Hệ sinh thái “đằng sau” BBI Việt Nam

VietTimes -- Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm người đại diện pháp luật của BBI Việt Nam kể từ khi thành lập cho đến nay là ông Hồ Quốc Anh, một doanh nhân trẻ sinh năm 1990, người dân tộc Nùng. Tính tới tháng 9/2018, ông Hồ Quốc Anh góp vốn 25,13 tỷ đồng, sở hữu 71,8% cổ phần tại BBI Việt Nam.
Lễ ký kết của BBI Việt Nam và "Shark" Phạm Thanh Hưng (Nguồn: Internet)
Lễ ký kết của BBI Việt Nam và "Shark" Phạm Thanh Hưng (Nguồn: Internet)

Ứng dụng BBI Mall của CTCP Công nghệ Internet BBI Việt Nam (BBI Việt Nam) được quảng bá như tương tự như các ứng dụng thương mại điện tử phổ biến trên thị trường hiện nay như Lazada hay Shoppee.

Theo đó, BBI Việt Nam cũng sẽ thu chiết khấu của khách hàng bán sản phẩm trên ứng dụng của mình nhưng cam kết sẽ hoàn trả gấp 10 lần số tiền mình nhận chiết khấu từ người bán cho người mua. Ví dụ, BBI Mall nhận chiết khấu 10% từ người bán, thì sẽ hoàn trả 100% tiền cho người mua. Song, khách hàng không được phép rút tiền về 1 lần mà sẽ được nhận 0,05% số tiền tương ứng mỗi ngày.

Đáng chú ý, đối với ứng dụng này, người dùng có thể tạo các giao dịch ảo, tự mua tự bán, tự trả chiết khấu cho BBI Mall rồi sau đó nhận lãi mỗi ngày. Nếu đúng như quảng cáo của BBI Mall, người dùng có thể tạo giao dịch ảo và thu về mức lợi suất tương ứng lên tới 180%/năm.

Bên cạnh đó, người dùng càng lôi kéo nhiều thành viên sử dụng hệ thống, mức thưởng lợi nhuận càng cao.

Cụ thể, khi khách hàng số giới thiệu thêm 1 người dùng cho ứng dụng, lập tức được nhận 5% chiết khấu dựa trên mức chi tiêu của thành viên mà mình giới thiệu.

Nếu thành viên mới này lôi kéo thành công thêm một người dùng nữa, thì vị khách hàng giới thiệu họ sẽ được nhận 2,5% hoa hồng.

Giới hạn trả thưởng sẽ được tính tới người tham gia thứ 10. Đối với khách hàng doanh nghiệp, công thức chiết khấu tương tự như trên, tuy nhiên sẽ chỉ giới hạn tới khách hàng thứ 6.

Với mô hình trả thưởng kể trên, BBI Mall đang nhận nhiều hoài nghi là một mô hình “đa cấp biến tướng”.

Sự việc càng gây chú ý khi “Shark” Phạm Thanh Hưng xuất hiện tại nhiều sự kiện của BBI Mall. Hồi tháng 1 năm nay, ông Phạm Thanh Hưng đã xuất hiện tại lễ ra mắt ứng dụng BBI Mall. Đến tháng 3/2019, ông này ký kết thỏa thuận hợp tác và khẳng định bản thân “đã trở thành người nhà của BBI Việt Nam”.

Tuy nhiên, chi tiết về sự đóng góp của ông Hưng đối với BBI Việt Nam không được nhắc đến nhiều và bản thân ông mới đây cho biết, đã thoái vốn khỏi BBI Việt Nam.

Theo tìm hiểu của VietTimes, BBI Việt Nam được thành lập vào tháng 10/2017, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực thiết lập mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử.

Tính đến tháng 8/2018, BBI Việt Nam có quy mô vốn điều lệ là 35 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm 5 cá nhân là: Trương Lập (góp 4,2 tỷ đồng, sở hữu 12%); Nguyễn Hoàng Nhật (góp 700 triệu đồng, sở hữu 2%); Thân Văn Thoại (góp 4,2 tỷ đồng, sở hữu 12%); Hồ Quốc Anh (góp 21,7 tỷ đồng, sở hữu 62%) và Nguyễn Thị Hạnh (góp 4,2 tỷ đồng, sở hữu 12%).

Sau đó 1 tháng, bà Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1991) đã tiến hành thoái vốn tại BBI Việt Nam. Đến tháng 9/2019, bà Hạnh đã thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Thực phẩm ăn dặm thủ công mẹ gà - HMK, có quy mô vốn điều lệ 100 triệu đồng.

Ông Hồ Quốc Anh (sinh năm 1990, người dân tộc Nùng) đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện BBI Việt Nam kể từ khi thành lập.

Bên cạnh đó, ông Hồ Quốc Anh, cùng các ông Trương Lập và Nguyễn Hoàng Nhật, là các cổ đông sáng lập của CTCP Công nghệ và Truyền thông Galaxy vào tháng 11/2019, quy mô vốn điều lệ là 3 tỷ đồng. Công ty này đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất phần mềm.

Ông Nguyễn Hoàng Nhật (sinh năm 1986) còn là cổ đông sáng lập, tham gia góp 34% vốn tại CTCP Công nghệ và Truyền Thông VNDC Việt Nam - một pháp nhân mới thành lập vào tháng 3/2019, đăng ký quy mô vốn điều lệ ở mức 2 tỷ đồng.

Về ông Thân Văn Thoại (sinh năm 1984), dữ liệu của VietTimes cho thấy, tính đến tháng 11/2019, ông Thoại đang đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của BBI Việt Nam.

Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước, BBI Việt Nam còn có một vị Tổng Giám giám đốc khác là ông Thân Ninh Hoài. Ông Hoài được cho từng là "giảng viên đào tạo kinh doanh" của CTCP Đào tạo Mua bán trực tuyến MB24.

Năm 2012, MB24 bị nhà chức trách cáo buộc lợi dụng Giấy phép bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng chục ngàn người. Tới tháng 3/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định truy nã đặc biệt Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB24./.