Trước thềm chuyến thăm quan trọng của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam, Infonet đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Carl Thayer về ý nghĩa, tương lai của mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam cũng như những vấn đề “nóng” sẽ được đề cập trong chương trình nghị sự giữa lãnh đạo hai nước.
- PV: Xin chào Giáo sư! Theo ông, chúng ta có thể mong đợi gì từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama? Chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt là vào dịp bầu cử Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại Việt Nam?
- GS: Trong hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Obama đã làm nên lịch sử bằng việc bình thường hóa quan hệ với Cuba. Mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng phát triển nhưng có hai vấn đề mà ông Obama kế thừa từ quá khứ, đó là chất độc màu da cam và lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tôi cho rằng ông Obama sẽ đề cập đến các vấn đề nói trên với quan điểm tạo các cơ hội cho sự hợp tác trong tương lai.
Thời điểm chuyến thăm của Tổng thống Obama đã được quyết định dựa trên sự thuận tiện chung cho cả hai bên. Đây cũng là chuyến công du có ý nghĩa quan trọng trong quãng thời gian còn tại nhiệm của ông Obama khi ông sẽ tham dự Hội nghị G7 ở Tokyo và làm việc với chính quyền mới của Việt Nam sau cuộc bầu cử quan trọng.
- PV: Chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào đối với mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ? Theo ông, hai nước có thể tăng cường hợp tác trên một loạt lĩnh vực như kinh tế, an ninh, nhân quyền, các vấn đề trong khu vực và quốc tế hay không?
- GS: Tổng thống Obama luôn muốn phát triển mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, mối quan hệ này đã hình thành được ba năm nay. Có 9 lĩnh vực chính của sự hợp tác và nhân chuyến thăm tới đây, các lĩnh vực này sẽ được xem xét lại cũng như những sáng kiến mới sẽ được công bố. Hai vấn đề quan trọng nhất là liên quan đến các quan hệ kinh tế (TPP) và an ninh hàng hải. Tuy nhiên, theo tôi, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, khoa học và công nghệ, đào tạo thế hệ lãnh đạo trẻ từ hai nước và giải quyết những vấn đề còn tồn tại từ thời chiến tranh (gồm chất độc màu da cam và rà phá bom mìn).
Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng chia sẻ nhiều quan điểm chung trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Mỹ coi Việt Nam là một thành viên tích cực, xây dựng trong cộng đồng quốc tế. Ông Obama sẽ tiếp tục đề nghị hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như giúp đỡ Hà Nội thực hiện cam kết tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Obama cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ về mặt pháp lý để giải quyết vấn đề nhân quyền theo Hiến pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế.
- PV: Theo ông, có khả năng Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Obama hay không?
- GS: Tổng thống Obama không phải là người lẩn tránh khi đưa ra những quyết định dứt khoát. Tôi cho rằng ông sẽ công bố những điều tích cực về lệnh cấm vận vũ khí. Được áp đặt từ năm 1984 và mặc dù để dỡ bỏ lệnh cấm này còn liên quan đến nhiều vấn đề như nhân quyền nhưng phải thấy rõ ràng rằng Việt Nam đã đạt được tiến bộ và phát triển trên rất nhiều lĩnh vực.
Khi Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam thì “quả bóng” đã nằm bên sân nhà của Việt Nam. Hà Nội chưa đưa ra câu trả lời, có thể là đợi cho đến khi lệnh dỡ bỏ hoàn toàn được tuyên bố. Thậm chí nếu lệnh cấm được xóa bỏ thì Việt Nam cũng cần phải đáp ứng một số yêu cầu pháp lý của phía Mỹ mới có thể tiến hành mua bán vũ khí sát thương. Tôi cho rằng tương lai nằm ở sự phát triển thương mại quốc phòng cũng như việc chuyển giao công nghệ quốc phòng trong một khoảng thời gian nhất định. Và cũng không có gì ngăn cản Việt Nam có thể mua các thiết bị radar hiện đại hay máy bay giám sát hàng hải của Mỹ trong tương lai.
- PV: Theo ông, chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Obama có tác động như thế nào đến tình hình Biển Đông? Việt Nam và Hoa Kỳ có thể đưa ra tuyên bố chung về vấn đề này hay không? Ông có nhận định gì về tương lai của vấn đề Biển Đông trong bối cảnh Philippines đã có Tổng thống mới và Việt Nam chuẩn bị tiến hành bầu cử Quốc hội?
- GS: Theo tôi, Tổng thống Obama và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn sẽ đưa ra một tuyên bố chung về Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo sẽ ủng hộ quyết định của Tòa trọng tài quốc tế và kêu gọi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ bày tỏ mối quan ngại của mình về các hoạt động của Trung Quốc, tuy nhiên có thể không đề cập trực tiếp. Theo tôi, lãnh đạo hai nước cũng sẽ thừa nhận rằng có rất nhiều bên có quyền lợi trên khu vực Biển Đông và các bên liên quan này cần phải cùng nhau chung tay giải quyết các căng thẳng thời gian qua.
Tổng thống mới của Philippines vẫn chưa chính thức nhậm chức cho đến tháng 6 tới. Bắc Kinh đang cố nắm lấy cơ hội mới này để tiến hành đàm phán với Manila, đề nghị thúc đẩy hợp tác kinh tế để đổi lấy một chính sách “mềm mỏng” hơn đối với vấn đề Biển Đông. Trung Quốc hy vọng có thể làm giảm ảnh hưởng của Mỹ với Manila thông qua sự thay đổi lãnh đạo lần này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã lên kế hoạch tiến hành một chiến dịch tuyên truyền sâu rộng để làm mất uy tín của Tòa trọng tài quốc tế cũng như phản đối phán quyết sắp được đưa ra. Bắc Kinh có thể sẽ tạo nên một cuộc “huyên náo” về chính trị và ngoại giao một khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng. Theo tôi, hành động của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và cộng đồng quốc tế cần phải có phản ứng cứng rắn để ủng hộ luật pháp quốc tế.
- PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet