Hiệp hội "chê" cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu mới

VietTimes -- Liên tiếp trong vài ngày, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) hai lần gửi văn bản kiến nghị đến Thủ tướng nêu một số bất cập trong cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu hiện hành. Đến nỗi Chính phủ cũng phải "hỏa tốc" yêu cầu các bộ ngành liên quan xem xét
Hiệp hội "chê" cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu mới

Lý do VINPA kiến nghị là cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu mới "được" Bộ Tài chính áp dụng theo phương pháp bình quân gia quyền đã  tạo ra tới 3 bất cập mới.

Một là "phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế doanh nghiệp phải nộp với mức thuế bình quân". Hai là "ảnh hưởng trực tiếp tới Cty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn" (lọc dầu Dung Quất - PV), và ba là "tạo ra sự không minh bạch cũng như thiếu cơ sở pháp lý trong điều hành xăng dầu".

Theo đó, từ ngày 21-3, Bộ Tài chính áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo thực tế nhập khẩu hàng quý, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau. Hiện mức thuế nhập khẩu đang áp dụng để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng, 2,32% đối với diesel và 0% đối với dầu hỏa và madut.

Hiện Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết hiệp định thương mại với ASEAN và Hàn Quốc. Theo đó, thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN ở mức 20% và dầu là 0%; tương tự, đối với Hàn Quốc là  10% và 5%. Trong khi đó, phần lớn xăng dầu nhập khẩu về Việt Nam xuất phát từ thị trường ASEAN và Hàn Quốc.

Như vậy, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc sẽ chỉ phải nộp thuế nhập khẩu 10%; trong khi đó mức thuế nhập khẩu để tính giá bán lẻ cơ sở vẫn ở mức hơn 18%.

Tức là, cách tính thuế nhập khẩu mới vẫn không khắc phục được chênh lệch giữa thuế nhập khẩu và mức thuế nhập khẩu cơ sở để tính giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Trong khi đây chính là kẽ hở khiến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã trục lợi hàng nghìn tỷ đồng thời gian qua

Từ đây, VINPA đề nghị Thủ tướng cho phép giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi - ngang với các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Từ đó triệt tiêu khả năng tạo ra chênh lệch thuế nhập khẩu và căn cứ tính giá bán lẻ cơ sở

Đồng thời, VINPA cũng đề xuất điều chỉnh mức thuế nhập khẩu của lọc hóa dầu Dung Quất tương tự như mức đề xuất với xăng dầu nhập khẩu (xăng từ 20% xuống 10%, dầu và xăng máy bay JetA1 về 0%) để từ đó tạo mặt bằng cạnh tranh lành mạnh cho sản phẩm của lọc dầu trong nước