Một vụ nổ súng xảy ra hôm 15/9 tại Câu lạc bộ Golf Quốc tế Trump ở West Palm Beach, Florida, trong khi cựu Tổng thống Mỹ kiêm ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đang chơi golf. Mặc dù không chịu tổn hại, nhưng đây là lần thứ hai ông Trump bị ám sát hụt chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, làm dấy lên nhiều câu hỏi. GS Nguyễn Hữu Liêm, nguyên Trưởng Khoa Triết tại San Jose City College, California, Mỹ đã chia sẻ với VietTimes về vấn đề này.
Trong vòng chưa đầy 2 tháng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị ám sát hụt 2 lần. Ông suy nghĩ như thế nào về công tác bảo vệ các yếu nhân ở Mỹ, bởi đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ các Tổng thống bị ám sát?
Công tác bảo vệ yếu nhân ở Mỹ thật ra rất phức tạp và rất khó khăn.
Thứ nhất là văn hóa chính trị rộng mở, ứng viên cao cấp phải đến gần hòa mình với quần chúng để kiếm phiếu. Thứ hai là vấn đề vũ khí cá nhân tràn lan trong xã hội. Thứ ba là có quá nhiều cá nhân mắc bệnh tâm thần, hoang tưởng, muốn nổi tiếng. Thứ tư là tinh thần bạo động trong truyền thống xã hội Mỹ, trong đó vốn vinh danh những anh hùng cô độc sử dụng súng đạn để giải tỏa uẩn ức riêng tư.
Kết hợp những yếu tố trên, chúng ta thấy rằng rất may là trong vòng 50 năm qua, từ khi vụ Kennedy bị ám sát năm 1963, cho đến nay, chưa có lãnh đạo nào tử nạn trong một vụ ám sát. Công việc bảo vệ yếu nhân ở Mỹ khó có thể thành công tuyệt đối. Nhưng tôi hy vọng rằng, với sự cảnh giác cao độ của mật vụ Mỹ, sẽ không còn vụ ám sát nào xảy ra trong tương lai.
Kẻ ám sát hụt ông Trump lần này cũng đã bị bắt ngay sau đó. Ông có thể cho biết dư luận Mỹ bàn tán như thế nào về 2 kẻ ám sát ông Trump: họ giống nhau và khác nhau ở những điểm gì?
Người mưu toan ám sát ông Trump hôm 15/9 tại Câu lạc bộ Golf quốc tế Trump ở West Palm Beach, Florida là một kẻ có nhiều tiền án, có dấu hiệu tâm thần, và mang tinh thần ủng hộ Ukraine cực đoan.
Kẻ bắn trúng tai ông Trump lần trước ở Pennsylvania là một tay súng trẻ, một cử tri của đảng Cộng hòa, mang cá tính của kẻ bạo động, ít giao du, mê súng đạn, bị hiếp đáp bởi bạn học ở trường. Cả hai đều thuộc trường hợp ám sát do những kẻ mang tâm lý chống xã hội và hoang tưởng thực hiện.
Hiện có nhiều thuyết âm mưu sau khi ông Trump bị ám sát hụt. Theo tờ Washington Post, một số tài khoản của phe cánh tả ngay lập tức cho rằng vụ nổ súng là một hoạt động "cờ giả" do chính những người ủng hộ ông Trump thực hiện, trong khi một số người cực hữu cáo buộc Tổng thống Joe Biden và bà Kamala Harris đã ra lệnh tấn công đối thủ chính trị. Ông nhìn nhận như thế nào về những thông tin này?
Về các thuyết âm mưu thì nhiều vô kể. Phe nào cũng thêu dệt lên những chuyện hoang đường vốn ít người tin, ngoại trừ chính những người mang chứng hoang tưởng. Theo tôi thì không có lý do gì để cho phía ông Trump dựng màn kịch nguy hiểm đó; phía ông Biden và bà Harris cũng không điên rồ để làm vậy.
Thuyết âm mưu lan tràn ở Mỹ đã cho chúng ta thấy là dân chúng nước này, dù có nền dân chủ lâu đời, dân và quan trí cao, vẫn còn mang đầy tinh thần cực đoan, nhẹ dạ dễ tin theo những chuyện hoang đường. Có lẽ đây là hệ quả của một xã hội mở, tự do ngôn luận, nhưng về chính trị thì rất đông quần chúng vẫn chưa trưởng thành về ý thức và có khả năng suy nghĩ hợp lý và sáng suốt.
Tờ New York Times ngày 14/7 còn đưa lại các tin tức (đăng trên mạng xã hội không có bằng chứng) nhằm đổ lỗi cho những nhân vật mờ ám bên cánh tả nhắm mục tiêu vào ông Trump, dựa trên ý tưởng ông Trump từng lan truyền rằng "nhà nước ngầm" đang tìm cách ngăn ông trở lại Nhà Trắng. Liệu cử tri Mỹ có tin vào thuyết âm mưu này không?
Thuyết âm mưu “nhà nước ngầm/sâu” (deep state) là do phe ông Trump đưa ra ở lần tranh cử từ năm 2016. Tờ New York Times nêu lên vấn đề dư luận đang có, chứ không cho rằng đó là sự thật.
Đây là hệ quả của chiến dịch tranh cử bị nhiễu động bởi những chuyện thêu dệt từ phe này hay phe kia. Tôi nghĩ là đa số cử tri Mỹ không tin vào câu chuyện "nhà nước ngầm" này. Mỗi lần có vụ mưu toan ám sát, Quốc hội Mỹ đều điều tra cẩn thận và rốt ráo. Cho đến nay hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy đây là do âm mưu của phe phái hay khối chính trị nào cả.
Thượng nghị sĩ Tim Scott, một đồng minh của ông Trump, nói vụ việc “được hỗ trợ và tiếp tay bởi phe cánh tả cực đoan và các phương tiện truyền thông khi liên tục gọi ông Trump là mối đe dọa với nền dân chủ, kẻ phát xít, thậm chí còn nghiêm trọng hơn”. Còn Dân biểu Marjorie Taylor Greene lại cho rằng đảng Dân chủ đã muốn ông Trump ra đi trong nhiều năm và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để điều đó trở thành hiện thực. Những chính trị gia này nói như vậy để thể hiện quan ngại thực sự, hay chỉ là chiêu trò lôi kéo cử tri?
Nếu cho rằng vì luận điệu chính trị tranh cử đã làm cho các tay súng cực đoan nổi cơn thịnh nộ để đi ám sát chính trị gia thì cả hai phía, Dân chủ và Cộng hòa, đều phải chịu trách nhiệm. Ông Trump cũng nhiều lần tố cáo ông Biden và bà Harris là mối nguy hiểm cho quốc gia, nhất là về các chính sách di cư và kinh tế. Đã đến lúc cả hai phía nên hạ nhiệt để tránh đun sôi tình thế căng thẳng.
Điều đáng tiếc là nền dân chủ Mỹ đã suy thoái đến mức độ không thể chấp nhận được, ít nhất là trên bình diện tranh cử. Khuyết điểm lớn của bầu cử tổng thống Mỹ là ngoài chuyện “đảng cử dân bầu”, nó còn kéo dài quá lâu, quá phức tạp, và khi kết quả đã xong vẫn không chuyển giao quyền hành mà phải chờ cho đến ba tháng sau ngày bầu cử.
Thời gian dài này là lò nung của các thuyết âm mưu, các tố cáo vô căn cứ, làm nhiễu loạn tính chất trung thực và khách quan của sự việc. Tôi nghĩ đã đến lúc nước Mỹ nên tái cấu trúc lại quy trình bầu cử tổng thống.
Chỉ là giả sử, nếu thuyết âm mưu vừa nói ở trên là thật, chuyện gì sẽ xảy ra trong đời sống chính trị Mỹ. Liệu đây có phải là “vụ Watergate” thứ 2 không thưa ông?
Giả sử thuyết âm mưu “nhà nước ngầm” là có thật thì đây thực sự sẽ là một thảm họa lớn. Nó cho thấy nền dân chủ Mỹ chỉ là giả hiệu và lực lượng ngầm kiểm soát quyền lực là những tay “bố già” nằm sâu trong thể chế chính phủ. Nhưng, một lần nữa, đây chỉ là một giả thuyết hoang đường.
Thuyết này cũng giống như các học thuyết xã hội hay tâm lý ở Mỹ chuyên dựng lên những câu chuyện có vẻ huyền bí, khó hiểu để giải thích những hiện tượng xã hội bình thường. Nhìn lại vụ Watergate thì nó chỉ là một chuyện đặc thù - âm mưu đột nhập văn phòng của đảng Dân chủ - do các trợ lý của Tổng thống Nixon tiến hành. Từ bản chất đến hành vi, nó không thể so sánh với các vụ mưu sát gần đây được.
Luật cho phép sử dụng súng ở Mỹ có phải là nguyên nhân gia tăng các vụ nổ súng, không chỉ nhằm vào yếu nhân mà còn cả thường dân? Quan điểm của cá nhân ông như thế nào?
Mỹ có Tu chánh án thứ nhì bảo đảm quyền có súng cho nhân dân. Đây là quyền hiến định phát xuất từ hoàn cảnh lịch sử đặc biệt dưới thời nước Mỹ bị đô hộ bởi đế quốc Anh. Dù điều này có vẻ lỗi thời nhưng dân chúng Mỹ đã quen với quyền có súng. Người Mỹ mê súng như mê xe hơi. Đối với phần đông công dân có trách nhiệm thì súng đạn không là mối nguy cho xã hội.
Ở Mỹ nhà cửa ít ai xây hàng rào, nhưng bên trong nhà thì đầy súng đạn. Ngày nay, súng đạn đang ở trong tay nhiều kẻ tâm thần, điên loạn, những băng đảng tội phạm. Hệ quả là chuyện sát nhân bừa bãi, ngay cả trong trường học, mà phần lớn do các tay súng bị bệnh thần kinh, tuổi còn trẻ, nông nỗi, có vấn đề tâm lý bức xúc cá nhân...gây ra.
Tôi nghĩ đã đến lúc Tu chánh án thứ nhì này phải được giới hạn nghiêm ngặt để ngăn ngừa những hệ quả đáng tiếc bấy lâu nay. Nhưng nay đã quá trễ để điều chỉnh. Xã hội Mỹ vẫn sẽ còn hứng chịu nghiệp quả từ tinh thần bạo động với vũ khí sát nhân lan tràn.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu