FLC "đổi chấp" loạt tài sản cho OCB

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nghĩa vụ nợ của FLC và FLC Land tại OCB không chỉ dừng lại ở các hợp đồng tín dụng mà còn liên quan tới các lô trái phiếu phát hành vào tháng 12/2020 và tháng 10/2021, với tổng mệnh giá 830 tỉ đồng.
FLC "đổi chấp" loạt tài sản cho OCB
FLC "đổi chấp" loạt tài sản cho OCB

Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) vừa thông qua việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tập đoàn để bảo đảm nghĩa vụ tài chính của FLC và Công ty TNHH MTV FLC Land (FLC Land) phát sinh tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã CK: OCB).

Theo đó, tài sản đảm bảo là quyền khai thác, sử dụng, quản lý dự án đầu tư; quyền hưởng, nhận hoa lợi, lợi túc phát sinh, quyền nhận các khoản tiền có được liên quan/phát sinh bao gồm cả khoản tiền bồi thường/hỗ trợ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền do giải tỏa, đền bù theo quy định của pháp luật, bồi thường/hỗ trợ từ bên thứ ba; quyền tài sản/tài sản khác gắn liền với đất phát sinh từ 1.480 quyền sử dụng đất thuộc dự án đầu tư khu A, khu B và khu C – khu biệt thự nhà ở thuộc khu phức hợp tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.

Dự án này do FLC làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 8/2019.

Khối tài sản kể trên sẽ được FLC đổi chấp một phần và/hoặc toàn bộ các tài sản thế chấp đang đảm bảo cho một số nghĩa vụ nợ và đề nghị OCB xuất trả tài sản cho công ty.

Cụ thể là các nghĩa vụ trả nợ (bao gồm: nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn, các khoản phải trả, chi phí xử lý tài sản thế chấp và các khoản phí, chi phí khác) theo một số hợp đồng tín dụng và hợp đồng mua bán trái phiếu liên quan tới các lô trái phiếu FLCH2023001 và FLCH2124002 mà OCB bảo lãnh.

Theo tìm hiểu của VietTimes, các lô trái phiếu kể trên được FLC phát hành lần lượt vào các tháng 12/2020 và 10/2021, có tổng giá trị theo mệnh giá là 830 tỉ đồng.

Được nhìn nhận như là chủ nợ lớn nhất của FLC, OCB cũng nhận thế chấp nhiều tài sản có liên quan tới FLC và ông Trịnh Văn Quyết, bao gồm cả các bất động sản, để đảm bảo cho các khoản vay.

Trong đó, có thể kể tới toà nhà Bamboo Airways ở số 265 Cầu Giấy (Hà Nội) mà FLC dùng để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của mình và một số công ty cùng nhóm.

Như VietTimes từng đề cập, thương vụ diễn ra từ tháng 11/2020, song phải tới tháng 5/2022, tức sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì hành vi thao túng giá cổ phiếu, mới được FLC công bố.

Về FLC Land, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 8/2007, đặt trụ sở tại toà nhà FLC Landmark Tower, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Giai đoạn từ tháng 3/2017 – 3/2020, FLC Land từng đem một lượng lớn cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros thế chấp ở nhiều nhà băng.

Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của FLC Land là ông Lê Văn Sắc (SN 1949) - cựu thành viên ban kiểm soát FLC. Ngoài FLC Land, ông Sắc còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư địa ốc Alaska (Alaska Land) – ‘nơi’ cựu thành viên HĐQT FLC Hương Trần Kiều Dung từng có nhiều năm gắn bó.

Tại Gia Lai, FLC xúc tiến đầu tư loạt dự án bất động sản, bao gồm: Tổ hợp khách sạn 5 sao và nhà phố thương mại; Khu đô thị thông minh CK54 (230ha); Khu dân cư đường Nguyễn Chí Thanh và dự án tháp đôi 30 tầng (1,6ha).

Ngoài ra, FLC còn là chủ đầu tư quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Gia Lai, quy mô 500ha, tổng vốn đầu tư 3.631 tỉ đồng (giai đoạn 1), toạ lạc tại thị trấn Đak Đoa, xã Glar và Tân Bình, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2022, bao gồm các hạng mục: sân golf, khu nhà ở biệt thự và liền kề, khách sạn, trung tâm hội nghị quốc tế./.