Tên lửa Tor, được NATO định danh là SA-15 Gaunlet, là hệ thống tên lửa đất-đối-không tầm ngắn có tích hợp ống phóng tên lửa và radar vào cùng một phương tiện chuyên chở. Nó được thiết kế để có khả năng di chuyển cơ động và rất hiệu quả đối với các mục tiêu ở độ cao 6.000 m, khoảng cách 12 km - theo Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ.
Máy bay quân sự và các tên lửa hành trình - những thứ mà tổ hợp Tor được chế tạo ra để tiêu diệt - thường được trang bị khả năng tránh né radar. Chúng được trang bị các hệ thống phóng mảnh kim loại gây nhiễu radar và nhiều pháo sáng, đóng vai trò "chim mồi" cho các tên lửa tầm nhiệt săn đuổi.
Trong khi đó, máy bay gặp nạn hôm thứ Tư vừa qua, chuyến bay mang số hiệu 752 của hãng hàng không quốc tế Ukraine, là một chiếc Boeing 737-800, là máy bay dân sự nên không có trang bị phòng thủ nào. Các phi công trên máy bay khó có đủ thời gian để phản ứng trước bất kỳ tên lửa nào - ông Michael Duitsman, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, nói.
"Họ có khi còn không biết được nó (tên lửa) đang tới" - ông Duitsman nói - "Ngay sau khi cất cánh, các phi công chắc hẳn rất bận rộn với những việc khác".
Để tấn công một mục tiêu, những người điều khiển Tor cần phải nhận dạng mục tiêu trên màn hình radar và ra lệnh phóng tên lửa.
Các máy bay thương mại được trang bị phát đáp tín hiệu (Transponder) - đó là các bộ thu phát sóng radio để phát đi nhận dạng của máy bay, tốc độ, độ cao theo một tần số được quốc tế quy định. Có một vài máy bay dân sự ở khu vực xung quanh khi chuyến bay 752 gặp nạn ở vị trí cách sân bay vài km. Tất cả số máy bay đó chắc chắn cũng hiện trên màn hình radar của tổ hợp tên lửa Tor cũng như màn hình radar dân sự tại sân bay.
Một cựu quan chức phòng không châu Âu, người hiểu rõ về công nghệ phòng thủ tên lửa, nói rằng trong trường hợp lý tưởng nhất, kế hoạch chuyến bay và mã báo động (Transponder Code) của mọi chuyến bay dân sự sẽ được chia sẻ với các đơn vị quân đội đóng gần một sân bay. Điều này cho phép những người vận hành tổ hợp tên lửa phòng thủ nắm được các vật thể xuất hiện trên radar quân sự của họ, cùng với mã thu phát tín hiệu.
"Bắn hạ một máy bay thù địch rất dễ" - vị quan chức giấu tên nói - "Nhưng việc nhận diện máy bay và tránh bắn nhầm máy bay phe mình mới khó".
Các tên lửa Tor được định hướng bởi radar và bay với vận tốc lớn gấp 3 lần vận tốc âm thanh. Điều đó có nghĩa rằng, một khi đã được phóng vào một mục tiêu cách đó chỉ 5 km, chúng sẽ đáp trúng mục tiêu chỉ trong vòng 5 giây. Các tên lửa Tor có một đầu đạn nhỏ - chứa khoảng 15 kg thuốc nổ mạnh - nhưng được thiết kế để tránh bung ra các mảnh vỡ kim loại - giống như những viên đạn - vào một mục tiêu khi phát nổ.
Sơ đồ vị trí máy bay gặp nạn gần sân bay Tehran, Iran (Ảnh: AFP)
|
Tor là một trong số những hệ thống phòng không hiện đại nhất mà Iran sở hữu; ông Duitsman nói, và có thể tấn công 2 mục tiêu cùng lúc, mỗi lần phóng 2 tên lửa. Khi Iran mua hệ thống này từ Nga vào khoảng giữa những năm 2000, họ đã khiến Mỹ hết sức quan ngại về thương vụ này.
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay dữ liệu thu được từ vụ tai nạn mới đeây cho thấy máy bay của Ukraine chỉ mới bay được khoảng 2 phút thì xuất hiện tín hiệu nhiệt của 2 tên lửa đất-đối-không.
Một vụ nổ xảy ra sát máy bay ngay sau đó; vị quan chức cho hay. Có ít nhất 1 đoạn video được các hãng truyền thông đăng tải cho thấy chiếc máy bay đã bốc cháy trước khi lao xuống mặt đất. Tờ New York Times cũng có bài viết cho rằng họ đã xác thực đoạn video này, chỉ ra rằng một tên lửa của Iran đã bắn hạ máy bay gần khu vực sân bay quốc tế ở Tehran, Iran.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu