Nếu thông tin mà báo chí Mỹ công bố mới đây là đúng, thì ông Trump đã yêu cầu các cố vấn Nhà Trắng xem xét về ý tưởng Mỹ mua lại Greenland - quốc gia tự trị và là hòn đảo lớn nhất thế giới - từ Vương quốc Đan Mạch.
Greenland là nhà của 56.000 người, và ý tưởng mua lại mảnh đất của người bản địa và tổ tiên của họ dường như gợi lại chủ nghĩa thực dân và rất có vấn đề. Ở Đan Mạch và Greenland, ý tưởng của Tổng thống Trump đã gây ra tâm lý xáo trộn, có sự phẫn nộ và cả sự hoang mang. Một thành viên của Quốc hội Đan Mạch gọi ý tưởng đó là "câu nói đùa tệ hại", trong khi Thủ tướng của chính quyền tự trị Greenland tuyên bố thẳng thừng: "Greenland không phải để bán".
Ý tưởng đó đặc biệt làm thất kinh người dân Greenland và Đan Mạch, vì 3 lý do:
Thứ nhất, Greenland có ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử riêng. Ý tưởng mua lại cả một quốc gia là không tôn trọng lịch sử bị đô hộ đầy đau đớn của Greenland.
Greenland lần đầu tiên bị đô hộ bởi Đan Mạch vào năm 1721, tiếp đó là khoảng thời gian người dân đảo bị ép cải đạo sang Thiên chúa giáo, bị buộc phải từ bỏ văn hóa và ngôn ngữ riêng. Vào những năm 1950, trong một cuộc thí nghiệm xã hội, một số trẻ em Greenland bị tách khỏi cha mẹ mình. Ngày nay, một cộng đồng lớn dân số Greenland ủng hộ tách khỏi Đan Mạch, nhưng phần còn lại lo ngại rằng hòn đảo của họ giờ đã quá dựa dẫm vào sự hỗ trợ kinh tế từ Đan Mạch nên không thể tự chủ được. Tổng thống Trump đáng lẽ phải nhận ra rằng, những người lo sợ chủ nghĩa thực dân và đang hy vọng độc lập chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận ý tưởng "bị bán".
Thứ hai, xã hội Đan Mạch được xây dựng dựa trên các giá trị căn bản khác biệt so với Mỹ. Đối với phần lớn người dân Greenland - Đan Mạch, việc chấp nhận áp dụng hệ thống tư bản và các chương trình an sinh xã hội của nước Mỹ là viễn cảnh đáng sợ. Nếu Mỹ mua Greenland, công dân của hòn đảo này gần như chắc chắn sẽ mất quyền được hưởng chương trình chăm sóc y tế đại chúng, nền giáo dục tự do, 5 tuần nghỉ lễ có lương mỗi năm, 12 tháng ở nhà chăm sóc trẻ mới sinh, chương trình hỗ trợ nuôi trẻ và nhiều hơn nữa...
Aaja Chemnitz Larsen - một thành viên Quốc hội Đan Mạch đại diện cho Greenland - cho rằng tất cả các quyền dân sự căn bản trên sẽ "hoàn toàn bị bãi bỏ" nếu Mỹ tiếp quản Greenland.
Thứ ba, người dân Greenland vốn đã có suy nghĩ không tốt về nước Mỹ, khi nước này có quyền quân sự đối với căn cứ không quân Thule của họ. Năm 1946, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã đề xuất mua Greenland với giá 100 triệu USD, nhưng chính quyền Đan Mạch lúc bấy giờ từ chối bán. Thay vào đó, dân làng ở Thule buộc phải dời bỏ nhà cửa để cho phép Mỹ thiết lập một căn cứ quân sự, mà ngày nay đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Mỹ. Vào năm 1968, một máy bay ném bom B-52 của Mỹ chở 4 trái bom nhiệt hạch đã bị rơi gần căn cứ Thule, khiến cho Greenland bị nhiễm phóng xạ. Trong những năm 1990, một vụ bê bối xuất hiện khi Mỹ bị phanh phui tích trữ vũ khí hạt nhân ở Greenland, bất chấp chính sách cấm vũ khí hạt nhân của Đan Mạch.
Dù cho ý tưởng mua lại Greenland của Tổng thống Trump có bị chỉ trích và bác bỏ, ông cũng không nên quá lo ngại về vấn đề địa chính trị của Mỹ ở vùng Bắc Cực. Là một quốc gia nhỏ, Đan Mạch dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ để phòng thủ đường bờ biển dài 27.000 dặm của Greenland mà họ cho là đang bị Nga đe dọa. Sự phụ thuộc này đồng nghĩa rằng, chính sách đối ngoại của Đan Mạch phải phù hợp với các lợi ích của nước Mỹ - từ việc cho phép các căn cứ không quân dự trữ vũ khí hạt nhân cho tới việc ủng hộ các cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Dù cho ông Trump có đưa ra đề xuất khó tin đến thế nào khi ông tới thăm Đan Mạch vào tháng 9 tới, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen chắc chắn sẽ giữ nguyên truyền thống đó, tức làm hài lòng Tổng thống Mỹ ở mức độ tốt nhất mà bà có thể.
Greenland sẽ không bị bán - nhưng Mỹ sẽ vẫn có quyền tiếp cận đặc biệt đối với hòn đảo này. Không nghi ngờ gì khi nói rằng, người dân Greenland luôn hy vọng có một ngày mà đất nước họ không còn là một con bài ngã giá giữa Mỹ và Đan Mạch nữa.
(Theo CNN)