E-magazine GS Nguyễn Đình Đức: Đề thi tốt nghiệp THPT 2023 phân hóa rõ rệt, đặc biệt là những môn lĩnh vực STEM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Kết quả kỳ thi THPT năm nay cho thấy đề thi đã có sự điều chỉnh, có sự phân hóa rõ rệt, đặc biệt là những môn thi thuộc lĩnh vực STEM, theo GS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQG HN.

vt_GS Nguyễn Đình Đức.jpg
GS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhận định về phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, GS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra những tín hiệu tốt.

Theo GS. Đức, kết quả kỳ thi THPT năm nay cho thấy đề thi đã có sự điều chỉnh, có sự phân hóa rõ rệt, đặc biệt là những môn thi thuộc lĩnh vực STEM; sự phân hóa, sự điều chỉnh của năm nay tốt hơn so với năm ngoái. Về tổng thể, kỳ thi đã diễn ra rất thành công, cơ bản giữ được ổn định như năm 2022.

"Bên cạnh đó tôi nhận thấy, công tác tổ chức, chấm thi, coi thi, công tác đảm bảo an ninh kỳ thi năm nay an toàn, nghiêm túc. Như vậy, kỳ thi THPT đã thành công tốt đẹp, đáp ứng nguyện vọng đề ra" - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nói.

STEM là từ viết tắt của một hình thức giáo dục hướng đến kinh tế tri thức với sự kết hợp của Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Math), nhằm trang bị bộ kỹ năng và kiến thức kết hợp để đào tạo ra thế hệ đón đầu xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra môi trường gần gũi, có tính ứng dụng cao.

Năm nay, theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi sẽ giữ mức ổn định đến năm 2025. Do đó, các trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 như một kênh để tuyển sinh. Về điều này các trường đại học có thể yên tâm.

Về mức điểm tốt nghiệp THPT năm nay dự báo ở một số ngành sẽ có biến động một chút về điểm xét tuyển và có lẽ sẽ không tăng đối với khối khoa học tự nhiên. Thậm chí tỉ lệ chỉ tiêu của các phương thức tuyển sinh khác có thể tăng lên nên có thể giảm từ 0,5 - 1 điểm.

"Về cơ bản, theo tôi kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học năm nay không có sự biến động lớn so với năm ngoái và các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả để tuyển sinh" - ông Đức dự đoán

Tôi cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay đã bám sát chương trình THPT. Đề thi có sự phân hóa rất tốt. Như môn Sinh học, môn Toán, môn Hóa học, môn Lịch sử đã có sự phân hóa rõ rệt so với năm ngoái. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành với bộ đề thi đáp ứng yêu cầu. Trên cơ sở đó, các trường đại học cũng yên tâm hơn với kết quả phổ thông.

GS Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nền tảng rất cần thiết để nhìn nhận việc cải tiến cách dạy học

Sau khi quan sát phổ điểm do Ban Chỉ đạo thi công bố, TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cho rằng, các phổ điểm năm nay cùng hai năm trước tương đối ổn định. Sự ổn định này nói lên việc ra đề của Bộ GD&ĐT khá chắc chắn, tạo ra sự ổn định cho xã hội, cho học sinh, phụ huynh. Đây là điều đáng mừng.

Đặc biệt, một số môn có sự cải thiện tốt hơn, như phổ điểm của môn Lịch sử. Các môn Toán, Vật lý, Hóa học tính ổn định khá cao.

vt_TS Quách Tuấn Ngọc.jpg
TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Môn Giáo dục công dân có thể thấy được có nhiều điểm khá giỏi, đây là điều đáng mừng không có gì lo lắng.

Về phổ điểm môn tiếng Anh, Bộ GD&ĐT nên phân tích đến từng vùng, từng trường học để xem như thế nào. Trên cơ sở đó mới có một kết luận và các đề xuất chính xác về dạy và học ngoại ngữ.

Có thể nói rằng, kỳ thi đã đạt được mục đích đánh giá tốt nghiệp THPT và là căn cứ cho các trường đại học tham khảo, xét tuyển vì có sự phân hóa tốt.

Đồng tình với hai ý kiến trên, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay mang đến tín hiệu rất tích cực.

vt_GS.TS Nguyễn Văn Minh.jpg
GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trước hết là khẳng định được việc ổn định của kỳ thi như Bộ GD&ĐT đã công bố. Thứ hai, đã có sự phân hóa và đây là cơ sở cần thiết. Thứ ba, đây là kỳ thi tốt nghiệp nên đòi hỏi một mặt bằng chung chứ không phải thi để chọn. Do đó, trên kết quả như vậy, qua các năm, tôi nhận định rằng, Bộ GD&ĐT giữ được một kỳ thi ổn định và dần dần đã có những cải tiến để tốt hơn.

Đơn cử như môn Lịch sử, sau quá trình đã có những cải tiến về theo cách dạy, cách học, kiểm tra, đánh giá mới cho nên tín hiệu cho chúng ta rất đáng mừng. Đối với môn Giáo dục công dân, nhiều người cho rằng môn này điểm cao quá.

"Tôi cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện mức độ dân trí của học sinh tăng lên. Đây là nền tảng rất cần thiết để chúng ta cùng nhìn nhận những môn chúng ta cần cải tiến" - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bình luận./.

Các thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023 toàn quốc tra cứu trên VietTimes.vn tại đây.