Sự việc “Delay chuyến bay hơn 200 hành khách để… chờ một hành khách” đang nhận được sự quan tâm lớn của công chúng.
Dư luận đã nêu ra nhiều vấn đề băn khoăn xung quanh câu chuyện, với mong muốn các bên liên quan giải thích, làm rõ. Không chỉ là trên mạng xã hội, câu chuyện cũng đã được đưa tới cả hành lang Quốc hội.
“Có khả năng đây là vấn đề tình cảm, hoặc liên quan đến vấn đề khác. Qua thông tin như vậy, đề nghị cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt hãng hàng không và Bộ Giao thông Vận tải xem xét, điều tra, kiểm tra để xác định trách nhiệm và xử lý vụ việc”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng Ban Dân nguyện, đại biểu tỉnh Bến Tre) chia sẻ với truyền thông bên hành lang Quốc hội sáng 30/5.
Trong nhiều câu hỏi được đặt ra, dư luận cũng mong muốn được làm rõ danh tính của vị hành khách đặc biệt – người đã khiến 215 hành khách còn lại (chưa kể phi hành đoàn) phải chờ đợi.
Việc P.TGĐ phụ trách thương mại của Vietnam Airlines (VNA) Lê Hồng Hà là người yêu cầu delay chuyến bay để chờ hành khách trên (theo biên bản sự việc) và cách bố trí hai chuyến bay nối cận giờ đến bất ngờ, khiến công chúng đặt vấn đề về “tầm ảnh hưởng” của nhân vật này.
Cái tên "Do Truong Minh" của hành khách hạng thương gia trên chuyến bay VN31 khiến nhiều người đoán già đoán non đến CEO Đỗ Trường Minh của Tập đoàn Bảo Việt. Nhưng liệu có phải vậy? (Ảnh: Internet)
|
Khi ấy, với tên hành khách được ghi nhận là Do Truong Minh, sự chú ý được đổ dồn vào lãnh đạo của một tập đoàn lớn. Trên mạng xã hội nhiều người đoán già đoán non, rằng đấy là ông Đỗ Trường Minh – Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt, doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất Việt Nam và hiện do Bộ Tài chính sở hữu 72% vốn điều lệ.
Tuy nhiên cần thiết phải nói rằng, đó là những suy đoán chưa đủ cơ sở vững chắc.
Việt Nam chắc phải có ngàn vạn người có tên “Do Truong Minh”. Số người có khả năng book vé hạng thương gia trong các chuyến bay có thể ít hơn, nhưng hẳn cũng không hiếm. Còn về chuyện được yêu cầu delay chuyến bay để chờ, xin nhấn mạnh, nếu có lý do chính đáng, thì hành khách “Do Truong Minh” nào (và kể cả có tên là gì đi chăng nữa) cũng xứng đáng được chờ, mà chưa chắc đã cần đến mức P.TGĐ VNA phải ra yêu cầu.
Thực tế, không khó để chỉ ra những người thành đạt có tên Đỗ Trường Minh, chẳng hạn như ông Giám đốc Văn phòng đại diện một tập đoàn thiết bị điện lớn của Đức tại Hà Nội. Tập đoàn này có trụ sở tại Đức, vậy sao công chúng không nghĩ đến vị Giám đốc đại diện này.
Chiều qua 30/5, một tạp chí đã dẫn lời lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt phủ nhận thông tin Tổng Giám đốc Đỗ Trường Minh là một người đi trên chuyến bay VN31, vị này khẳng định ông Minh vẫn ở Hà Nội. Thông tin này sau đó đã được hàng loạt tờ báo dẫn lại. Nhưng khá bất ngờ là chỉ ít tiếng sau, nó đã được các báo đồng loạt gỡ bỏ.
Chi tiết truyền thông này lại càng khiến sự chú ý vào vị Tổng Giám đốc Bảo Việt được hội tụ thêm.
Lịch đến của chuyến bay VN279 vào 22h15, còn lịch khởi hành của VN31 vào 22h30 cùng ngày, tức là chỉ cách nhau có 15 phút. (Nguồn ảnh: VNA)
|
Để làm rõ thêm những băn khoăn, PV VietTimes đã thử liên hệ tới số điện thoại của Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt Đỗ Trường Minh nhưng không được bắt máy, nỗ lực nhắn tin sau đó cũng không có phản hồi.
Thông tin mà VietTimes thu thập được vào cuối giờ chiều nay cho thấy, hành khách “Do Truong Minh” khiến chuyến bay VN31 phải delay 33 phút (theo thống kê của VNA) có giới tính nam, sinh ngày 23/6/1971 và có số hộ chiếu là C52****9.
Đăng ký kinh doanh mới nhất của Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận người đại diện theo pháp luật của công ty – Tổng Giám đốc Đỗ Trường Minh – vừa hay cũng sinh ngày 23/06/1971.
Song đăng ký này chỉ nêu số thẻ căn cước công dân, chứ không nêu số hộ chiếu, nên cũng chưa thể khẳng định chính thức rằng hành khách “Do Truong Minh” mà dư luận và truyền thông đang quan tâm có phải là Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt Đỗ Trường Minh hay không.
Một số băn khoăn quanh câu chuyện “Delay chuyến bay hơn 200 hành khách để… chờ một hành khách” |
Cũng nên nhắc lại thông tin mà Vietnam Airlines đã chia sẻ: “Trong các trường hợp hành khách nối chuyến bị ảnh hưởng do chuyến bay trước đó đến chậm, Vietnam Airlines sẽ căn cứ theo thực tế chủ động điều chỉnh thời gian chuyến bay nối chuyến để hỗ trợ hành khách thực hiện hành trình tiếp theo. Đây cũng là thông lệ đang được các hãng hàng không trên thế giới áp dụng, đặc biệt đối với hành khách nối chuyến đi tiếp trên các chuyến bay quốc tế đường dài”.
Như vậy có thể hiểu, việc delay một chuyến bay để chờ hành khách nối chuyến đến không có gì là bất thường, nếu việc khách đến muộn có một lý do chính đáng và hợp lý. Nhưng ở đây, như VietTimes đã đề cập, trong hành trình nối chuyến thì lịch đáp của chuyến bay trước và lịch khởi hành của chuyến bay sau nên cách nhau quảng thời gian bao nhiêu là phù hợp. Khoảng cách 15 phút như trong trường hợp của khách hạng thương gia “Do Truong Minh” là đã chuẩn chưa (?), cũng như trong thời gian ấy, hành khách có đủ để đáp ứng việc di chuyển và thực hiện các thủ tục kiểm tra an ninh, xuất cảnh cần thiết (?!).
Thứ nữa, cũng cần hiểu, sự việc delay nếu có không hợp lý thì trách nhiệm chính cũng ở phía hãng, chứ không phải là khách hàng.
8 phút Theo thông tin chính thức từ Vietnam Airlines, chuyến bay VN279 hành trình Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh hạ cánh chậm 32 phút so với lịch bay ngày 28/5/2019. Trước đó, lịch hạ cánh của chuyến bay này là 22h15. Như vậy, thời điểm VN279 hạ cánh xong để hành khách có thể di chuyển xuống tàu sớm nhất cũng phải là 22h47. Theo biên bản sự việc delay, hành khách Do Truong Minh được xác định là ra tới tàu bay lúc 22h55. Như vậy, tổng thời gian để ông Minh chuyển từ chuyến từ VN279 sáng VN31 là 8 phút. 8 phút vừa để di chuyển vừa hoàn thành các thủ tục cần thiết khác cho việc bay sang Đức, phải nói là khá khẩn trương! |
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu