Điều gì dẫn tới chính biến ở Myanmar?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quân đội Myanmar đã giành quyền lực sau một cuộc chính biến trong sáng 1/2, ngay trước kỳ họp khai mạc Quốc hội mới.
Rạn nứt giữa Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing ngày càng sâu sắc (Ảnh: Nikkei)
Rạn nứt giữa Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing ngày càng sâu sắc (Ảnh: Nikkei)

Bà Aung San Suu Kyi, người đã dẫn dắt đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đến chiến thắng thuyết phục trong kỳ bầu cử tháng 11/2020, và lãnh đạo của chính phủ vừa bị lật đổ, đã bị bắt giữ; theo nhiều báo cáo từ Myanmar và truyền thông quốc tế. Chủ tịch NLD Win Myint cũng bị bắt giữ.

Trong một bản tin được kênh truyền hình quân đội phát đi sáng 1/2, quân đội Myanmar tuyên bố áp dụng tình trạng khẩn cấp trong 1 năm.

Trước khi vụ đảo chính xảy ra khoảng một tuần, đã xuất hiện nhiều lời đồn đoán và ngờ vực về hành động của quân đội trước kỳ họp khai mạc Quốc hội mới của Myanmar.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng đột biến, và sau khi xuất hiện nhiều tuyên bố nêu quan ngại của Tổng Thư ký LHQ cũng như một nhóm các Đại sứ quán các nước phương Tây ở Myanmar; Tatmadaw (Quân đội Myanmar) đã đưa ra một tuyên bố trong thứ Bảy tuần trước, nói rằng họ sẽ bảo vệ và tuân thủ Hiến pháp.

Điều gì gây ra đảo chính?

Quân đội Myanmar đã liên tiếp cáo buộc rằng kỳ tổng tuyển cử được tổ chức vào tháng 11/2020 đầy rẫy “phiếu bầu gian lận” và bởi vậy, kết quả bầu cử - trong đó NLD thắng áp đảo – không hợp lệ. Quân đội cũng đặt nghi vấn về mức độ chính xác của con số 9 triệu lá phiếu bầu được bỏ trong kỳ bầu cử này.

Quân đội đã đưa ra yêu cầu rằng Ủy ban Bầu cử Thống nhất (UEC) của Myanmar – bên chịu trách nhiệm kiểm soát các kỳ bầu cử - hoặc chính phủ, hoặc các nghị sĩ Quốc hội tổ chức một phiên họp đặc biệt để chứng minh rằng kỳ bầu cử vừa qua là tự do và công bằng; trước khi phiên họp khai mạc Quốc hội mới diễn ra vào ngày 1/2. Tuy nhiên, đề nghị này bị bác bỏ.

Bài phát biểu của Tổng tư lệnh quân đội

Theo website tin tức “The Irrawaddy”, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing nói rằng quân đội nước này “cần phải tuân thủ Hiến pháp”.

Ông nói với các sĩ quan tại Học viện Quốc phòng Quốc gia thông qua hội thảo trực tuyến rằng quân đội sẽ tôn trọng mọi bộ luật hiện hữu “không vượt qua Hiến pháp 2008”, nhưng “nếu một người không tuân thủ luật, luật cần phải được thu hồi. Ý tôi là nếu đó là Hiến pháp, vậy thì cần phải thu hồi Hiến pháp. Nếu có người không tuân thủ luật, Hiến pháp cần được thu hồi”.

Hiến pháp của quân đội

Chính quân đội Myanmar đã soạn thảo Hiến pháp 2008, và tổ chức trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp này cùng năm. Đảng NLd đã tẩy chay cuộc trưng cầu này, cũng như kỳ bầu cử năm 2010 được tổ chức theo Hiến pháp 2008.

Bản Hiến pháp này là “lộ trình tới dân chủ” của quân đội, bị ép phải chấp nhận do sức ép từ phương Tây, và quân đội nước này nhận thức rằng việc mở cửa Myanmar với thế giới bên ngoài không còn là một lựa chọn mà là điều cấp thiết nếu muốn phát triển nền kinh tế nước nhà.

