặn điều đó. Điều này đúng, nhưng chưa đủ để giải thích quy mô và tần suất thử nghiệm các chương trình vũ khí của ông Kim. Thực tế, ông Kim không cần nhiều vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa hơn cha mình để ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự từ Hoa Kỳ.
Hàng chục nghìn nhân viên Hoa Kỳ và khoảng 30 triệu người Hàn Quốc (chiếm 60% tổng dân số) đang sống trong tầm pháo của Triều Tiên. Năm 2006, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ước tính, các cuộc tấn công bằng pháo binh của Triều Tiên đã có thể gây ra 250.000 thương vong chỉ ở khu vực thủ đô Seoul. Tính toán tháng 2.2018 do quân đội Hoa Kỳ thực hiện, dự đoán có thể khi cuộc chiến Mỹ - Triều mở màn có thể khiến 10.000 lính thương vong, trước khi nó có thể biến thành chiến tranh hạt nhân.
Việc ông Kim xây dựng quân đội và thay đổi về mặt ngoại giao rất hợp lý khi nhìn theo quan điểm ông là một lãnh đạo trẻ và logic về tính chính thống trong việc cai trị đất nước. Ông bắt dầu lãnh đạo đất nước khi chưa tới 30 tuổi. Việc thừa kế bí mật vị trí của cha mình ở độ tuổi còn rất trẻ khiến ông rất cần phải chứng minh mình phù hợp với vị trí đó - Khi bắt đầu, ông đã thiếu hầu hết sự bảo đảm để lãnh đạo quân đội và đất nước như những người tiền nhiệm.
Ông Kim Jong-un đã trở thành lãnh đạo Triều Tiên khi chưa tới 30 tuổi.
|
Các vị vua và những nhà lãnh đạo đều hiểu rằng nếu chỉ đơn thuần là con cháu của người sáng lập ra triều đại, và ngồi trên đỉnh của hệ thống vẫn chưa đủ để có một vị thế lãnh đạo ổn định. Vị trí này còn bấp bênh hơn với nhà lãnh đạo mới, bởi giới cầm quyền hầu hết đều hơn ông từ 1 tới 2 thế hệ và họ có mọi lý do để hồ nghi về năng lực lãnh đạo của ông. Ngoại trừ bà Kim Yo-jong là em gái của ông Kim Jong-un, 28 thành viên còn lại thuộc Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên đều hơn ông từ 20 đến 56 tuổi.
Để thể hiện năng lực của mình, ông Kim đã nhờ tới vũ khí và những lãnh đạo nước ngoài có tầm ảnh hưởng lớn. Chỉ trong 5 năm từ 2013 đến 2017, ông Kim đã tiến hành thêm bốn vụ thử hạt nhân so với 2 vụ thử mà cha ông đã khởi xướng từ năm 2006. Tới năm 2018, với sáu vụ thử hạt nhân, Bình Nhưỡng đã trở nên đủ tự tin để dừng việc thử vũ khí và tên lửa. 6 cũng là số vụ thử nghiệm của hai cường quốc khác là Ấn Độ và Pakistan. Và họ cũng đã đảm bảo được vị trí của mình trong danh sách những đất nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ông Kim cũng đã chế tạo tên lửa tầm xa có thể bắn tới mọi nơi trên thế giới. Vào tháng 11.2017, Bình Nhưỡng đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Hwasong-15. Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis, tên lửa này “đã đi thực sự cao hơn bất kỳ tên lửa nào trước đây của Triều Tiên. Về cơ bản, đây là nỗ lực thử nghiệm và phát triển để tiếp tục chế tạo tên lửa đạn đạo có thể đe dọa bất cứ nơi đâu trên thế giới”. Sau vụ thử nghiệm này, ông Kim đã tự hào tuyên bố Triều Tiên cuối cùng “đã thực hiện được một lịch sử lớn lao khi hoàn thiện lực lượng hạt nhân của đất nước”.
