“Mỹ dự kiến sẽ triển khai Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn Cuối (THAAD) trong trường hợp khẩn cấp tới Bán đảo Triều Tiên”, nguồn tin quân đội trên tiết lộ với hãng thông tấn chính thức Hàn Quốc Yonhap.
Theo Yonhap, hiện Washington vẫn duy trì khoảng 28.500 binh lính trên đất liền của Hàn Quốc, một trong những biện pháp hỗ trợ quân sự của Mỹ đối với Hàn Quốc trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, đến nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều giữa các chính trị gia Hàn Quốc xung quanh việc có nên cho phép đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hay không. Nhiều chính trị gia lo ngại rằng sự hiện diện của nó có thể làm suy yếu chủ quyền đất nước.
Về phần mình, phía Mỹ luôn đưa ra lập luận nhằm trần an các nghi ngại của Hàn Quốc, khẳng định, việc xây dựng một lá chắn tên lửa trên bán đảo Triều Tiên, ở Hàn Quốc hoàn toàn chỉ nhằm mục đích phòng vệ.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng phản đối việc triển khai AN / TPY-2, một hệ thống cảnh báo tên lửa sớm có thể phát hiện các mối đe dọa ở khoảng cách lên đến 2.000 km, trong đó bao gồm các cơ sở quân sự của Trung Quốc.
“Quân đội chúng tôi đã có hệ thống cảnh báo tên lửa của mình, Đó là hệ thống Green Pine với tầm bắn 600 km, vì vậy chúng tôi không cần tới AN/TPY-2”, một nguồn tin chính phủ Hàn Quốc khẳng định
THAAD là viết tắt của cụm từ Terminal High Altitude Area Defense (hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối). Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Chương trình THAAD được khởi xướng vào năm 1987, sau khi Mỹ nhận ra rằng hệ thống tên lửa Patriot không đủ khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật tinh vi.
THAAD được thiết kế và phát triển bởi Lockheed Martin. Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm: 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2 cùng một xe trung tâm điều khiển di động và 2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC (“trái tim” của mỗi trung tâm là hệ thống xử lý dữ liệu Hewlett-Packard HP-735).
Trong đó, AN/TPY-2 là một radar mạng pha hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000km.
Khi chiến đấu, "mắt thần" AN/TPY-2 sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện mục tiêu (các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung). Nó cũng có thể tiếp nhận thông số về mục tiêu từ các hệ thống radar phòng thủ tên lửa đạn đạo khác. Sau đó, hệ thống dữ liệu chiến đấu sẽ tính toán các thông số về mục tiêu và kích hoạt tên lửa đánh chặn.
Ngoài ra, mỗi hệ thống tên lửa THAAD có chứa tám tên lửa đánh chặn và được bắn từ một bệ phóng gắn trên xe cơ động.
THAAD được trang bị công nghệ đánh chặn “hit-to-kill” (truy đuổi - tiêu diệt) tương tự như công nghệ được trang bị trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Đạn tên lửa có chiều dài 6,17m, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn điều khiển bằng lực đẩy vector. Tên lửa có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 150-200km, tầm cao 25km.
Giai đoạn tiếp cận tên lửa địch, THAAD sử dụng module đánh chặn được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại để truy theo mục tiêu. Tên lửa tiêu diệt mục tiêu bằng động năng từ vụ va chạm tốc độ cao, không sử dụng đầu đạn chứa thuốc nổ như tên lửa thông thường.
Trong những lần thử nghiệm, THAAD đã chứng minh khả năng tương thích dữ liệu mục tiêu cùng với hệ thống đánh chặn Aegis và Patriot PAC-3.
THAAD cùng với Aegis, Patriot PAC-3 tạo nên hệ thống đánh chặn 3 tầng. Trong đó, hệ thống Aegis chống mục tiêu ở tầm cao, THAAD ở tầm trung và PAC-3 ở tầm ngắn. Chúng thiết lập nên “cái ô che chắn” cho Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của đối phương.
Theo: VnMedia