Giới khoa học Hong Kong ghi nhận ca tái nhiễm COVID-19 đầu tiên trên thế giới

VietTimes – Các nhà nghiên cứu tại ĐH Hong Kong, Hong Kong (Trung Quốc), đã ghi nhận trường hợp mà họ cho là ca tái nhiễm COVID-19 đầu tiên, chỉ 4 tháng rưỡi sau khi bệnh nhân này lần đầu mắc bệnh.
Các nhà khoa học phát hiện ra 24 điểm khác biệt giữa trình tự gene của virus trong hai lần nhiễm (Ảnh: FT)
Các nhà khoa học phát hiện ra 24 điểm khác biệt giữa trình tự gene của virus trong hai lần nhiễm (Ảnh: FT)

Bệnh nhân này là một người đàn ông 33 tuổi, được nhập viện từ tháng 3 năm nay với các triệu chứng bệnh COVID-19 mức độ trung bình. Sau đó đến tháng 8, người này lại có kết quả dương tính với virus corona chủng mới sau khi trở về từ chuyến thăm Tây Ban Nha và được xét nghiệm ở sân bay Hong Kong.

Trong lần nhiễm thứ hai, người đàn ông này không có triệu chứng bệnh. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng ông đã bị tái nhiễm COVID-19, và rằng sau khi người này xuất viện hồi tháng 4, virus corona chủng mới không tồn tại trong cơ thể ông nữa nên đây không phải ca “tái dương tính” mà là tái nhiễm COVID-19.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra 24 điểm khác biệt giữa trình tự gene của virus corona trong lần nhiễm đầu tiên và lần nhiễm thứ hai của người đàn ông nọ, cho rằng số điểm khác biệt này nhiều hơn là thông qua đột biến bên trong cơ thể một người. Mặc dù phát hiện trên cho thấy kháng thể với virus corona chủng mới có thể không kéo dài, nhưng các nhà khoa học khác lại phản ứng một cách thận trọng với báo cáo trên.

Bà Maria Van Kerkhove, Giám đốc kỹ thuật Chương trình ứng phó khẩn cấp COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói rằng bà vẫn đang nghiên cứu về trường hợp tái nhiễm ở Hong Kong, đồng thời kêu gọi người dân không nên lo lắng vì đây cũng chỉ là 1 trong số 24 triệu ca nhiễm được ghi nhận trên toàn thế giới.

“Tôi không muốn người dân sợ hãi” – bà Kerkhove nói – “Đây là một ví dụ rất hiếm thấy về tái nhiễm và điều này không nên ảnh hưởng tới động lực của toàn thế giới trong công cuộc phát triển vaccine ngừa COVID-19”.

Một số nhà khoa học khác thì đòi hỏi kết luận chắc chắn về trường hợp này, bởi ca tái nhiễm này không hề có triệu chứng bệnh COVID-19 – điều cho thấy rằng hệ miễn dịch của bệnh nhân có thể đã giúp ngăn chặn bệnh tiến triển mặc dù không ngăn chặn được virus thâm nhập cơ thể.

“Rất khó để có thể đưa ra kết luận chắc chắn chỉ từ một lần nghiên cứu” – Jeffrey Barrett, chuyên gia thuộc Dự án bộ gene COVID-19 của Viện Wellcome Sanger, nhận định – “Rất có thể là lần nhiễm thứ hai, nếu xảy ra, sẽ không quá nghiêm trọng mặc dù chúng ta không biết rõ liệu người này có dễ truyền nhiễm cho người khác trong lần hai này hay không”.