Đây chắc chắn không phải một động thái quá bất ngờ: Ông Trump từng đánh tín hiệu sẽ rút vài nghìn binh sĩ khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, nỗ lực mới nhất nhằm giảm sự can thiệp của quân đội Mỹ tại Afghanistan xuất hiện ngay trong thời điểm mà Washington tranh cãi nảy lửa về thứ mà họ đã đạt được trong suốt 18 năm tham chiến ở quốc gia này.
Những con số thống kê đã tự nói lên tất cả. Kể từ năm 2001, Mỹ đã chi gần 133 tỷ USD vào công cuộc tái thiết Afghanistan, nhưng đó cũng chỉ là con số nhỏ nếu xét về khoản tiền 2 nghìn tỷ USD mà Mỹ đã chi để thực hiện các chiến dịch quân sự ở Afghanistan.
Cái giá quá đắt với các bên
Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan (Ảnh: API)
|
Tổn thất về nhân mạng còn đáng bàn hơn. Có khoảng 2.300 binh sĩ Mỹ đã chết ở Afghanistan, trong khi người Afghanistan cũng phải trả giá đắt: Hơn 58.000 binh sĩ và cảnh sát Afghanistan bị chết trong cuộc xung đột, cùng với 38.000 thường dân. Theo ước tính, có 42.000 phiến quân chống chính phủ bị tiêu diệt.
Mặc dù đã phải trả một cái giá quá đắt như vậy, nhưng những gì Mỹ đạt được lại quá ít ỏi để có thể tuyên bố chiến thắng. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã chỉ ra con số trên 3,5 triệu bé gái Afghanistan được nhập học như một sự thành công, hay hơn 1.200 dặm đường sắt đã được xây dựng, trong đó có một vành đai kết nối nhiều tỉnh lị của nước này. Thủ đô Kabul giờ tràn ngập tầng lớp trung lưu, trong khi các hãng truyền thông địa phương được hưởng nền tự do báo chí mà các nước lân bang khó có được.
Thế nhưng chính phủ trung ương ở Kabul vẫn không ổn định. Phiến quân Taliban - bị tước đoạt quyền lực do chiến dịch quân sự mà Mỹ dẫn đầu cùng chiến dịch mà CIA thực hiện vào năm 2001 - đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, tăng cường sự kiểm soát của chúng đối với nhiều vùng lãnh thổ trên khắp cả nước. Các lực lượng của chính phủ Afghanistan liên tục hứng chịu tổn thất do các cuộc chiến căng thẳng.
Nhiều bài viết mang tính điều tra do tờ Washington Post đăng tải mới đây cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về các mục tiêu dài hạn trong chiến lược của Mỹ ở Afghanistan.
Công bố một tài liệu có tên "Hồ sơ Afghanistan" mới đây, Washington Post đã vạch trần sự thất bại của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh ở Afghanistan, trong việc ngăn chặn hoạt động buôn bán ma túy và xây dựng một nhà nước vận hành trơn tru.
Sự vô năng và nạn tham nhũng trong chính phủ Afghanistan, cùng với việc Mỹ hậu thuẫn một số thủ lĩnh chiến binh gây tranh cãi ở địa phương cũng được nêu trong hồ sơ này. Hồ sơ của Washington Post cũng dẫn lại các cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) cho thấy các quan chức quân sự và ngoại giao của Mỹ thường đưa ra đánh giá quá lạc quan về tiến trình Afghanistan.
Nói tóm lại, dường như giới chức Mỹ thường xuyên đưa ra những đánh giá thổi phồng về khả năng chiến đấu độc lập của chính phủ Afghanistan mà không cần nguồn viện trợ của Mỹ.
Chính phủ Afghanistan có thể sụp đổ nếu Mỹ rút quân
Tổng thống Trump trong chuyến thăm binh sĩ Mỹ tại Afghanistan nhân dịp Lễ Tạ ơn (Ảnh: API)
|
Một trong số những nguyên nhân của vấn đề là thái độ kiểu "mọi thứ đều có thể đạt được" của quân đội Mỹ: Họ tiếp nhận một sứ mệnh tái thiết đất nước vốn vượt xa mục đích ban đầu của họ là đánh bại Taliban, ngăn chặn Afghanistan trở thành nơi trú ẩn của al-Qaeda. Mỹ thực tế hiểu rất ít về quốc gia này, sự đa dạng sắc tộc của nó hay lịch sử của các phe phái chủ chốt.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng việc Mỹ rút quân có thể gây nên sự sụp đổ của chính phủ trung ương Afghanistan. Một ví dụ điển hình là chính phủ của ông Mohammad Najibullah ở Afghanistan trước kia chỉ đủ sức chống chịu các chiến binh thánh chiến trong khoảng 3 năm sau khi Liên Xô rút quân. Nga khi Liên Xô sụp đổ và các nguồn viện trợ từ Moscow cạn kiệt, chính phủ của ông Najibullah cũng nhanh chóng sụp đổ.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump đã xác nhận với CNN rằng Mỹ có kế hoạch rút khoảng 4.000 binh sĩ khỏi Afghanistan - tức 1/3 trong tổng số 12.000 - 13.000 binh sĩ hiện đang đóng tại Afghanistan. Nhưng quá trình rút quân thực tế đã được thực hiện từ lâu.
Cách đây khoảng 1 thập kỷ - ngày 1/12/2009 - Tổng thống Barack Obama tuyên bố kế hoạch tăng binh sĩ Mỹ ở Afghanistan lên 100.000 quân vào khoảng giữa năm 2010. Lúc bấy giờ Afghanistan được mô tả là một cuộc xung đột bị lãng quên sau khi Tổng thống George W. Bush quyết định tham chiến ở Iraq vào năm 2003.
Trên thực tế, các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan được bắt đầu như một chiến dịch thay đổi chế độ, nhưng sau bị biến thành các nhiệm vụ có cái kết mở. Và việc chấm dứt các cuộc chiến này rõ ràng khó khăn hơn là bắt đầu chúng.
Và hiện nay, khi mà năm 2019 sắp qua đi, Mỹ lại tăng cường các nỗ lực nối lại đàm phán hòa bình với Taliban.
Tuần trước, ông Zalmay Khalilzad - Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề tái hòa giải Afghanistan - đã tới thăm Islamabad để thảo luận về tình hình đàm phán Mỹ-Taliban. Trong cuộc họp tại Doha (Qatar), ông Khalilzad giải thích rằng các vòng đàm phán với Taliban "tạm dừng" để cho phép Taliban tham vấn với các thủ lĩnh của họ về sự cần thiết phải "thể hiện thiện chí đối với khát vọng hòa bình của Afghanistan".
Cần nhớ rằng, việc tái khởi động các vòng đàm phán được đưa ra sau một thất bại trong hòa đàm với Taliban do chính quyết định của Tổng thống Trump. Tháng 9 năm nay, ông Trump bất ngờ tuyên bố hủy đàm phán với Taliban, sau khi tổ chức này nhận trách nhiệm vụ tấn công ở Kabul khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có 1 binh sĩ Mỹ. Nhưng trong chuyến thăm binh sĩ Mỹ ở Afghanistan hịp Lễ Tạ ơn vừa qua, ông Trump lại đưa ra một thông tin bất ngờ khác: Hòa đàm với Taliban đã được khởi động lại.
Ông Trump không khởi động cuộc chiến này, nhưng chắc chắn muốn nó có một kết cục tốt đẹp để ghi vào di sản của ông.