Đây là những đánh giá của GS. Hoàng Hòe – Nguyên Viện trưởng Viện Điều tra Quy hoạch rừng - trong cuộc trao đổi ngắn với PV VietTimes, xoay quanh cuộc tranh cãi liên quan đến cây cao su trong những ngày gần đây.
GS. Hoàng Hòe - Nguyên Viện trưởng Viện Điều tra Quy hoạch rừng. |
- Thưa GS., sự quan tâm của dư luận về phát biểu “cây cao su thải khí CO2” những ngày qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo các chuyên gia trong ngành lâm nghiệp, hô hấp và quang hợp là quá trình luân phiên thiết yếu của mọi loài thực vật. Dưới góc độ nghiên cứu, ông đánh giá thế nào về lượng O2 và CO2 tác động đến môi trường của cây cao su qua quá trình trao đổi khí?
GS. Hoàng Hòe: Cao su loài thực vật nhập ngoại vào nước ta đã hơn 100 năm nay, có nhiều cánh rừng đạt năng suất cao, được tái trồng hiệu quả như vùng Đông Nam Bộ hay Tây Nguyên. Xét về đặc tính sinh học, loài thực vật nào cũng có quá trình quang hợp và hô hấp.
Tuy nhiên, cao su có mật độ lá ít hơn, đồng thời có mùa rụng lá nên lượng khí O2 và CO2 sử dụng cho quá trình trao đổi khí cũng giảm đáng kể so với nhiều loại cây rừng khác. Để so sánh lượng O2 nhả ra môi trường nhiều hay ít hơn lượng CO2 hấp thụ ở cây cao su, chúng ta phải có điều tra đánh giá cụ thể theo phương pháp nghiên cứu khoa học. Mỗi khu rừng ở từng khu vực với độ tuổi, tình trạng khác nhau sẽ cho ra số liệu khác nhau.
- Xét về góc độ môi trường, cao su cơ bản vẫn đảm bảo cân bằng về lượng CO2 và O2 khi trải qua đủ hai quá trình như các loài thực vật khác. Tuy nhiên, nguyên nhân do đâu khiến loài cây này vẫn bị “mang tiếng xấu”, thưa ông?
GS. Hoàng Hòe: Cao su có nhiều ưu điểm, vừa cung cấp mủ và gỗ tốt, đồng thời cũng có chức năng nhất định để bảo vệ môi trường như nhiều loài thực vật khác. Từ những năm đầu tiên cây cao su được du nhập về Việt Nam, các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo, cao su không nên trồng tại những vùng cho sản lượng thấp hơn 2 tấn mủ/ha/năm. Với điều kiện ở Việt Nam, để đạt hiệu quả cao, tổng diện tích rừng trồng cao su tại Việt Nam tốt nhất nên ở ngưỡng 600 – 700 ngàn ha. Tuy nhiên theo tôi chứng kiến, vào những năm sau giải phóng, người dân đã từng có trào lưu phá rừng tự nhiên để trồng cao su. Tình trạng trồng quá nhiều, quá ồ ạt không có quy hoạch khiến diện tích cao su tăng nhanh, ước tính hiện nay lên đến hơn 1 triệu ha.
Việc trồng tràn lan đã dẫn đến hệ lụy, nhiều vùng trồng cao sụ tại Việt Nam không còn phù hợp do sản lượng giảm sút. Hiện nay, giá mủ cao su giảm sút khiến nhiều cánh rừng thuần cao su chuyển sang khai thác gỗ. Tình trạng khai thác trắng nhưng tái trồng không kịp sẽ dẫn đến xói mòn đất khi có mưa lớn. Mặc dù đem lại hiệu quả về kinh tế, việc trồng tràn lan, ồ ạt ngoài quy hoạch có thể để lại hậu quả khôn lường. Chưa kể, điều đáng lên án ở đây là hành vi phá rừng tự nhiên để trồng cây cao su. Vấn đề này từ trước đến nay đã từng được bàn luận tại nhiều cuộc họp về quy hoạch rừng tại Việt Nam.
Cần sớm có biện pháp quy hoạch rừng trồng cao su. Ảnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Cần sự vào cuộc phối hợp của 3 nhóm ngành nông - lâm - môi trường để quy hoạch rừng bền vững
- Xin GS. phân tích rõ hơn về những mặt trái còn tồn tại khi canh tác cao su tại Việt Nam hiện nay?
GS. Hoàng Hòe: Nhìn chung, có nhiều yếu tố không thích hợp tác động đến mô hình canh tác cao su hiện nay. Tại vùng Tây Bắc, địa hình rất dốc khiến rừng cao su không phù hợp để cho sản lượng cao, đồng thời khiến việc khai thác diễn ra khó khăn. Người lao động ở Tây Bắc không quen với việc 3h sáng phải đến nông trường để cạo mủ cao su trong thời tiết lạnh - điều không phù hợp phong tục tập quán và lối sống của người dân vùng cao đã quen làm nương rẫy.
Xét về những cánh rừng cao su ở miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên, có rất nhiều diện tích không còn phù hợp do canh tác mật độ quá dày, nhưng không đạt sản lượng tối thiểu 2 tấn/ha/năm. Các chủ trang trại phải tốn nhiều chi phí cho phân bón, nhân công, trong khi lợi nhuận thu lại không đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, chúng ta cần xét đến điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nước ta. Đặc điểm của rừng trồng là phải có mật độ phù hợp, không nên canh tác quá dày. Chưa kể, đặc trưng của rừng nhiệt đới là đa dạng sinh học, nhằm điều hòa sinh thái, đảm bảo cân bằng và bền vững. Việc canh tác một loài duy nhất trên diện tích đất rộng hàng nghìn, hàng vạn ha là mô hình trồng rừng không bền vững, sẽ gây ảnh hưởng xấu về sau này.
- Thực tế, cao su và các loài cây công nghiệp khác vẫn đóng góp tích cực vào nền kinh tế. Trước một số hạn chế còn tồn tại như GS. vừa đề cập, cây cao su nên được quy hoạch ra sao để vừa duy trì phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, vừa đảm bảo không gây tác động xấu đến môi trường?
GS. Hoàng Hòe: Theo tôi, chúng ta cần sớm có phương án quy hoạch để việc trồng rừng đạt hiệu quả, đảm bảo phát triển rừng bền vững. Bên cạnh đó, các địa phương cần có quy hoạch tổng thể sử dụng đất đai cho từng vùng, từng tỉnh, đồng thời điều chỉnh lại diện tích trồng cao su, cà phê, dành ra quỹ đất để phát triển các cây trồng khác.
Với khí hậu và đất đai tại Việt Nam, tôi cho rằng nên giảm bớt diện tích rừng thuần loại, thay vào đó có thể chia khu, trồng kèm một số loài cây nhập nội khác. Ngoài ra, nên kết hợp trồng lại một số cây rừng bản địa của các vùng như lim, táu, sến, dầu, sao, giổi... Cụ thể, chúng ta nên chia nhỏ thành từng lô để trồng xen kẽ, nông – lâm kết hợp, đảm bảo môi trường điều hòa, hướng tới phát triển rừng bền vững hơn, phát huy tối đa vai trò bảo vệ môi trường trong tình trạng biến đổi khí hậu như ngày nay.
Để làm được điều này, đã đến lúc cần sự phối hợp giữa các ngành để có quy hoạch và sử dụng đất tốt hơn. Các nhà khoa học ở cả ba lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và môi trường cần phối hợp nghiên cứu, đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp trong quy hoạch tổng thể, nhằm tái tạo môi trường rừng bền vững, đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội.
- Xin cảm ơn ông!