Sau khi trở thành một nhà lãnh đạo quân sự đáng gờm, ông Kim đã tấn công ngoại giao vào tháng 3.2018, kêu gọi tổng thống Hoa Kỳ đàm thoại. Trên mặt trận này, cuộc gặp gỡ với Tổng thống Donald Trump đã đặt ông ngang hàng với nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước mạnh nhất thế giới. Tháng 6.2018, trong lần xuất hiện trước công chúng tại Hội nghị thượng đỉnh lần 1 giữa 2 lãnh đạo tại Singapore, ông Trump đã tôn trọng ông Kim một cách ngang hàng và liên tục ca ngợi chủ tịch Triều Tiên. Khi được về suy nghĩ của mình trong cuộc gặp với ông Kim, Tổng thống Hoa Kỳ nói: “Tôi thấy rằng ông ta là một người vô cùng tài năng. Tôi cũng đã hiểu rằng ông ta rất yêu đất nước mình”.
Hành động của Kim Jong-un cho thấy Triều Tiên là một cơ hội địa chính núp dưới bóng của một mối đe dọa an ninh. Các chương trình vũ khí của ông đã đặt ra một mối đe dọa thực tế tới Hoa Kỳ bởi đó là cách để ông có thể chứng minh cho nhân dân trong nước thấy rằng ông là một nhà lãnh đạo đáng ngưỡng mộ. Vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo được phát triển dưới sự lãnh đạo của ông đã làm gia tăng khả năng răn đe thực sự mà ông sở hữu với Hoa Kỳ. "Chỉ số răn đe" của Triều Tiên – Sự đóng góp tương đối của những vũ khí này vào khả năng răn đe tổng lực của Triều Tiên sẽ gia tăng một cách đáng kể trong tương lai [giả thuyết] khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Hàn Quốc.
Tháng 11.2017, Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể bắn tới khắp mọi nơi trên thế giới.
|
Chúng cũng sẽ có sức nặng hơn trong khả năng răn đe của Triều Tiên đối với Trung Quốc khi Bình Nhưỡng không còn đứng trên bờ vực sụp đổ về kinh tế. Những giả thuyết tương lai này nằm trong số những kịch bản mà các nhà hoạch định chính sách của Washington, Bắc Kinh, Seoul và Tokyo cần cân nhắc. Tuy nhiên, trong những kế hoạch của ông Kim, ý nghĩa của những giả thuyết này khá mờ nhạt so với những quan ngại hiện tại của ông về tính hợp pháp trong việc kế thừa quyền lực đất nước.
Độ tuổi của ông Kim gần như đã buộc ông phải đạt được những thành tựu một cách nhanh chóng và đầy tham vọng, nhưng điều đó cũng thúc đẩy ông phải nghĩ tới một kế hoạch lâu dài trong việc thúc đẩy nền kinh tế và cải thiện vị thế của đất nước ông. Điều này sẽ kéo theo cải cách kinh tế và tái định vị vị thế địa chính trị giữa các cường quốc và các nước trong khu vực. Với nền kinh tế còn phụ thuộc vào nguồn cung thực phẩm và nhiên liệu của Trung Quốc, ông Kim không thể lãnh đạo đất nước lâu dài mà không có sự thay đổi.
Ông Kim đã vạch ra một chiến lược rõ ràng và mạch lạc trong 7 năm nắm quyền. Chỉ hơn một năm sau khi cầm quyền, tháng 3.2013, ông Kim đã công bố một chính sách mới, được gọi là byungjin, thay thế chính sách “quân sự đầu tiên” của cha ông. Byungjin được hiểu là “song tiến” nhắm tới cả phát triển kinh tế và vũ khí hạt nhân. Sau khi đạt được năng lực hạt nhân lớn mạnh vào cuối năm 2017, ông Kim đã tuyên bố vào đầu năm 2018 một “dòng chiến lược mới”, “tập trung mọi nguồn lực của đảng và nhà nước vào xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Cùng lúc với thời điểm ông Kim chuyển hướng sang chiến lược mới, ông đã đưa ra một cuộc đàm phán vô điều kiện với Hoa Kỳ và bắt đầu làm nóng mối quan hệ với Hàn Quốc.
