Gần 20 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không tiến ra nước ngoài thì sẽ thua ngay trên sân nhà.
Khó khăn vẫn còn bủa vây các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Ảnh: S.T.
Khó khăn vẫn còn bủa vây các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Ảnh: S.T.

Ấn tượng

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận 153 hồ sơ dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn (gồm cả cấp mới và tăng vốn) đạt trên 1,786 tỷ USD. Lũy kế đến 31/12/2014, Việt Nam đã có 930 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn 19,78 tỷ USD. Dự kiến, trong năm 2015, sẽ có khoảng 150 dự án xin cấp mới với tổng vốn khoảng 1,5-2 tỷ USD.

Có thể thấy, những con số trên khá ấn tượng và đây sẽ là hướng đi mà các DN Việt Nam cần hướng tới. Bởi theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội, khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… được ký kết và đi vào hoạt động, thị trường trong nước sẽ trở thành thị trường khu vực.

Chính từ những nhìn nhận như trên mà các DN như Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam… đều đã có chiến lược đầu tư ra nước ngoài và rất nhiều trong số đó đã thu được “trái ngọt”.

Báo cáo thường niên năm 2014 của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) cho thấy, từ khi thành lập vào năm 2007 đến nay, Viettel Global đã liên tục mở rộng mạng lưới, với các dự án phát triển mạng viễn thông ở Campuchia, Lào, Mozambique, Haiiti, Tanzania, Peru… Chính vì thế, trong năm 2014, tổng doanh thu của Viettel Global đạt hơn 1.200 triệu USD với mức tăng trưởng trên 20% so với năm trước. Các hoạt động kinh doanh, tiếp cận khách hàng đầy tính mới lạ, khác biệt đã giúp Viettel Global đạt thành công, tạo uy tín để nhiều quốc gia, đối tác chủ động mời Viettel đầu tư như Congo DRC, Bangladesh, Myanmar, Triều Tiên, Belarus, Ukraine…

Bên cạnh các DN lớn, nhiều DN vừa và nhỏ cũng đã và đang đặt chân đến thị trường các nước trên thế giới. Với việc xây dựng đội ngũ nhân viên, ứng dụng khoa học công nghệ và đưa ra các dịch vụ đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, Công ty TNHH Du lịch châu Á Thái Bình Dương (APT) đã mở nhiều văn phòng, đại lý tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á hay tại Tây Ban Nha, Mông Cổ…

Ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng giám đốc APT cho biết, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ, tạo cơ hội cho DN tìm hiểu thị trường, giải quyết vướng mắc, khó khăn của DN khi đầu tư ra nước ngoài nên DN thuận lợi hơn, có thêm cơ sở, động lực để tiếp tục và cố gắng đi theo con đường này.

Vẫn nhiều rào cản

Khi phân tích về những khó khăn và rào cản của DN Việt Nam đi đầu tư tại nước ngoài, các chuyên gia và DN đều nhận định, khó khăn nhất là về văn hóa xã hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, để đưa ra được hàng hóa, dịch vụ phù hợp với thị trường đó, DN phải có sự tìm hiểu thật kỹ về thị trường, vượt qua được những rào cản về luật pháp, về cạnh tranh giá cả nhưng quan trọng nhất là DN phải hiểu được phong tục tập quán… của người dân tại nước đó. Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam còn rất mù mờ về thị trường định đầu tư, các DN mới chỉ dừng ở mức bán cái mình có chứ chưa bán cái thị trường cần.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Đài chia sẻ, đa số DN Việt Nam mới ra nước ngoài đầu tư trong thời gian ngắn nên thiếu kinh nghiệm, chưa nắm rõ chính sách và một số quy định về ngành nghề tại quốc gia khác. Đặc biệt, khi DN tham gia đàm phán mà không hiểu về ngôn ngữ, luật pháp thì rất dễ gặp những bất lợi. “Nhưng ở thời điểm hiện tại, các DN, nhất là DN vừa và nhỏ đều thiếu và yếu về vốn, trong khi để đầu tư ra nước ngoài lại cần một số vốn rất lớn”, ông Đài cho hay.

Phân tích về thành công của Viettel, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng, các DN Việt Nam vẫn đang chỉ kinh doanh vì lợi nhuận chứ chưa vì lợi ích. Ở thị trường Campuchia, Viettel có được thành công vì Viettel đã đưa ra được mức giá hợp lý, có chương trình tài trợ các hoạt động xã hội, chấp nhận không có lợi nhuận nhưng đã tạo được uy tín, dần ghi dấu thương hiệu vào đời sống của người dân thị trường này. Do đó, DN muốn thành công thì nên hướng đến con đường kinh doanh mang tính lâu dài, tạo được thương hiệu và uy tín bền vững.

Bên cạnh đó, cũng theo PGS.TS. Ánh, DN cần nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có kỹ năng quốc tế để hiểu được những rào cản của thị trường nước ngoài đặt ra. Báo cáo thường niên của Viettel Global cũng chỉ ra, một trong những hạn chế còn tồn tại khi đầu tư ra nước ngoài là thiếu lực lượng nhân sự, thiếu các chuyên gia đầu ngành tại các thị trường quốc tế.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Đài, bước đầu các DN đang có Hiệp hội các nhà đầu tư tại các nước như Lào, Campuchia, Myanmar… để hỗ trợ, giúp DN học hỏi kinh nghiệm, phổ biến chính sách. Nhưng các DN cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa, đặc biệt, Nhà nước nên có sự phân chia thành DN lớn và DN vừa và nhỏ để có những chính sách công bằng và phù hợp lợi ích hơn.

Theo Báo Hải Quan