Tuy nhiên, quân đội vẫn đảm bảo sẽ bảo vệ vai trò và uy quyền của họ đối với các vấn đề quốc gia, trong bản Hiến pháp.

Trong nhiều điều khoản ghi trong Hiến pháp, quân đội có 25% số ghế trong lưỡng viện của Quốc hội, bởi vậy có quyền chỉ định các vị trí tướng lĩnh quân đội. Thêm vào đó, một chính đảng thực chất là ủy thác của quân đội cũng tham gia vào các kỳ bầu cử. Nhưng trong kỳ bầu cử năm 2020, số ghế của quân đội giảm mạnh do chiến thắng áp đảo của đảng NLD.

Cáo buộc của quân đội

Một phát ngôn viên quân đội tuần trước nói rằng Tatmadaw, quân đội Myanmar, đã phát hiện 8,6 triệu phiếu bầu gian lận ở 314 khu vực trên khắp các bang và vùng miền, và rằng điều này cho thấy khả năng nhiều người dân đã đi bỏ phiếu “nhiều hơn một lần”, hoặc tham gia vào thứ gọi là “hành động lạm dụng trong bỏ phiếu”.

UEC thì tuyên bố họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy có gian lận bầu cử. Cơ quan này nói mỗi phiếu bầu “được đếm một cách minh bạch và dưới sự chứng kiến của các ứng viên tham gia bầu cử, đội ngũ bầu cử, giới truyền thông, các nhà quan sát và các tổ chức xã hội dân sự”.

Tổng tư lệnh quân đội cũng gọi Hiến pháp 2008 là “hữu hiệu”. Mỗi điều khoản đều có mục đích và ý nghĩa, ông nói, và không ai được tự diễn giải nó theo hướng có lợi cho họ. “Áp dụng luật dựa trên ý tưởng của một người có thể gây tổn hại thay vì mang lại hiệu quả”; tờ The Irrawaddy dẫn lời ông, nói.

Tổng tư lệnh quân đội cũng nói về việc quân đội từng 2 lần thu hồi Hiến pháp ở Myanmar.

Tiến trình dân chủ bị trì hoãn

Bài phát biểu của Tổng tư lệnh quân đội Myanmar sau khi phát đi đã khiến Đại sứ quán Mỹ và phái đoàn ngoại giao của 15 quốc gia, và Liên minh châu Âu (EU) ở Yangon đưa ra một tuyên bố chung “phản đối mọi nỗ lực thay đổi kết quả bầu cử hoặc cản trở tiến trình dân chủ của Myanmar”.

Tiến trình dân chủ ở Myanmar là một quá trình đang được thực hiện, chứ chưa hoàn thiện. Kết quả kỳ bầu cử năm 2020 ở nước này, được tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vốn được đảng NLD xem như cơ hội để họ thực hiện hóa cải cách thể chế, hạn chế vai trò của quân đội trong chính trị và quản lý đất nước. Nhưng điều đó không hề dễ dàng, bởi những hạn chế sửa đổi hiến pháp hết sức chặt chẽ.

Ít nhất thì hệ thống hiện nay ở Myanmar cũng là một sự tiến bộ lớn nếu so với năm 2011, thời điểm mà quân đội quyết định trả tự do cho bà Suu Kyi, và đưa ra “lộ trình hướng tới dân chủ” – mặc dù tiến triển rất chậm.

Bà Suu Kyi luôn giữ quan điểm hòa giải với quân đội, nhiều hơn so với những người ủng hộ bà kỳ vọng, đến mức bà bảo vệ quân đội trước Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) trước những cáo buộc thảm sát người Rohingya. Tranh cãi liên quan tới kỳ bầu cử vừa qua chính là cuộc đối đầu đầu tiên mà bà có với phía quân đội kể từ sau khi được trả tự do.

Theo IndianExpress