Việc tập trung vào phát triển kinh tế và tái định vị địa chính trị không phải chỉ là một "sự giả đò". Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Kim đã tìm đến cách tiếp cận kinh tế mới, chia sẻ quyền quyết định và lợi ích một cách rộng rãi và hạ thấp tính trói buộc. Một khi không còn đứng trên bờ vực của sự sụp đổ nền kinh tế, với Trung Quốc, Triều Tiên sẽ mất phần lớn khả năng răn đe. Bởi sự sụp đổ của Triều Tiên sẽ đe dọa tới Trung Quốc. Nếu không có gì thay đổi, một đất nước Triều Tiên có khả năng kinh tế sẽ dễ bị tổn thương hơn trước áp lực của Bắc Kinh.
Đặt nền kinh tế trên con đường tăng trưởng cũng đòi hỏi phần lớn vào đầu tư và thương mại nước ngoài. Trung Quốc, với túi tiền to và "vành đai - con đường", sẵn sàng nắm bắt cơ hội này, nhưng việc chỉ mở cửa một phía cho Trung Quốc sẽ chỉ rút ngắn "thòng lọng" của Bắc Kinh. Việc vươn tới Hàn Quốc và Hoa Kỳ của ông Kim sẽ không chỉ xóa bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên mà còn đặt Triều Tiên vào vị thế cân bằng khi đất nước này tiến tới sự phát triển kinh tế.
Hai ông Donald Trump và Kim Jong-un trong cuộc họp thượng đỉnh lần 1 tại Singapore.
|
Với một Triều Tiên đang thay đổi, Hoa Kỳ cần phải sửa đổi và cập nhật chính sách của mình. Washington không thể chính thức thừa nhận vị thế của Triều Tiên như một quốc gia có vũ khí hạt nhân, nhưng phải công nhận rằng vấn đề hoàn toàn phi hạt nhân hóa có thể mất tới vài thập kỷ để thực thi. Các biện pháp trừng phạt hoàn toàn và áp lực tối đa đã và sẽ không thể buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân vì Trung Quốc có cả nhu cầu và khả năng giữ cho Bình Nhưỡng không bị sụp đổ. Việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn của Triều Tiên vẫn là một khát vọng dài hạn, nhưng đó sẽ là sản phẩm phụ của một chính sách liên kết thành công, chứ không phải là một điều kiện để Bình Nhưỡng bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Washington nên theo đuổi chính sách về một cam kết và được duy trì và bảo hộ với Triều Tiên, một chính sách liên tục thích ứng với sự phát triển của bán đảo Triều Tiên và rộng hơn là của khu vực Đông Á với mục đích hình thành cán cân quyền lực khu vực có lợi hơn cho Hoa Kỳ trong việc cạnh tranh lớn hơn và dài hạn hơn với Trung Quốc. Bản chất của việc duy trì chính sách này là để giữ các cuộc đàm phán, xây dựng lòng tin với Triều Tiên. Nhưng việc giữ kết nối với Triều Tiên không loại trừ áp lực và những hình phạt để bảo vệ Hoa Kỳ không bị Triều Tiên lợi dụng.
Chính sách này cũng không đưa ra bất kỳ sự nới lỏng nào trong liên minh quân sự giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Thật vậy, Triều Tiên sẽ phải nhận ra rằng, như năm 2000 khi ông Kim Jong Il đã nói với Ngoại trưởng Madeleine Albright, rằng sự hiện diện của quân đội hoa Kỳ tại Hàn Quốc là một đội quân ổn định cho Châu Á.
