Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa thông báo lỗ hơn 350 tỷ đồng trong năm 2014, sau khi lãi gần 1.380 tỷ đồng một năm trước đó. Bên cạnh nguyên nhân giá dầu thế giới biến động khó lường, lãnh đạo tập đoàn đề cập tới sự bất cập của công thức tính giá cơ sở khi chỉ được tính bình quân 15 ngày cuối của chu kỳ tồn kho, trong khi doanh nghiệp luôn phải bảo đảm dự trữ tối thiểu 30 ngày.
Trước vấn đề này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết công thức tính giá cơ sở đã được các đơn vị đồng tình và thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành theo đúng các nguyên tắc, quy định của Nghị định 83 ngày 3/9/2014. "Mức giá cơ sở được tính bình quân 15 ngày có thể trùng, cao hơn hoặc thấp hơn giá vốn thực tế tại từng thời điểm của doanh nghiệp. Việc điều chỉnh chu kỳ tính giá, tần suất điều chỉnh giá đã được xin ý kiến rộng rãi và được các đơn vị thống nhất, bảo đảm sát với diễn biến giá xăng dầu thế giới", người phát ngôn của Chính phủ khẳng định.
Việc giá dầu thế giới liên tục giảm từ quý IV/2014 đến nay cùng với việc sử dụng cách tính giá cơ sở theo Nghị định 83 đã khiến các thương nhân đầu mối khó chủ động trong phương án kinh doanh, nhập hàng... Riêng Petrolimex (chiếm khoảng 50% thị phần xăng dầu trong nước) trong quý cuối năm ngoái đã lỗ trên 1.300 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 295,6 tỷ đồng trong quý IV/2013.
Song, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cần phải tính toán, đánh giá không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong trung, dài hạn và gắn với diễn biến tăng, giảm của giá xăng dầu thế giới.
"Tùy theo diễn biến của tình hình thị trường thế giới và trong nước, phải chủ động, linh hoạt điều hành các biện pháp về thuế, quỹ bình ổn giá, giá bán lẻ để bình ổn giá xăng dầu. Trong một số trường hợp, lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu cho ngân sách", vị này cho hay.
Liên quan đến ý kiến cho rằng có cơ quan điều hành quản lý giá xăng và giá cước vận tải phải là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) chứ không phải Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), người phát ngôn của Chính phủ cho biết theo Luật Giá, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý giá nói chung; các Bộ, ngành sẽ quản lý giá trong lĩnh vực cho phép, như Bộ Y tế quản lý giá thuốc, Bộ Giao thông vận tải quản lý giá cước vận tải, Bộ Công Thương quản lý giá điện, xăng dầu...
Với mặt hàng xăng dầu, theo quy định tại Nghị định 83, Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì thực hiện quản lý giá, Bộ Tài chính phối hợp trong công tác điều hành.
Theo Vnexpress