Chiều 17/12, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương vừa công bố kết quả đăng ký tham gia chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Tính đến 16h, ngày 17/12 – thời điểm hết hạn đăng ký, chỉ có 2 nhà đầu tư trong nước, gồm 1 NĐT tổ chức và 1 NĐT cá nhân tham gia chào bán cạnh tranh cổ phần Nhà nước tại Sabeco.
Tổng số lượng cổ phần đăng ký mua là 343.682.587 cổ phần. Thời gian nộp chiếu tham dự chào bán dự kiến là 9-14h ngày 18/12. Thời gian tổ chức chào bán là 14h30 ngày 18/12. Địa điểm tổ chức chào bán Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Trước đó, chiều 15/12, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký văn bản số 185/QĐ_CN , phê duyệt quyết định mức giá chào bán cổ phần nhà nước tại Sabeco là 320.000 đồng/cổ phiếu.
Bộ Công Thương cho biết giá khởi điểm được xác định trên nguyên tắc lấy giá cao nhất trong các mức giá sau đây:
- Mức giá tham chiếu bình quân của 30 phiên trên thị trường chứng khoán vào trước thời điểm công bố thông tin về việc bán vốn Nhà nước tại Sabeco: 281.500 VNĐ;
- Mức giá cao nhất theo định giá của tư vấn: 184.700 VNĐ;
- Giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày công bố thông tin: 320.000 VNĐ
Theo một thông báo trước đó của Bộ Công thương, Công ty TNHH Vietnam Beverage (viết tắt: VietBev- nhà đầu tư tổ chức duy nhất đăng ký mua khối lượng lớn dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phiếu đang lưu hành của Sabeco. Khối lượng cổ phần của Sabeco mà doanh nghiệp này mong muốn mua là 327,05 triệu cổ phiếu, tương ứng với 51% toàn bộ vốn điều lệ .
Theo tìm hiểu của VietTimes, VietBev mới chỉ được thành lập cách đây 2 tháng, cụ thể là ngày 06/10/2017. Với ngành nghề hoạt động kinh doanh chính được đăng ký là dịch vụ tư vấn quản lý (không bao gồm tư vấn pháp luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán), việc ra đời của VietBev có thể nói chỉ để phục vụ cho sứ mệnh đấu giá cổ phần SAB.
Mức vốn 681.663.260.000 đồng của VietBev không có nhiều ý nghĩa trong việc đặt cọc đấu giá. Để hiện thực hóa tham vọng sở hữu 51% vốn điều lệ của SAB, VietBev sẽ phải thu xếp những nguồn lực khác – lên tới hàng tỷ USD.
Nguồn lực này có lẽ không đến từ chủ sở hữu trực tiếp của VietBev trên giấy tờ, CTCP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam (F&B Alliance) – một pháp nhân được lập trước nó chỉ vài ngày và có vốn điều lệ tương đương với nó.
Nguồn lực sẽ đến từ bên ngoài biên giới. Cụ thể là Thai Beverage – hãng đồ uống khổng lồ của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi.
Thai Beverage chính là cái tên đứng sau Beerco Limited – pháp nhân mang quốc tịch Hongkong hiện đang gián tiếp sở hữu 49% cổ phần VietBev. Mức độ chi phối của tỷ phú người Thái tại VietBev có thể không chỉ dừng lại ở mức đó. Bởi chưa rõ 51% cổ phần còn lại của F&B Alliance đang thực sự được sở hữu bởi ai.
Doanh nhân người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi được biết đến là người có tham vọng rất lớn với thị trường đồ uống và thực phẩm Việt Nam.
Trước Sabeco, Charoen Sirivadhanabhakdi đã bỏ hàng tỷ đô vào thị trường bán lẻ và hàng tiêu dùng Việt, thông qua các thương vụ thâu tóm cổ phần Phú Thái Group, Metro Cash & Carry Việt Nam và đặc biệt là Vinamilk.