Ngày 7/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 3 (Yagi) đang tiến gần vào khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Ninh.
Sức gió mạnh mạnh nhất ghi nhận đến 10h20 ở Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 15; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 14; Thành phố Hải Phòng cấp 7, giật cấp 9; Thái Bình cấp 7, giật cấp 10; TP Hải Dương cấp 6, giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tại Hà Nội bắt đầu có mưa nhẹ do ảnh hưởng của hoàn lưu phía trước cơn bão Yagi.
Đến khoảng 9h cùng ngày, mưa bắt đầu nặng hạt và gió mạnh lên từng đợt. Các tuyến đường của thủ đô vắng bóng xe cộ qua lại do vào ngày cuối tuần, nhiều nơi cho học sinh nghỉ học, người lao động nghỉ làm để tránh bão.
Để phòng chống bão số 3, người Hà Nội áp dụng nhiều biện pháp. Đáng chú ý, một số cửa hàng trên đường Phạm Văn Đồng dùng xe container chặn trước cửa, phòng gió giật vỡ kính. Việc chằng chống, buộc kỹ cửa kính cũng được nhiều nơi áp dụng. Cách đó không xa, một cửa hàng khác dùng xe container chắn cả hai phía đón gió với mục đích tương tự. Nhiều biện pháp khác giúp giữ chắc cửa kính cũng được áp dụng.
Không chỉ vậy, những khu chung cư trên địa bàn Hà Nội cũng có nhiều biện pháp để chống bão.
Tại chung cư Linh Đàm, quận Hoàng Mai, lo ngại khi bão đổ bộ vào đất liền gây mưa to khiến hầm để xe bị ngập, nhân viên Ban quản lý khu nhà ở HH Linh Đàm, đã bê bao cát, sử dụng bàn ghế… để chặn cửa tầng hầm. Nhiều nguời dân trong chung cư cũng dùng băng dính dán lại cửa sổ tránh gió.
Trong sáng nay, nhiều cơ quan, trường học cũng cho người lao động, học sinh nghỉ học phòng tránh bão. Các xã, phường trên địa bàn cũng đưa ra cảnh báo, đề nghị người dân thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình, diễn biến của bão.
Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, nơi kiên cố an toàn, không đi ra ngoài khi bão đổ bộ. Nếu buộc phải đi ra ngoài, nên mang theo các vật dụng cần thiết như đèn pin, áo phao, còi, điện thoại khi có sự cố.
Công an Hà Nội, cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) sẽ đổ bộ vào miền Bắc trong ngày 7/9. Do ảnh hưởng của bão, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc sẽ xảy ra mưa to và gió giật mạnh, đi kèm với hiện tượng sét đánh.
Để đảm bảo an toàn, Công an Hà Nội phát đi khuyến cáo trong quá trình tham gia giao thông, người dân cần chú ý quan sát các biển báo, nhất là biển báo nguy hiểm, biển báo dừng xe và các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lý các sự cố, tránh gây tai nạn.
Đồng thời, tài xế cần chú ý quan sát các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lý bởi khi gió lớn, nhiều biển bạt, mái tôn, cành cây có thể bị rơi xuống lòng đường, quan sát đường đi của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.
Người dân hạn chế di chuyển trên cầu cao vào những ngày có gió giật mạnh. Nguyên nhân là càng trên cao sức gió càng mạnh, không thể làm chủ được tay lái.
Nếu bắt buộc phải đi trên cầu, tài xế cần di chuyển với tốc độ chậm và cố gắng ghì người xuống xe, hạ thấp đầu để tránh bị "gió tạt bay".
Người dân cần tránh băng qua cầu nếu nước đang dâng cao và chảy xiết, tránh băng qua cống nước bởi có nhiều trường hợp sụt chân xuống cống và bị nước cuốn trôi.
Người tham gia giao thông nên mặc áo mưa sáng màu, gọn gàng, không sử dụng ô. Khi đi đường trong những ngày mưa bão, gió giật mạnh, nên mặc quần và áo mưa tách rời. Áo mưa bộ giúp tiết diện cản gió thấp nhất, không lo bị tạt vạt áo mưa trong trường hợp gió to gây trở ngại trong việc điều chỉnh phương tiện giao thông.
Luôn bật đèn xe, chú ý điều chỉnh tốc độ ổn định. Trong thời tiết mưa bão, tầm nhìn thường bị hạn chế rất nhiều và khó điều chỉnh được xe theo ý muốn một cách linh hoạt.
Do đó tài xế nên chủ động bật đèn xe khi đi lại trong ngày mưa bão để nhìn rõ đường phía trước và đánh tín hiệu cho các xe đi ngược chiều. Không nên bật đèn pha khi có xe chạy đối diện. Đồng thời nếu đi với tốc độ cao sẽ khiến sức gió thổi lớn hơn và khiến tài xế không kịp điều chỉnh tay lái trong những trường hợp khẩn cấp.
Những khu vực cần tránh là: Khu vực lũ; sát lề đường (đây là khu vực trũng nên khi có mưa thì nước ngập sâu hơn, thậm chí còn gồ ghề và có nhiều nắp cống nên bạn rất dễ bị nước cuốn làm ngã xe); vị trí nằm giữa các tòa nhà cao tầng, đặc biệt là đoạn ngã tư (đây là nơi hút gió); dưới gốc cây to; khu vực có công trường thi công có nhiều tấm tôn, sắt lớn; khu vực gần các loại xe cỡ lớn (dễ gây bắn nước)…
Khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố, Công an Hà Nội khuyến cáo người dân gọi ngay cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo số điện thoại 114 hoặc sử dụng ứng dụng "Báo cháy 114".