FiinGroup: Rủi ro vỡ nợ trái phiếu rất thấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quan điểm này được FiinGroup cho biết trong bản tin trái phiếu doanh nghiệp tháng 9/2022 vừa công bố.

Sau dư âm của vụ án Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục đón nhận cú sốc mới từ Vạn Thịnh Phát. Sự kiện này đã làm ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý thị trường, nhất là các nhà đầu tư cá nhân về rủi ro an toàn hệ thống tín dụng.

Tuy nhiên, trong báo cáo trái phiếu doanh nghiệp vừa công bố, các chuyên gia của FiinGroup cho rằng rủi ro ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp đến với hệ thống tín dụng hiện nay ở mức "rất thấp".

Tính đến cuối tháng 9/2022, dư nợ trái phiếu thị trường Việt Nam đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, tương đương với hơn 13% GDP năm 2021. Nếu loại bỏ các trái phiếu ngân hàng, số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỉ đồng, trong đó các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455.000 tỉ đồng.

Theo FiinGroup, con số nêu trên chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong khi chất lượng tín dụng của ngành bất động sản có sự phân hóa cao, nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt và đủ khả năng trả nợ.

Cơ cấu dư nợ giá trị trái phiếu doanh nghiệp tại ngày 10/10/2022
Cơ cấu dư nợ giá trị trái phiếu doanh nghiệp tại ngày 10/10/2022

So sánh với Trung Quốc, dư nợ trái phiếu chiếm đến 44% GDP nhưng tỷ lệ vỡ nợ chỉ chiếm 1,35%. "Rủi ro vỡ nợ tại thị trường Việt Nam có tồn tại nhưng rất thấp" báo cáo viết.

Bên cạnh đó, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn trong 9 tháng đầu năm 2022 của khối doanh nghiệp phi ngân hàng cũng tăng 2,34 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 75.500 tỉ đồng. Điều này đã góp phần làm giảm áp lực nợ trái phiếu đến hạn.

Ngoài ra, các ngân hàng hiện nay cũng đang nắm giữ danh mục trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng với quy mô khoảng 284.000 tỉ đồng, chiếm 2,37% tổng tài sản sinh lời tại thời điểm 30/6/2022.

FiinGroup cho rằng, đây không phải là vấn đề lớn đối với chất lượng tín dụng ngân hàng bởi quy mô còn nhỏ và chất lượng trái phiếu có tính phân hóa và cũng được các ngân hàng đánh giá kỹ lưỡng.

“Mức độ ảnh hưởng chỉ có thể lớn hơn đối với một số ngân hàng có phân bổ tín dụng trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn 10% tổng dư nợ tín dụng của họ”, báo cáo nêu.

TPDN tương đối ảm đảm

Trong tháng 9/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận tổng giá trị phát hành đạt 16.100 tỉ đồng, giảm 18,27% so với tháng trước và giảm 76,44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục dẫn đầu với 22 đợt phát hành, tương ứng giá trị phát hành đạt 10.200 tỉ đồng, giảm 40,2% so với tháng trước và chiếm 63% tỷ trọng phát hành.

Đứng thứ hai về giá trị phát hành là ngành bất động sản với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đạt 2.800 tỉ đồng, tăng 55,6% so với tháng trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận giá trị phát hành đạt 246.320 tỉ đồng, tương đương 35,87% giá trị phát hành trong năm 2021.

Trong đó, có 58% giá trị phát hành đến từ các tổ chức tín dụng và 21% đến từ ngành bất động sản. Tỷ lệ phát hành ra công chúng chỉ chiếm 3,87%./.