Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Trong báo cáo phân tích xu hướng biến động của tỷ giá VND/USD đến hết năm 2020, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết dịch Covid-19 đang diễn ra tại Âu Châu và Mỹ đã và đang đe dọa gây ra một đợt suy thoái kinh tế trên toàn cầu. Do đó, các nhà đầu tư đang tìm đến USD như là một kênh trú ẩn an toàn nhất.
Các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu và kể cả vàng đều có xu hướng giảm giá rất mạnh đang xác nhận xu hướng chủ đạo này.
Tài sản trú ẩn cũng bị bán tháo, tại sao? |
Theo thống kê của MBS, bắt đầu từ giữa tháng 3/2020, tỷ giá VND/USD có dấu hiệu tăng khá mạnh.
Tính đến ngày 24/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.259 VND/USD, tăng khoảng 100 VNĐ so với tuần trước.
Giá USD tự do ở mức: 23.600 - 23.800 đồng (mua – bán), tăng hơn 300 VND so với tuần trước trước đó. Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức: 23.340 đồng - 23.760 đồng (mua - bán), tăng 350 đồng ở cả hai chiều bán ra so với tuần trước đó.
Như vậy có thể thấy tỷ giá VND/USD đã có xu hướng tăng khá mạnh tại tất cả các kênh với ức tăng 1.7 – 2% so với thời điểm đầu tháng 3/2020.
Diễn biến tỷ giá VND/USD trong tháng 3/2020 (Nguồn: MBS, Bloomberg)
|
Thêm nữa, áp lực giảm giá của VND còn đến từ diễn biến lạm phát của Việt Nam. Theo MBS, phần lớn thời điểm lạm phát của Việt Nam cao hơn lạm phát tại Mỹ trong các năm vừa qua.
Cụ thể, chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ trong các năm trước giao động trong khoảng - 0.6% đến 2.9%.Chênh lệch lạm phát thấp khiến áp lực mất giá của VND so với USD đã giảm đi đáng kể và từ năm 2014 đến đầu năm 2020.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát của Việt Nam đã tăng lên kể từ các tháng cuối năm 2019 đến các tháng đầu năm 2020. CPI bình quân hai tháng đầu năm 2020 tăng 5,91% so với bình quân cùng kỳ 2019.
Trong đó CPI tháng 2 tăng 1,06% so với tháng 12.2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước - tốc độ tăng của cả hai chỉ số CPI vẫn tiếp tục cao nhất trong 7 năm qua.
Chênh lệch lạm phát của Mỹ và Việt Nam thời điểm hiện tại đã tăng lên khá cao (2.3% so với 5.4%) với mức chênh lệch là 3.1%.
“Mức chênh lệch cao này đang tạo nên kỳ vọng giảm giá của VND mạnh hơn so với bình thường, khiến áp lực lên tỷ giá VND/USD tăng lên” - báo cáo nêu.
MBS dự báo, trong tháng 3 và tháng 4 tới, lạm phát tại Việt Nam sẽ suy giảm khi nhiều nhóm hàng hóa sẽ giảm giá bao gồm xăng dầu (giảm do giá thế giới giảm), thực phẩm giảm giá (do nguồn cung thịt lợn phục hồi trở lại), dịch vụ vui chơi ăn uống ngoài gia đình (do sức cầu thấp) do đó mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ dự kiến sẽ thu hẹp qua đó làm giảm áp lực lên VND.
Dù áp lực vẫn còn, song MBS đánh giá mức lạm phát tại Việt Nam hoàn toàn có khả năng giảm về mức dưới 3.5% trong năm 2020.
Dự kiến Mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ cuối năm 2020 sẽ giao động quanh mức 2%. Do đó, dựa trên lý thuyết ngang giá sức mua có thể dự đoán VND sẽ chỉ mất giá khoảng 2%/năm so với đầu năm.
Về cung cầu USD trong nước, MBS cho biết, dự trữ ngoại hối ước đạt 79 tỷ USD đã đạt gần 4 tháng nhập khẩu và cao hơn đáng kể so với mức nợ ngoại tệ ngắn hạn của nền kinh tế là 21,9 tỷ USD do đó hỗ trợ mạnh mẽ cho sự ổn định tỷ giá VND/USD trong tương lai.
Theo quan điểm của bộ phận nghiên cứu vĩ mô, xét về dài hạn trong các tháng tới cho đến hết năm 2020, tỷ giá VND/USD có thể giữ ổn định với các yếu tố cơ bản đều thuận lợi.
“Xu hướng chung vẫn là VND sẽ giảm giá so với USD và có những thời điểm mức giảm có thể trên 3% so với đầu năm. Tuy nhiên, vào cuối năm với mức độ điều chỉnh sẽ chỉ khoảng 2%/năm do các yếu tố hỗ trợ sức mạnh của USD sẽ suy giảm” - MBS dự báo./.