Cam kết được duy trì và bảo vệ được tiếp cận theo 3 lộ trình trong đó một lộ trình có kết quả tích cực sẽ thúc đẩy những lộ trình khác có sự tiến bộ. Về lộ trình kiểm soát vũ khí, chính sách khuyến khích, thuyết phục và khi cần thiết, gây áp lực buộc Triều Tiên phải giảm kho vũ khí hạt nhân và tên lửa xuống tới mức độ răn đe tối thiểu. Tùy thuộc vào mức độ tin tưởng giữa Triều Tiên với các nước láng giềng và Hoa Kỳ, khả năng răn đe tối thiểu của Triều Tiên có thể hoặc không cần thiết đến sở hữu vũ khí hạt nhân.
Về mặt chính trị, Hoa Kỳ nên quyết định một cách nhanh chóng nhưng theo từng giai đoạn để bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên. Chính sách này thúc đẩy sự hòa giải và xây dựng niềm tin giữa Triều Tiên với những đối thủ hiện tại, bao gồm Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này có thể vươn xa hơn việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và tiến tới một hiệp ước hòa bình hữu nghị giữa Triều Tiên với Hoa Kỳ. Nó khuyến khích các hiệp ước tương tự giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thành tựu của Kim Jong-un trong việc khiến Hoa Kỳ từ một kẻ thù trở thành một người bạn và cải thiện cuộc sống của người dân Triều Tiên - Nên thay thế niềm tự hào của Triều Tiên trong lĩnh vực quân sự như là phương thức chính để ông Kim hợp pháp hóa sự lãnh đạo chính thống của mình. Việc chấm dứt tuyên truyền chống Mỹ cũng nên là một điều kiện trong việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Chính sách này dự kiến một hiệp ước hoàn toàn không gây hấn và quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển giữa Hoa Kỳ, Nam Hàn, Nhật Bản với Bắc Hàn.
Trên lộ trình kinh tế, việc nới lỏng các lệnh trừng phạt nên được tiến hành với việc cắt giảm vũ khí của Triều Tiên. Tại vài điểm trên con đường này, các lệnh trừng phạt có thể được gỡ bỏ hoàn toàn mà không cần đến việc hoàn toàn phi hạt nhân hóa. Nhìn xa hơn, chính sách này thúc đẩy hội nhập kinh tế liên Triều như một trụ cột của hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Hoa Kỳ và Triều Tiên nên bắt đầu đàm phán về quan hệ thương mại thông thường và khung thỏa thuận về thương mại và đầu tư. Tùy thuộc vào tình hình hiện tại, chính sách này coi thương mại và đầu tư đôi khi là phần thưởng, đôi khi là thứ kích hoạt, việc kiểm soát vũ khí và hòa giải chính trị.
Khi Kim Jong-un và Donald Trump đến Việt Nam để tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vào cuối tháng này, họ sẽ thấy một ví dụ sinh động về cách Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, việc cải cách kinh tế, cải thiện nhân quyền và quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ có thể cùng tồn tại. Lịch sử quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong ba thập kỷ qua đã chỉ ra rằng cam kết là chính sách đúng đắn để biến cựu thù thành bè bạn. Cam kết đôi khi phản tác dụng không phải vì đó là một chính sách sai mà vì nó được áp dụng sai tình huống.
Cam kết như vậy đã thất bại trong việc biến Trung Quốc thành một người bạn thực sự của Hoa Kỳ và thay vào đó giúp cho đất nước này trở thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ. Bởi quy mô khổng lồ của Trung Quốc đã cho phép Bắc Kinh bỏ đi nhiều cơ chế liên kết và tham vọng thay thế Hoa Kỳ trở thành cường quốc vượt trội ở Châu Á. Việt Nam và Triều Tiên không có quy mô hay tham vọng như Trung Quốc. Thị trường của Việt Nam và Triều Tiên cũng không lớn đến mức không thể thiếu. Tham vọng của họ cũng không phải là để "hất cẳng" Mỹ. Thay vào đó, họ giới hạn trong sự phát triển kinh tế và độc lập dân tộc.
Triều Tiên là một cơ hội về địa chính trị núp dưới bóng một mối đe dọa về an ninh. Hoa Kỳ không nên bỏ lỡ cuộc chiến lớn hơn tại Châu Á bằng việc tranh đấu với Triều Tiên.