Gia tăng căng thẳng giữa Quốc hội và Chính phủ Mỹ

Khi Quốc hội với quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa tại hai viện, căng thẳng giữa Quốc hội và Chính phủ Mỹ gia tăng, đe dọa gây khó khăn việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba, đảng Cộng hòa còn tạo áp lực lên Nhà Trắng trong vấn đề hạt nhân ở Iran
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 16/1 đã tuyên bố sẽ không nhượng bộ Quốc hội trong vấn đề Iran. Ảnh: Getty Imagine.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 16/1 đã tuyên bố sẽ không nhượng bộ Quốc hội trong vấn đề Iran. Ảnh: Getty Imagine.

Trong nỗ lực giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân ở Iran, hôm 16/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã một lần nữa kêu gọi Quốc hội “không nên quá vội vàng đưa ra các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran”. Đồng thời, người đứng đầu Nhà Trắng cũng cảnh báo rằng, việc tăng biện pháp trừng phạt chỉ khiến tình hình càng trở nên nguy hiểm và đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân đi vào ngõ cụt. Ông Barack Obama khẳng định: “Thông điệp chính mà tôi muốn gửi đến Quốc hội là vào thời điểm này, hãy ngừng công kích”.

Được biết, theo thỏa thuận mới được ký kết hồi năm 2013 tại Geneva (Thụy Sĩ), Iran đã chấp nhận giảm quy mô hoạt động của chương trình hạt nhân. Đổi lại, Mỹ cũng hứa sẽ không gia tăng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào. Vì vậy, trong trường hợp Quốc hội Mỹ muốn thay đổi thỏa thuận này, theo Tổng thống Mỹ, nhiều khả năng Iran cũng sẽ không tuân thủ việc giảm số lượng uranium đã làm giàu.

Ông Barack Obama nhấn mạnh: “Trong trường hợp như vậy, nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong hai năm qua sẽ bị phá bỏ. Không ai muốn như vậy. Trên thực tế, chúng ta vẫn có cơ hội để giải quyết mọi việc bằng biện pháp hòa bình. Nếu các cuộc đối thoại với Iran thất bại, tôi hứa sẽ là người đầu tiên yêu cầu Quốc hội xem xét lại vấn đề này”.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích thế giới nhận định, cuộc đối thoại giữa Iran và phương Tây về vấn đề hạt nhân đang ở thế cân bằng và khả năng thành công là 50%. Hôm 16/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp người đồng cấp Iran Mohammad Javd Zarif ở Paris bàn về hạn chót cho việc giải quyết bất đồng giữa các bên vào ngày 30/3.

Tuy nhiên, dường như Quốc hội Mỹ vẫn chưa thực sự được thuyết phục bởi những tuyên bố của Tổng thống. Thượng nghị sĩ Bob Corker, Chủ tịch mới của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết, trong vài tuần tới, Thượng viện Mỹ có thể bỏ phiếu về dự luật thắt chặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Iran.

Thượng nghị sĩ Bob Corker cũng cho biết ông và một số nghị sĩ khác đang soạn thảo một dự luật trao quyền cho Quốc hội Mỹ “bỏ phiếu trực tiếp” về một dự luật bất kỳ nhằm vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ. Điều này có nghĩa là Thượng viện hoặc Hạ viện Mỹ có thể thông qua hoặc không thông qua một dự luật với tỷ lệ quá bán 2/3.

Với tương quan lực lượng sau cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vừa qua, đảng Cộng hòa có thể đạt được đủ số phiếu 2/3 tại Hạ viện nhưng không đạt đủ tỷ lệ này tại Thượng viện. Hiện đảng Cộng hòa có 54 ghế tại Thượng viện, trong khi số phiếu cần thiết là 60/100 Thượng nghị sĩ. Như vậy, để tạo được thế chủ động với Chính quyền Mỹ trong tiến trình đàm phán với Iran, đảng Cộng hòa cần vận động thêm sự ủng hộ của một số Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ tại Thượng viện để thông qua được dự luật thắt chặt trừng phạt Iran.

Đáng chú ý là Thượng nghị sĩ Mitch McConnell - lãnh đạo phe đa số Thượng viện, mong muốn Thượng viện sớm thảo luận dự luật này vào cuối tháng 1 để đi đến thông qua vào đầu tháng 2. Dự luật tăng cường các biện pháp trừng phạt với Iran hiện nhận được sự ủng hộ của hầu hết các nghị sĩ của đảng Cộng hòa và một số nghị sĩ của đảng Dân chủ, trong đó có những nghị sĩ có ảnh hưởng như Thượng nghị sĩ Bob Menendez và Thượng nghị sĩ Mark Kirk.

Hãng CNN bình luận rằng, “cuộc chiến” giữa Quốc hội và Chính phủ Mỹ đang bắt đầu. Sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên không chỉ lộ ra ở vấn đề Iran mà còn liên quan đến một loạt vấn đề khác như chính sách nhập cư mới, việc bình thường hóa quan hệ với Cuba… Và nếu trong những vụ việc này, cả hai bên cùng rắn, không bên nào chịu nhượng bộ bên nào, sức mạnh nội tại của nước Mỹ sẽ bị suy yếu.

Theo: An ninh Thế giới